Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn: Tòa án đã rất trách nhiệm trong việc giải quyết bồi thường oan sai

Mai Thoa| 13/03/2015 16:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Liên quan đến trách nhiệm bồi thường oan sai trong vụ án hình sự nói chung và vụ ông Nguyễn Thanh Chấn nói riêng đã được nhiều đại biểu quan tâm và chất vấn Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình sáng nay 13/3.

Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn: Tòa án đã rất trách nhiệm trong việc giải quyết bồi thường oan sai

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trả lời chất vấn 

ĐBQH Lê Thị Nga (Thái Nguyên) ghi nhận cố gắng của các cơ quan tiến hành tố tụng trong bồi thường oan sai trong thời gian vừa qua, nhưng thực tiễn giám sát vẫn còn nhiều trường hợp dây dưa kéo dài, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Cụ thể: Vụ ông Phan Văn Lá (SN 1967, ở xã Vĩnh Châu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Năm 1991, ông Phan Văn Lá bị Tòa án huyện Châu Thành xử 4 năm tù về tội Hủy hoại tài sản XHCN theo BLHS năm 1985. Đến tháng 9/1992, Tòa án tỉnh Long An hủy và trả hồ sơ cho Công an huyện Châu Thành điều tra lại. Tuy nhiên, ông Lá lại chịu thân phận bị can trong 21 năm. Ông Lá yêu cầu bồi thường, nhưng các cơ quan tố tụng Trung ương và địa phương đều không thống nhất và có dấu hiệu đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Bộ Công an và VKSNDTC trả lời việc bồi thường thuộc về Tòa án huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Còn TANDTC cho rằng, trường hợp này thuộc về trách nhiệm của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát? ĐB Nga đề nghị Chánh án TANDTC giải thích rõ về điều này?

Cần một cơ quan độc lập đứng ra bồi thường

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết “nếu như có trường hợp dây dưa, kéo dài, đùn đẩy trách nhiệm bồi thường cho nhau của các cơ quan tố tụng như ĐB Lê Thị Nga nói thì thật là có lỗi với dân”. Tuy nhiên, việc này cũng phải xem xét thực sự khách quan ở nhiều phương diện.

Có thực trạng tranh chấp thẩm quyền bồi thường nhưng không nhiều. Đến nay, đối với trường hợp thuộc trách nhiệm bồi thường của Tòa án thì thương lượng đã xong; còn đối với trường hợp đưa ra Tòa để giải quyết tranh chấp thì Tòa án xác định việc bồi thường, khi đó Tòa án xét xử như án dân sự về đòi bồi thường oan sai.

Vấn đề chưa rõ trách nhiệm của cơ quan nào đối với trường hợp Phan Văn Lá (Long An), có ý kiến cho rằng có sự đùn đẩy trách nhiệm trong vụ bồi thường này giữa 3 cơ quan Tòa án - Viện kiểm sát - Công an. Nhưng thực tế, ông Phan Văn Lá bị Tòa cấp sơ thẩm tuyên án 4 năm tù giam, sau đó Tòa phúc thẩm hủy án chuyển CQĐT điều tra lại từ đầu. Nhưng suốt từ năm 1992 đến 2013 (21 năm), cơ quan Công an mới có quyết định đình chỉ điều tra. Vậy việc kết luận lỗi do Tòa án, Viện kiểm sát hay Công an đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Do vậy, đây không phải là đùn đẩy trách nhiệm.

Chánh án Trương Hòa Bình cũng chỉ rõ, nguyên nhân của tình trạng này là do quy định của pháp luật chưa chặt chẽ. Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước cũng đã có quy định về vấn đề này nhưng có nội dung chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ nên mới dẫn đến tình trạng như trên. Vậy nên “cần phải có một cơ quan độc lập đứng ra giải quyết bồi thường cho người bị oan, sau đó mới “truy” lỗi và trách nhiệm từng cơ quan để xảy ra oan sai thì sẽ hợp lý hơn” - Chánh án TANDTC đề xuất.

Bên cạnh đó, cần phải sửa Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước và xác định một cơ quan trọng tài để xác định cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp có tranh chấp này.

ĐB Lê Thị Nga đặt câu hỏi, vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn  bị ngồi tù oan 10 năm, cho đến thời điểm này thì kết quả giải quyết đến đâu, chậm trễ do nguyên nhân vì sao?

Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, các cơ quan tiến hành tố tụng đã đứng ra giải quyết vấn đề quyết liệt, hiện nay chỉ chờ phía gia đình ông Chấn cung cấp đầy đủ các giấy tờ liên quan thì sẽ tiến hành việc bồi thường. TANDTC cũng đã nhiều lần có văn bản gửi đến ông Chấn để giải quyết vấn đề bồi thường và đề nghị ông Chấn cung cấp các tài liệu theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước nhưng ông Chấn chưa cung cấp đầy đủ tài liệu. “Việc giải quyết đối với ông Chấn thì các cơ quan tố tụng đã tiến hành rất quyết liệt và có trách nhiệm, đến nay chỉ chờ tài liệu của gia đình ông Chấn để chứng minh về thiệt hại vật chất, tinh thần thì Tòa án sẽ tiến hành thực hiện trách nhiệm bồi thường nhà nước” - Chánh án TANDTC nhấn mạnh.

Thẩm phán cần được hưởng quyền miễn trừ truy tố
 
Một vấn đề nóng khác được dư luận quan tâm là Cơ quan điều tra VKSNDTC đã khởi tố ông Phạm Tuấn Chiêm, nguyên Thẩm phán TANDTC, Chủ tọa phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ ông Nguyễn Thanh Chấn.

Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn: Tòa án đã rất trách nhiệm trong việc giải quyết bồi thường oan sai

Đại biểu Đỗ Văn Đương

ĐB Đỗ Văn Đương cho biết, có nhiều bức xúc vì khởi tố không công bằng. Quyền quyết định tập thể 3 Thẩm phán, về nguyên tắc ông Chiêm không thể chỉ đạo cả H|ĐXX tuyên ông Chấn có tội. Nếu Phạm Tuấn Chiêm bị xử lý, như thế có công bằng không?

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, việc khởi tố có công bằng hay không, trách nhiệm này thuộc về VKSNDTC có câu trả lời cho các đại biểu. Vì Cơ quan điều tra của VKSNDTC đang thực hiện việc khởi tố, điều tra.

Tuy nhiên, quan điểm của TANDTC, đây là vấn đề đặt ra để thời gian tới đây cần xử lý triệt để bằng các quy định của pháp luật cho rõ ràng, có căn cứ. Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên là những người đại diện cho Nhà nước để tiến hành các hoạt động tố tụng. Thẩm phán nhân danh Nhà nước để xem xét tuyên một bản án. Theo pháp luật hiện nay chưa rõ ràng, quy định trách nhiệm bồi hoàn khi có lỗi cố ý. Nếu như Thẩm phán cố ý làm trái pháp luật ra bản án sai phải hoàn trả hay chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng nếu do nhận thức chủ quan như ông Chiêm chưa xác định là ý thức chủ quan mà là do nhận thức mà lúc bấy giờ xét xử chưa có tranh tụng, chỉ căn cứ vào hồ sơ là chính, cho nên đã không phát hiện được cái sai và xét xử tập thể.

Nếu chúng ta quy lỗi thiếu trách nhiệm đối với công chức nào đó quy trách nhiệm dễ, nhưng đây là Hội đồng xét xử, và mỗi thành viên trong Hội đồng có quan điểm riêng của mình và bỏ phiếu thì quyền ngang nhau, cả ba đều đồng tình ra bản án đó.

Nhiều nước trên thế giới không xác định trách nhiệm hình sự với Thẩm phán trong trường hợp này. Nhưng luật của chúng ta hiện nay chưa rõ. Nhiều chuyên gia nghiên cứu đặt ra vấn đề và đề nghị xác định rõ có nên truy cứu trách nhiệm lỗi vô ý với Kiểm sát viên, Điều tra viên, Thẩm phán hay không? Và cũng đặt lại vấn đề tại sao không xử lý hình sự đối với Kiểm sát viên ra cáo trạng truy tố hay cả HĐXX mà chỉ truy cứu chỉ cá nhân ông Chiêm?

Hiện VKS đang điều tra chưa chuyển hồ sơ truy tố sang Tòa nên cũng chưa có căn cứ xác định Thẩm phán Chiêm có tội hay không? Mà xử như thế nào thì cũng là vấn đề rất khó, tới đây khi sửa BLHS cũng cần phải đưa vấn đề này vào để làm sao những người đại diện cho Nhà nước thực hiện quyền của mình yên tâm không phải nơm nớp lo sợ. Còn trường hợp lỗi cố ý phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn: Tòa án đã rất trách nhiệm trong việc giải quyết bồi thường oan sai