Sau khi phá thêm cửa thông hơi, cho quạt thổi xuống lần lượt 9 người được đưa ra khỏi lò vôi, mọi người đều lạnh ngắt, mặt mày tím tái, có người sùi bọt mép...
Theo ông Lê Trọng Luật, người có mặt đầu tiên bàng hoàng kể lại: "Tôi làm ở lò vôi bên cạnh, khi thấy mọi người kêu cứu, tôi chạy lại nhìn xuống dưới thấy 4 người nằm bất tỉnh. Tôi xuống được mấy bước thấy ngột ngạt, không khí rất nặng mùi hắc, ngửi vào đến miệng thấy ngọt nên vội vàng leo lên.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm ở lò vôi, tôi biết nếu xuống sẽ chết ngay. Tôi leo lên cảnh báo mọi người không được xuống rồi vội vàng đi lấy thang và tìm cách phá thêm cửa. Lúc quay lại thì đã thấy nhiều người khác bất tỉnh dưới lò".
Ông Luật kể lại sự việc
Chị Nguyễn Thị Tính làm lò vôi bên cạnh hoảng hốt kể: "Tôi làm vôi lâu rồi nhưng chiều hôm qua khói từ lò vôi nhà ông Thong rất khó chịu. Lúc đưa 9 người ra mặt mũi họ xanh ngắt, chân tay lạnh, 1 số người sồi bọt mép. Người đầu tiên bị ngất trong lò là ông Tuyên công nhân nhà ông Thong. Thấy vậy ông Thong leo xuống một lát thì trèo lên miệng lò kêu cứu rồi ngất lịm. Tiếp theo ông Việt, ông Hoàn đều là chủ lò vôi bên cạnh nhảy xuống. Lúc đó mọi người vô cùng hoảng loạn, tiếng kêu cứu thất thanh, 2 con gái và vợ ông Thong chạy đến lao xuống đều bất tỉnh".
Lò vôi nơi xảy ra sự việc thương tâm
Bà Lê Thị Huệ hàng xóm nhà ông Thong cho biết thêm: "Tội nghiệp 2 cô con gái nhà ông ấy, cháu Nga thì làm ngoài Hà Nội vừa về nghỉ lễ, còn cháu Mai là giáo viên cấp 1 đang mang thai 4 tháng, chồng mới đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc. Chiều hôm qua nhà ông Thong nấu cơm tổ chức năm mới cho thợ nên con cái về phụ giúp thì xảy ra sự việc".
Trước đó, Công lý đã thông tin, chiều 1/1, tại lò vôi do ông Lê Văn Thong, thôn Yên Thái, xã Hoàng Giang (Nông Cống, Thanh Hóa) 9 người bị ngạt khí do đốt lò vôi. Một người được đưa đi bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, còn 8 người khác được đưa đến bệnh viên Tâm Đức (Nông Cống) cứu chữa. Tuy nhiên, cả 8 người đến bệnh viện Tâm Đức đều không qua khỏi, gồm ông Lê Văn Thong (chủ lò vôi), ông Hoàng Văn Việt, ông Lê Đình Hòa, ông Phạm Văn Tuyên, bà Lê Thị Mai, bà Lê Thị Nga (đều ở xã Hoàng Giang) và ông Lê Gia Cường, ông Lê Văn Tân (đều ở xã Hoàng Sơn, huyện Nông Cống).
Không khí đau thương bao trùm làng quê
Được biết, trước đây trên địa bàn huyện Nông Cống có rất nhiều lò vôi thủ công. Sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, chính quyền địa phương vận động xóa bỏ các lò vôi trong thôn xóm, hoặc di chuyển ra vị trí khác để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Sau thời gian vận động, đến nay trên địa bàn còn lại 7 lò vôi chủ yếu là của các hộ gia đình làm lâu đời. Theo lộ trình, đến năm 2020 sẽ xóa bỏ toàn bộ lò vôi và lò gạch thủ công. Bên cạnh đó, tập trung tìm công ăn việc làm, đưa nghề thủ công mây tre đan vào để chuyển đổi nghề.
Sáng ngày 2/1, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng có báo cáo chính thức tới UBND tỉnh này về vụ việc. Theo nhận định ban đầu, cả 9 nạn nhân bị ngộ độc khí CO (cacbon monoxide). Bước đầu, UBND tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ 5 triệu đồng đối với mỗi nạn nhân tử vong, 3 triệu đồng và miễn hoàn toàn tiền viện phí điều trị tại bệnh viện đối với người bị thương.
Hiện, Công an tỉnh đang phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa, các ngành chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.