Là Bộ trưởng cuối cùng đăng đàn trả lời chất vấn với 33 ĐB đăng ký chất vấn, chiều 16/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trả lời nhiều nội dung quan trọng, trong đó liên quan công tác cán bộ và việc xử lý chính quyền đối với ông Vũ Huy Hoàng.
Thanh tra bổ nhiệm cán bộ cần có thời gian
Bức xúc trước tình trạng một số cơ quan tuyển dụng ồ ạt cán bộ vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho biết, ngày 19/7 vừa qua, một ngày trước khi kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, bà đã trực tiếp ký Công văn số 314 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIII gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ chỉ đạo kiểm tra phản ánh của đại biểu Quốc hội và cử tri sớm trả lời về tình trạng bổ nhiệm một loạt cán bộ tại các địa phương trong thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ.
Thủ tướng Chính phủ đã có 2 công văn đôn đốc, yêu cầu kiểm tra nghiêm túc báo cáo Thủ tướng trước cuối tháng Tám vừa qua và sau đó là trước ngày 15/10 vừa qua.
“Tuy nhiên, sau 4 tháng vẫn chưa có câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Có hay không tình trạng bổ nhiệm cán bộ ồ ạt tại không ít bộ, ngành, địa phương tại thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ, trong đó có những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc thanh tra, kiểm tra khi để xảy ra trường hợp này và giải pháp khắc phục. Vì sao hơn 4 tháng Bộ Nội vụ chưa có kết quả thanh tra theo yêu cầu của Thủ tướng và đại biểu Quốc hội” đại biểu Lê Thị Nga đặt ra một loạt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Nội vụ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội
Khẳng định hiện tượng bổ nhiệm nhiều cuối nhiệm kỳ là có, tuy nhiên Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng cần phân tích rõ bổ nhiệm lại và bổ nhiệm mới, bổ nhiệm đúng tiêu chuẩn và đúng quy hoạch. Vấn đề này cần có thời gian và Bộ sẽ tiến hành thanh tra công vụ một số nơi cần thiết để làm rõ vấn đề. Thủ tướng đã chỉ đạo thanh tra của Bộ Nội vụ thanh tra công vụ 2 đơn vị, thông tin cụ thể sẽ được báo cáo Chính phủ và đại biểu Quốc hội trong thời gian tới.
Nhìn nhận về trách nhiệm của Bộ, người đứng đầu ngành Nội vụ cho biết thời gian qua, Bộ Nội vụ thanh tra công vụ nhiều nhưng tập trung vào việc tổ chức biên chế, thi tuyển vào công chức.
“Vấn đề tổ chức, bổ nhiệm, đề bạt, chúng tôi sẽ đặt lên là nhiệm vụ trọng tâm về thanh tra công vụ công tác cán bộ trong năm 2017,” Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng cho biết tới đây, Bộ sẽ tiến hành thanh tra đối với một số bộ, ngành, địa phương để chấn chỉnh về kỷ luật, kỷ cương trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt là thời điểm cuối nhiệm kỳ, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý đối với từng cơ quan, đơn vị.
Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ tổ chức thanh tra việc bổ nhiệm cán bộ ngay để có câu trả lời cho cử tri và đại biểu Quốc hội
Chưa đồng tình với phần trả lời này, đại biểu Lê Thị Nga tranh luận: Đã hơn 4 tháng kể từ khi những nơi cử tri, dư luận và báo chí phản ánh về những “điểm nóng” của việc bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ, có cơ quan liên tiếp bổ nhiệm ồ ạt cuối hai nhiệm kỳ. “4 tháng cũng đủ điều kiện để thanh tra trọng điểm tại những địa điểm như thế, đề nghị Bộ trưởng tổ chức thanh tra ngay để có trả lời cho cử tri và đại biểu Quốc hội,” bà Nga cương quyết.
Chọn người nhà mà không chọn người tài
Phản ánh về tình trạng bổ nhiệm người nhà làm lãnh đạo tràn lan tại một số địa phương trong thời gian qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương- tỉnh Quảng Bình cho biết, vừa qua ở nhiều địa phương, đã xảy ra tình trạng lợi dụng việc bổ nhiệm cán bộ để làm bà đỡ, rèm che cho việc chọn người nhà vào làm việc mà không chọn người tài. Điều đó đã làm mất niềm tin của nhân dân và cử tri trong việc đề bạt và bổ nhiệm cán bộ. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ những giải pháp cụ khắc khục tình trạng trên để lấy lại niềm tin của nhân dân và tuyển chọn được người tài quản lý đất nước.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ nội vụ rà soát thông tin này. Hiện nay, Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm người nhà của 9 địa phương. Trong thời gian rất ngắn, Bộ cũng đã cử 3 đoàn xuống làm việc, tiến hành tổ chức thanh tra công vụ ở các địa phương trong vòng 15 ngày. Ngay sau đó, Bộ đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Thủ tướng có chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh thực hiện quy trình bổ nhiệm đúng theo quy định; người được bổ nhiệm phải có đủ tiêu chuẩn, điều kiện; việc tuyển chọn cán bộ phải được áp dụng rộng rãi, minh bạch, công khai, dân chủ; đề nghị xem xét xử lý đối với những trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham mưu đề bạt, bổ nhiệm người không đúng tiêu chuẩn, điều kiện. Cùng với đó, rút lại những quyết định bổ nhiệm không đúng theo tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình trong thời gian qua.
Để đảm bảo minh bạch, công khai trong công tác bổ nhiệm cán bộ và chọn đúng người tài, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ đã trình và được Bộ Chính trị thông qua Đề án về việc thí điểm đổi mới phương pháp bổ nhiệm, tuyển chọn cán bộ quản lý. Đặc biệt, trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với một số đơn vị để xây dựng lại quy trình bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. Qua đó, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp để khắc phục tình trạng tuyển chọn cán bộ không đúng tiêu chuẩn nhưng không có ai chịu trách nhiệm như thời gian qua.
Nghỉ hưu cũng không "hạ cánh an toàn"
Liên quan đến vụ việc của cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, đại biểu Hoàng Thanh Tùng – Đại biểu Quốc hội đoàn Sóc Trăng đề nghị Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu quan điểm về hình thức xử lý về mặt hành chính đối với ông Vũ Huy Hoàng.
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Hoàng Thanh Tùng, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết về việc xử lý về mặt Nhà nước đối với cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, hiện nay Ban Bí thư đã có hình thức xử lý là cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng giai đoạn 2011-2016.
Riêng về mặt Nhà nước hiện nay theo chỉ đạo của Ban Bí thư đã giao cho Ban cán sự Đảng chính phủ phối hợp với các cơ quan chuyên môn xem xét xử lý về mặt hành chính tương ứng, kịp thời theo quy định của Đảng, Nhà nước.
Đây là vấn đề khó chưa có trong tiền lệ, do đó Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn, Ban cán sự Đảng của Chính phủ để có biện pháp xử lý về mặt hành chính.
“Chúng ta cũng phải có hình thức xử lý chứ không phải cứ sai phạm rồi nghỉ hưu là hạ cánh an toàn. Điều này cũng là cảnh báo cho những đồng chí đang tại chức, khi thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình cần làm cho đúng, chứ không phải đợi nghỉ hưu là hết trách nhiệm với Đảng, Nhà nước,” Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu rõ.
Bộ trưởng cũng cho biết đây là vấn đề mới, khó, cần tạo cơ sở hành lang pháp lý để giải quyết những vấn đề như vậy nếu có xảy ra sau này. Để chỉnh sửa về cơ sở pháp lý lâu dài, Bộ Nội vụ đang chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Cán bộ công chức, cần sửa đổi Luật để thể hiện tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, kể cả đương nhiệm hay đã về hưu.
Trong thời điểm chưa sửa đổi được Luật Cán bộ công chức cũng có văn bản quy định phù hợp để xử lý trước mắt những trường hợp cán bộ vi phạm nhưng đã về hưu, đồng thời phối hợp chặt chẽ trong công tác tham mưu xử lý, kỷ luật.