Sau các cuộc kiểm nghiệm, các nhà nghiên cứu đã đưa ra kết luận gây chấn động toàn thể giới khoa học.
Sự việc vẫn luôn bị nghi ngờ trong suốt năm 1913 và 1914. Tuy nhiên, mọi chuyện lắng xuống khi một vài hiện vật khác được tìm thấy ở xung quanh khu vực khai quật đã góp phần củng cố giả thuyết về người “Piltdown Man”.
Năm 1915, Dawson tiếp tục tìm thấy thêm nhiều cổ vật có giá trị lịch sử ở địa điểm khai quật khác gọi là Piltdown II. Những mảnh sọ khác cùng với một chiếc răng hàm được tuyên bố là được tìm thấy ở đây.
Dawson tiếp tục tìm thấy thêm nhiều cổ vật có giá trị lịch sử ở địa điểm khai quật
Họ tin rằng những thứ này cùng thời với những hiện vật đã khai quật được ở Piltdown I. Những mảnh sọ và chiếc răng là những thứ duy nhất “được tìm thấy” tại đó bởi sau khi Dawson chết vào tháng 08/1916, chẳng ai biết chính xác Piltdown II nằm ở đâu.
Khám phá tại Piltdown II là rất quan trọng bởi lẽ nó đã góp phần thuyết phục những ai còn hoài nghi về câu chuyện của Dawson. Sau đó, mọi người đều công nhận giả thuyết của Dawson và Woodward.
Nhưng đến năm 1950, vụ việc một lần nữa đã được đem ra xem xét với nhiều câu hỏi. Nhưng tại thời điểm này, các nhà phê bình mới chỉ giải thích những phát hiện của Woodward có sai sót chứ chưa dám khẳng định đây là một trò lừa đảo.
Mãi đến năm 1953, nhà địa chất học thuộc viện bảo tàng quốc gia Anh, Kenneth Oakley đã tham dự một hội nghị nói về nguồn gốc của loài người. Ở đó, ông đã gặp một nhà nhân chủng học người Nam Phi lúc ấy đang làm việc tại trường Đại học Oxford, tên là Joseph Weiner.
Theo bài luận có tựa đề“Người Piltdown: Câu chuyện bí ẩn của nước Anh”, 2 người này đều nghi ngờ độ tuổi của “người Piltdown”, mối nối của chiếc hàm và hộp sọ, và tình trạng lộn xộn của những hóa thạch thu thập được.
Cũng chung suy nghĩ như vậy, Oakley và Weiner quyết định làm một loạt kiểm nghiệm để xác định chính xác niên đại của hộp sọ, răng và những mảnh xương hàm. Họ đã áp dụng phương pháp kỹ thuật đo lượng flo có trong xương để biết chính xác tuổi của chúng.
Sau đó nhiều phương pháp đo tuổi của bộ xương đã được tiến hành, thậm chí cả phương pháp đo lường bằng nitơ cũng được sử dụng để cho ra kết quả chính xác nhất.
Sau các cuộc kiểm nghiệm này, họ đã đưa ra kết luận gây chấn động toàn thể giới khoa học. Đó là các hiện vật kia không phải là 500.000 tuổi như lời tuyên bố gần 40 năm trước, và thậm chí chưa tới 50.000 tuổi.
Các nhà khoa hoc đang kiểm nghiệm để xác định chính xác niên đại của hộp sọ
Vụ việc giả mạo vỡ lở ra đã làm toàn thể cộng đồng khoa học bị sốc nặng và vô cùng hổ thẹn. Chưa dừng lại ở đó, người ta còn phát hiện ra rằng phần nhiều các hiện vật đó đều đã bị “hóa trang” lại để đánh lừa các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Như những chiếc răng bị mài giũa và trồng vào để trông có vẻ mòn hơn, cũ kĩ hơn. Những mảnh xương thì được quét một lớp sơn đặc biệt để có vẻ cổ đại.
Năm 1959, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận chiếc hộp sọ người chỉ khoảng 600 tuổi, còn phần hàm thực chất là của một con đười ươi sống cách đây có 500 năm. Các hiện vật khác cũng đều bị phát hiện là giả mạo.
Không chỉ là những mẫu vật bị “hóa trang” để làm cho chúng có vẻ cổ xưa, mà còn có bằng chứng rằng nhiều hiện vật tìm thấy ở Piltdown đã được họ chôn xuống địa điểm khai quật từ trước.
Tin này đã làm cộng đồng khoa học chấn động và xấu hổ thêm một lần nữa.Việc kiểm định các hiện vật “Piltdown Man” đã làm người ta hoàn toàn sáng tỏ ra rằng: “Khám phá khoa học tầm cỡ thế kỷ” hóa ra lại là một trong những vụ lừa đảo tinh vi nhất trong lịch sử khoa học.
Hộp sọ Piltdown Man được làm giả để đánh lừa giới chuyên môn
Vụ lừa đảo này không chỉ làm đảo lộn cộng đồng khoa học, mà còn làm dấy lên nghi ngờ rằng nhiều nhà khoa học danh tiếng đã tiếp tay trong vụ lừa đảo “Piltdown Man”.
Trong khoảng thời gian từ năm 1955 tới năm 1992 người ta đã điều tra ra 15 người có dính líu trong vụ việc này. Mặc dù một số người đã được minh oan, nhưng vẫn có ít nhất 7 người bị xác định là đồng thủ phạm.
Họ bao gồm: Charles Dawson, Arthur Smith Woodward, W.J. Lewis Abbott, Sir Arthur Keith, Martin AC Hinton, Teilhard de Chardin, và cả Sir Arthur Conan Doyle – nhà văn nổi tiếng với bộ truyện trinh thám lừng danh thế giới “Sherlock Holmes”.
(Còn nữa)