Vụ ông Hà Ngọc Vinh (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Sa Pa, tỉnh Lào Cai) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đã gây rúng động phố núi.
Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng vụ án này chưa cần thiết phải xử lý hình sự vì trước đó sai phạm của Hà Ngọc Vinh và một số cán bộ đã được xử lý.
Sai phạm đã được xử lý
Hà Ngọc Vinh thuộc gia đình có công với cách mạng, mẹ đẻ là mẹ liệt sỹ. Đến nay mẹ liệt sỹ Nguyễn Thị Di, đồng thời cũng là mẹ ruột của bị can Hà Ngọc Vinh đã gần 100 tuổi, cuộc sống của mẹ Di chẳng khác nào ngọn đèn trước gió từ tháng 2/2014 vừa qua khi ông Vinh, con trai bà bị khởi tố và bắt tạm giam về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đến nay sau gần 7 tháng bị tạm giam, Hà Ngọc Vinh được tại ngoại để điều tra.
Năm 2010, Huyện ủy Sa Pa tiến hành kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý sử dụng đất trên địa bàn. Đoàn kiểm tra có 9 thành viên, gồm: ông Phan Đình Thống - Phó bí thư Huyện ủy là trưởng đoàn; ông Hà Ngọc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra (UBKT) Huyện ủy là phó đoàn; và 7 thành viên trong đó có bà Lồ Thị May và ông Hoàng Văn Tiệc - cán bộ UBKT Huyện ủy, ông Tiệc và bà May được giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện việc nhận hồ sơ cấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) tại Phòng TN-MT để mang về UBKT Huyện ủy phục vụ công tác kiểm tra và có trách nhiệm bảo quản hồ sơ trong quá trình kiểm tra. Khi giao trả hồ sơ cấp QSDĐ cho Phòng TN-MT thì phát hiện mất 14 bộ hồ sơ và 26 bộ hồ sơ bị rút lõi. Đoàn kiểm tra đã báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy và tiến hành các biện pháp khôi phục, nhưng không thể khôi phục được các tài liệu đã mất. Ngay sau đó Huyện ủy Sa Pa đã tiến hành họp, bỏ phiếu lấy ý kiến về việc xử lý kỷ luật đối với các cá nhân liên quan trong vụ mất hồ sơ cấp QSDĐ. Huyện ủy đã thống nhất xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với bà May và ông Tiệc, đồng thời cũng quyết định kỷ luật Đảng bằng hình thức khiển trách với 2 người này.
Cụ Nguyễn Thị Di liên tục gõ cửa cơ quan công quyền kêu oan cho con
Đối với ông Phan Đình Thống (trưởng đoàn kiểm tra) và ông Hà Ngọc Vinh (phó đoàn), Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Pa cho rằng, dù đã phân công nhiệm vụ trực tiếp hồ sơ cho ông Tiệc, bà May song với trách nhiệm là trưởng, phó đoàn, hai người này có trách nhiệm liên đới nhưng chưa đến mức phải xem xét kỷ luật. Sau khi bỏ phiếu kín, Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Pa yêu cầu ông Thống và ông Vinh nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cần sâu sát hơn. Tháng 8/2013, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Lào Cai khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, khởi tố bị can 5 đối tượng nguyên là cán bộ huyện Sa Pa. Cho rằng việc điều tra gặp khó khăn do vụ việc mất và rút lõi 40 hồ sơ nói trên gây ra, Cơ quan điều tra đã tiếp tục khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, khởi tố bị can đối với ông Hà Ngọc Vinh, Hoàng Văn Tiệc và bà Lồ Thị May.
Ý kiến chuyên gia pháp lý
Nghị định 181/2004/NĐ-CP về thi hành Luật Đất đai quy định, đối với trường hợp làm hư hỏng, làm mất hồ sơ đất đai thì bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương… Trường hợp này, những người liên quan, trong đó có ông Phan Đình Thống (trưởng đoàn kiểm tra) và ông Hà Ngọc Vinh (phó đoàn) cũng đã bị Huyện ủy Sa Pa đưa ra xem xét trách nhiệm, xử lý về mặt Nhà nước cũng như Điều lệ Đảng.
Ông Hầu A Lềnh - Bí thư Huyện ủy Sa Pa - cho biết, ngay khi phát hiện mất hồ sơ, ông Vinh đã báo cáo ông Thống (trưởng đoàn). “Khi tìm không thấy, đoàn kiểm tra đã báo cáo Thường trực Huyện ủy. Sau đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã họp và có hình thức xử lý kỷ luật những cán bộ liên quan theo đúng Luật Đất đai và theo Điều lệ Đảng”.
Theo nhận xét của ông Hầu A Lềnh, ông Vinh là một cán bộ năng nổ, tháo vát, có chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Quá trình công tác, ông Vinh có nhiều sáng kiến như đề án tăng cường công tác kiểm tra giám sát của Đảng bộ toàn khóa, kiện toàn đổi mới đội ngũ cán bộ - việc mà các khóa trước đã cố gắng thực hiện nhưng không thể thành đề án. Ông Vinh được UBKT Huyện ủy đánh giá là một cán bộ xuất sắc, trong nhiều năm liền.
Về hậu quả của việc mất và rút lõi hồ sơ thì Chi cục thuế Sa Pa cho rằng việc mất hồ sơ không ảnh hưởng đến việc thu thuế tiếp theo, còn Phòng TN-MT cho rằng trong các hồ sơ bị mất và rút lõi không có hồ sơ nào có đơn thư tố cáo và giải quyết tranh chấp và việc mất Giấy chứng nhận QSDĐ có thể phục hồi, tuy nhiên không cần thiết phải phục hồi, có phục hồi chỉ làm lưu trữ, có chăng chỉ cần làm thông báo hủy bỏ tài liệu trên để tránh các cá nhân lợi dụng để vi phạm pháp luật… Mặt khác, nếu có tranh chấp xảy ra, căn cứ vào các tài liệu còn lại trong hồ sơ cũng vẫn xác định được.
Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Vinh về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Bởi nói về trách nhiệm thì ông Phan Đình Thống là trưởng đoàn, ông Hà Ngọc Vinh là phó đoàn. Theo phân công nhiệm vụ, ông Hoàng Văn Tiệc và bà Lồ Thị May là người trực tiếp giao nhận và quản lý hồ sơ. Việc quản lý hồ sơ đã được giao cụ thể cho từng người, có tủ sắt, có khóa. Với vai trò phó đoàn kiểm tra, ông Vinh không có trách nhiệm trong việc hàng ngày đi kiểm kê tài liệu thay cho người được giao quản lý hồ sơ.
Theo Tiến sĩ Đặng Quang Phương, nguyên Phó Chánh án thường trực TANDTC: Về hành vi thiếu trách nhiệm làm mất hồ sơ, theo sự phân công, hồ sơ đã được giao cho ông Tiệc và bà May quản lý. Ở đây, có chăng ông Vinh chỉ là thiếu trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở cán bộ cấp dưới quản lý cẩn thận chứ không phải “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo quy định tại khoản 4 Điều 8, Bộ luật TTHS: Có những hành vi tuy có dấu hiệu cấu thành tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các hình thức khác.
Cũng theo Tiến sĩ Đặng Quang Phương, việc cơ quan chức năng áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can Vinh trong vụ viêc này là “quá tay”. Ông Vinh bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 285 BLHS, khoản 1 có mức hình phạt tù cao nhất là 5 năm, tức là loại tội phạm nghiêm trọng. Như vậy, theo quy định tại Điều 88 Bộ luật TTHS thì ông Vinh chỉ bị áp dụng biện pháp tạm giam khi có căn cứ chứng minh ông Vinh có thể bỏ trốn, hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử, hoặc có thể tiếp tục phạm tội. Trong khí đó, ông Vinh là Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy, gia đình có công với cách mạng, nhân thân tốt.