Ngày 10/3, vụ “cướp tài sản” giữa bị cáo là ông Nguyễn Đức Mạnh, bị hại là bà Nguyễn Thị Suốt sẽ được TAND huyện Krông Năng đưa ra xét xử lần hai, sau khi bản án sơ thẩm trước đó đã bị cấp phúc thẩm tuyên hủy vì “vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng”.
Vì sao cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án?
Bản án sơ thẩm số 30/2014/HSST, ngày 7/5/2014 của TAND huyện Krông Năng tuyên ông Nguyễn Đức Mạnh 7 năm tù vì tội “cướp tài sản”, đã được TAND tỉnh Đăk Lăk xét xử phúc thẩm lại ngày 11/8/2014 sau khi có kháng cáo của bị cáo. Tại phiên Tòa phúc thẩm, HĐXX TAND tỉnh Đăk Lăk đã ra bản án số 297/2014/HSPT tuyên hủy bản án sơ thẩm nói trên bởi nhiều tình tiết của vụ án chưa được làm rõ như: Việc bị cáo (Nguyễn Đức Mạnh-PV) xô đẩy gây thương tích cho người bị hại (Nguyễn Thị Suốt, thường gọi Hiếu-PV) nhằm chiếm đoạt tài sản, hay giữa bị cáo và bị hại khi tranh giành tài sản thì bị hại ngồi xuống đất, hay người bị hại tự nằm xuống đất khi bị cáo lấy tài sản? Theo HĐXX phiên tòa phúc thẩm, đây là tình tiết cần phải điều tra, đối chất làm rõ để chứng minh, định tội.
Ông Nguyễn Đức Mạnh bên cạnh ngôi nhà mà trước đây ông đã đến lấy đồ của bà Suốt (ảnh: Quang Trường).
Mặt khác về thương tích của bà Suốt, bà cho rằng bị cáo Mạnh xô bà ngã, nhưng quá trình điều tra bị cáo và nhân chứng là ông Dũng và bà Hường lại cho rằng bà Suốt bị tai nạn trước đó, nơi xảy ra tai nạn ngay trước nhà ông Dũng, bà Hường.
Do việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được, bên cạnh đó, bản án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng nên HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại từ giai đoạn sơ thẩm theo thủ tục chung.
Về vụ việc này, trao đổi với chúng tôi, ông Mạnh cho biết ông không hề xô đẩy gì bà Suốt. Trước hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm ông cũng khai như vậy. “Không hiểu sao bà Suốt lại vu oan cho tôi là người đã đẩy ngã rồi gây ra thương tật cho bà ấy. Những người xung quanh đều có thể đứng ra làm chứng cho tôi. Đặc biệt bà Hường còn ra Tòa làm chứng cho tôi là bà Suốt ngã ngay gần nhà bà Hường. Chính gia đình bà Hường đã sơ cứu cho bà Suốt cũng như đi sửa xe hộ cho bà ấy. TAND huyện Krông Năng sắp đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần hai, tôi mong pháp luật điều tra làm rõ để trả lại công bằng cho tôi”.
Các nhân chứng nói gì?
Trò chuyện với chúng tôi, bà Đặng Thị Hường cho biết là bà đã ra làm việc với Cơ quan điều tra cũng như làm chứng trước hai phiên tòa tất cả 5 lần. Lần làm chứng đầu tiên ở Tòa án huyện, bà bị vợ chồng bà Suốt chửi thậm tệ, nhưng bà vẫn bình tĩnh đứng về lẽ phải, bà đã nói những gì mình biết và mình thấy. Theo bà thì thời gian bà Suốt bị tai nạn vào khoảng 7-8 ngày trước rằm tháng 7 âm lịch (tức là khoảng ngày 23-24/8/2012, ngày này trùng với ngày xảy ra sự việc ông Mạnh vào nhà bà Suốt lấy đồ). Bà Hường cho biết: “Tôi làm bên bảo hiểm nên tôi có đi tư vấn vào nhà bà Suốt. Vào gần tháng 7 (âm lịch), hôm đó khoảng 7h sáng, vợ chồng tôi vừa ăn sáng xong thì nghe cái rầm. Chạy ra nhìn thấy cả người và xe rơi xuống rãnh. Chúng tôi dìu bà ấy vào, ngồi ở hành lang nhà, xoa bóp cho bà ấy. Lúc đó bà ấy kêu đau ở đầu. Rồi hai chị em ngồi nói chuyện, bà có cho biết là bà bị chứng đau đầu gì đó. Tôi đã đi làm chứng hai lần ở huyện, hai lần ở tỉnh và một lần làm việc với Công an, tôi đều khai như vậy”.
Để tìm hiểu thêm sự việc xảy ra ngày hôm đó, chúng tôi đã gặp bà Hoàng Thị Cúc, bà Lê Thị Tiến, ông Nguyễn Tuấn Tín (nhà gần nơi xảy ra sự việc), tất cả đều cho biết là không thấy việc ông Mạnh đánh hay xô xát gì với bà Suốt.
Ngược lại, hai nhân chứng là ông Nguyễn Văn Tình và bà Hoàng Thị Kim Phượng lại “thấy ông Mạnh xô ngã bà Suốt”. Tại biên bản lấy lời khai của Cơ quan CSĐT, bà Phượng khai “…chú Mạnh vào lấy tiếp thì bà Suốt ra ngăn cản bằng cách xô chú Mạnh ra ngoài, chú Mạnh giằng tay xô lại bà Suốt thì bà ngã ngửa người xuống nền nhà…”. Tại bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Đăk Lăk có đoạn nói về lời khai của ông Nguyễn Văn Tình “…khi đó tôi thấy bà Suốt chạy lại không cho ông Mạnh bốc hàng, sau đó tôi thấy ông Mạnh có xô bà Suốt té ngã xuống giữa nền nhà, nằm một lúc thì tôi thấy một đứa con trai của bà Suốt khoảng 13 tuổi lại đỡ dậy…”.
Đó là những lời khai tại Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, cả hai người làm chứng này khi được Tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm triệu tập lại đều vắng mặt. Dư luận nghi ngại khi những lời khai này không được đối chất, làm rõ tại các phiên tòa.
Vì sao "bị hại" rời khỏi địa phương?
Liên quan đến "vụ án" này phải nói đến nguyên nhân từ vấn đề chơi hụi mà bà Suốt đã trực tiếp gây ra nhiều hệ lụy. Không chỉ riêng ông Mạnh, mà rất nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn xã Dliê Ya (huyện Krông Năng) đã hùn vốn góp hụi với bà Suốt, rồi họ trở thành nạn nhân trong trò chơi này từ lúc nào của bà Suốt mà không hề hay biết. Tất cả mọi người mà bà Suốt nợ tiền đã “đâm đơn” tố cáo lên Công an xã, nhưng rồi sự việc đâu lại vào đó. Sau "vụ án" xảy ra, bà Suốt là chủ nợ và tìm cách bán nhà đem theo tài sản rời khỏi địa phương.
Đem vấn đề này, chúng lên lên làm việc với Chủ tịch UBND xã Dliê Ya, ông Y Téo Niê thì được biết “đến hiện tại bây giờ UBND xã chưa nhận được đơn thư phản ánh từ người dân liên quan đến vụ việc”. Còn ông Lê Văn Thắm, Công an xã Dliê Ya thì trả lời “rào kẻ ngay, chứ không rào được kẻ gian”. Ông còn cho biết thêm, sau khi nhận được đơn thư tố giác của người dân, Ban công an xã đã không báo sự việc lên UBND xã, mà đã báo trực tiếp lên Công an huyện. Việc bà Suốt bán nhà sau khi người dân tố giác là hoàn toàn có thật.
Vậy, trong lúc bà Suốt đang bị nhiều người dân tố cáo lên cơ quan chức năng về việc chơi hụi rồi bà nợ tiền, nhưng bà vẫn làm được các thủ tục bán nhà, cũng như chuyển hộ khẩu khỏi địa phương để trốn nợ, ai sẽ phải chịu trách nhiệm?.
Trong vụ án này không chỉ có ông Mạnh mà còn nhiều người dân nơi đây đang trông chờ vào một phiên tòa công tâm xét xử sơ thẩm lần hai sắp tới.