Vụ mất tích bí ẩn của MH370 - Những câu hỏi chưa có lời giải đáp

Vũ Minh(TH)| 08/03/2015 09:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vào đúng ngày 08/3/2014, chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia mang số hiệu MH370 đột ngột biến mất, mang theo 239 người, gồm hành khách và phi hành đoàn.

Một chiến dịch tìm kiếm lớn nhất lịch sử đã được khởi động, thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Thế nhưng càng lần tìm, tung tích của chiếc máy bay lại càng bị bao trùm trong bức màn bí ẩn. Có quá nhiều dấu hiệu bất thường xung quanh sự mất tích của MH370 chưa thể lý giải được. Và người ta chỉ có thể đoán rằng MH370 đang ở đâu đó giữa vùng biển Nam Ấn Độ Dương.

Muốn hiểu điều gì đã xảy ra với MH370, giờ phụ thuộc vào hai chiếc hộp đen của máy bay - một ghi lại những thông số hoạt động của máy bay, và một ghi âm các cuộc hội thoại trên buồng lái. Nhưng một năm đã trôi qua, hộp đen vẫn chưa tìm thấy...

Một năm qua, thân nhân của những hành khách trên chuyến bay xấu số đó vẫn chưa nguôi hi vọng. Trong những ngày này, họ tập trung ở sân bay của Thủ đô Kuala Lumpur, nơi một năm trước máy bay xuất phát và không trở về để tổ chức lễ tưởng niệm những người xấu số.

Trong khi đó, Chính phủ Malaysia khẳng định sẽ không từ bỏ tìm kiếm MH370. Đây là một động thái tích cực cho thấy trách nhiệm của giới chức nước này và cũng đem lại một chút hi vọng cho những thân nhân đang ngày đêm trông ngóng thông tin về những nạn nhân trên chuyến bay định mệnh này.

Vụ mất tích bí ẩn của MH370 - Những câu hỏi chưa có lời giải đáp

Chiến dịch tìm kiếm MH370 hiện nay như thế nào?

Tại vùng nghi vấn hiện nay có bốn chiếc tàu lớn của Australia và Malaysia đang tiếp tục dò tìm trong vùng biển rộng bao la ở Nam Ấn Độ Dương. Chi phí cho chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay MH370 do hai nước Australia và Malaysia cùng đóng góp, với ngân sách 120 triệu đô Australia.

Các tàu sử dụng thiết bị dò sóng âm hiện đại để lần tìm dấu vết của xác máy bay trong vùng biển rộng khoảng 60.000km2 (23.000 dặm vuông). Tuy nhiên, đến giờ các tàu mới dò quét được 40% diện tích trong khu vực nghi vấn dựa theo các phỏng đoán từ dữ liệu vệ tinh. Nhưng ngoài những chiếc container chở hàng biển ra, chiến dịch tìm kiếm do Australia chỉ đạo vẫn không thu được một chút gì có liên quan đến chiếc máy bay mất tích.

Chỉ còn vài tháng nữa, vùng tìm kiếm, tức bán cầu nam sẽ vào mùa bão, như vậy chiến dịch tìm kiếm chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng. Dự kiến chính quyền Australia và Malaysia sẽ chấm dứt chiến dịch tìm kiếm MH370 vào tháng 5 tới. Các cơ quan chức năng vẫn chưa có quyết định sẽ làm gì tiếp theo nếu vẫn cứ không tìm được gì hơn trong thời gian tới.

Nếu định vị được xác máy bay, điều gì sẽ xảy ra?

Nếu may mắn xác định được xác chiếc máy bay thì công việc trục vớt cũng sẽ không đơn giản chút nào. Vùng biển này có độ sâu tới 4.000m, vì thế đáy biển chìm trong bóng tối hoàn toàn, chưa kể mặt đáy biển có cấu tạo địa chất phức tạp, lồi lõm như địa hình đồi núi trên cạn sẽ cản trở rất nhiều việc trục vớt.

Tuy nhiên khó nhưng không phải là không thể. Các chuyên gia có thể sẽ lấy kinh nghiệm trong việc tìm kiếm chiếc máy bay AF 447 của Air France rơi xuống Đại Tây Dương năm 2009. Phải hai năm sau hộp đen của chiếc máy bay gặp nạn mới được địch vị bằng các loại tàu ngầm không người lái và nhiều phương tiện hiện đại khác. Cuối cùng người ta phải đưa xuống một loại xe điều khiển từ xa để có vớt được các hộp đen.

Với phương tiện kỹ thuật công nghệ như hiện nay nếu xác định được vị trí xác máy bay thì việc trục vớt là hoàn toàn có thể.

Liệu đã xác định đúng vùng tìm kiếm?

Đến giờ điều này vẫn không chắc chắn cho dù những người có trách nhiệm của chiến dịch vẫn quả quyết là đúng. Vùng được cho là chiếc máy bay đã gặp nạn đã được xác định nhờ phân tích các tín hiệu phát ra từ chiếc máy bay MH370 mà vệ tinh phát hiện được. Các tín hiệu xác định vị trí cuối cùng của chiếc máy bay nằm trên hai vòng cung bay có thể: Một trải dài về phía bắc Trung Á, một nằm ở về phía nam trong Ấn Độ Dương.

Vòng cung phía bắc đã bị loại bỏ, phần lớn các nhà điều tra cho rằng nếu về phía bắc máy bay đã có thể được phát hiện bởi hệ thống radar mặt đất dày đặc. Mặc dù các dữ liệu thu từ vệ tinh không chính xác tuyệt đối, nhưng Ấn Độ Dương vẫn được xem như là vùng có nhiều khả năng máy bay bị rớt xuống. Thế nhưng việc tìm kiếm kéo dài cả năm trong khu vực này mà không có kết quả càng khiến cho gia đình những người mất tích thêm hoài nghi.

Các giả thuyết chính được đưa ra trong vụ mất tích bí ẩn của MH370 là…

Các phán đoán đoán vẫn chủ yếu tập trung xung quanh trục trặc kỹ thuật của cả máy bay cũng như hệ thống điều khiển, bên cạnh đó là giả thuyết không tặc hay khủng bố, thế nhưng không có giả thuyết nào đứng vững được lâu.

Bí ẩn bao trùm thảm họa này đã làm dấy lên hàng loạt giả thuyết về âm mưu mà người ta đã viết thành sách hay dựng lên trong các bộ phim tài liệu và vô số các bình luận trao đổi trên internet. Đã có không dưới một chục kịch bản giả thuyết về vụ tai nạn.

Tháng trước, trên tạp chí New York Magazine, Jeff Wise, một chuyên gia về hàng không đã đưa ra giả thuyết chuyến bay MH370 đã bị ép hạ cánh xuống một căn cứ quân sự trong Kazakhstan theo sự điều khiển của Nga nhằm tìm kiếm một hành khách hoặc một đồ vật bí mật nào đó có trên máy bay.

Bên cạnh đó có giả thuyết chiếc máy bay MH 370 đã bị không tặc tấn công và bay về hướng căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ Diego Garcia giữa Ấn Độ Dương, và để tránh một vụ tấn công như vụ 11/9, chiếc máy bay đã bị bắn hạ?

Dù các giả thuyết kiểu như vậy đưa ra cũng có dựa trên cơ sở những số liệu tính toán hành trình bay của MH370 và các phán đoán nhưng tất cả đều bị bác bỏ ngay bởi những lập luận không kém thuyết phục của các chuyên gia.

Những gì nhà chức trách Malaysia nắm được là những gì chúng ta biết?

Chính phủ Malaysia và hãng hàng không Malaysia luôn một mực khẳng định rằng họ không giấu diếm gì. Cho đến giờ phút này, thân nhân những hành khách xấu số trên chuyến bay MH370 vẫn tố cáo các tuyên bố của chính quyền mâu thuẫn nhau ngay từ đầu xảy ra vụ việc. Ngoài ra, chính quyền Malaysia còn bị tố là đã “chậm trễ và đưa tin nhỏ giọt có chủ đích”.

Năm ngoái, Tim Clark, Tổng Giám đốc của Hãng Hàng không Emirates đã lên tiếng nghi ngờ những thông tin mà chính quyền Malaysia đã đưa ra trong vụ này.

Vụ MH370 có phải là độc nhất trong lịch sử ngành hàng không ?

Theo Mạng lưới an toàn hàng không có trụ sở tại Hà Lan, cơ quan vẫn thống kê các tai nạn hàng không trên thế giới, thì trước vụ MH370 chỉ có duy nhất một trường hợp được biết đến là vụ chiếc máy bay chở hơn 100 người đã biến mất không để lại dấu vết gì vào năm 1962.

Đó là chiếc máy bay của hãng hàng không Mỹ Flying Tiger Line, được quân đội Mỹ thuê, bị mất tích trên đường bay từ Guam đến Philippines cùng 107 hành khách. Số phận của chiếc máy bay này đến giờ vẫn không hề được sáng tỏ.

Nhưng đó là vào thời điểm cách đây hơn nửa thế kỷ, khi mà các phương tiện công nghệ theo dõi cũng như tìm kiếm khác xa so với bây giờ.

Điều gì có thể rút ra từ vụ MH370?

Chừng nào các hộp đen hay xác của chiếc máy bay MH370 còn chưa tìm ra thì người ta chưa thể trả lời được câu hỏi: Điều gì đã diễn ra trên chiếc máy bay trước khi mất tích? để từ đó ngành hàng không thế giới mới rút ra được những bài học cũng như những biện pháp sửa chữa cần thiết.

Trước mắt, các nhà quản lý hàng không mới chỉ thấy cần phải đưa ra những biện pháp bổ sung nhằm hạn chế việc máy bay mất tích. Đó là bắt đầu từ năm 2016, sẽ cho thiết lập hệ thống theo dõi tức thời bất kỳ máy bay dân dụng bay trên bầu trời bình thường hay khi gặp tình huống hiểm nghèo. Giải pháp tạm thời này đã được hội nghị hàng không thế giới do ICAO tổ chức tại Montréal hồi tháng trước ủng hộ hoàn toàn.

Chủ nhật tuần trước, Australia cho biết đang cùng với Malaysia và Indonesia tiến hành các cuộc thử nghiệm một hệ thống tăng khả năng theo dõi máy bay thường xuyên ở các vùng đại dương xa xôi.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ mất tích bí ẩn của MH370 - Những câu hỏi chưa có lời giải đáp