VKSND TP. Hồ Chí Minh vừa hoàn hồ sơ vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” xảy ra tại Cần Giờ, không chấp nhận điều tra lại theo yêu cầu của Tòa án.
Trong một diễn biến khác, Cục Đăng kiểm, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản công nhận đăng kiểm của Hải quân Việt Nam, cấp giấy “Chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường” cho tàu bằng vật liệu PPC. Đây là tình tiết quan trọng làm thay đổi vụ án nhiều tranh cãi này…
Như Báo Công lý đã thông tin, tháng 3/2013, ông Vũ Văn Đảo (Giám đốc Công ty Việt Séc) bán cho Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hai tàu (loại ca nô cao tốc bằng vật liệu Polypropylen Copolymer (PPC). Phòng Đăng kiểm Hải quân (đại diện phía Nam, Bộ tư lệnh Hải quân) đã đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật. Sáng 1/8/2013, ông Tạ Thanh Sơn (Giám đốc kinh doanh Công ty Việt Séc) mượn Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu hai tàu trên để đưa đón khách. Tối 2/8/2013, tàu BP 12-04-02 bị lật tại vùng biển thuộc huyện Cần Giờ, khiến 9 người tử vong. Ông Đảo và ông Quyết bị truy tố về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thuỷ không đảm bảo an toàn...”. Ngày 27/4/2015, TAND TP. Hồ Chí Minh ra Quyết định số 227, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung hai vấn đề. Thứ nhất, cần phải có kết luận giám định chiếc canô BP 12-04-02 không đảm bảo an toàn khi đưa vào sử dụng. Thứ hai, đối với các nguyên nhân được cáo trạng viện dẫn, không có nguyên nhân nào liên quan đến việc chứng minh hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra là do “đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy rõ ràng không bảo đảm an toàn” như cáo trạng truy tố.
Mới đây, VKSND TP. Hồ Chí Minh có Văn bản số 637 giữ nguyên quan điểm truy tố, hoàn hồ sơ vụ án để Tòa án đưa vụ án ra xét xử. Theo đó, VKS nhận định “tàu BP 12-04-02 được Công ty Việc Séc đóng mới và bán cho Biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu khi chưa được Cục đăng kiểm Việt Nam cho phép đăng kiểm. Rõ ràng là không bảo đảm an toàn khi đưa vào sử dụng”. Các bị can Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết là những người có chức vụ, quyền hạn, thẩm quyền tổ chức, chỉ đạo, điều động ba tàu (trong đó có tàu BP 12-04-02) không bảo đảm các điều kiện về an toàn (chưa được Cục Đăng kiểm Việt Nam cho phép đăng kiểm… gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, hành vi đã cấu thành tội “Đưa vào sử dụng các phương tỉện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn ” quy định tại Điều 214 BLHS.
Cục Đăng kiểm cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật cho phương tiện thủy nội địa sản xuất bằng vật liệu PPC
Vấn đề mấu chốt gây tranh cãi là “đăng kiểm ca nô” trong vụ án vừa khép lại khi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng ký Văn bản số 7783/BGTVT-KHCN ngày 18/6/2015 nhận định: Bộ ủng hộ việc ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong việc đóng mới phương tiện thủy nội địa, trong đó có vật liệu PPC. Bộ yêu cầu Cục Đăng kiểm công nhận kết quả do Đăng kiểm CS Lloyd hoặc Đăng kiểm Hải quân hoặc bất cứ một tổ chức đăng kiểm nào khác thực hiện, trên cơ sở đó cấp các giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho các phương tiện thủy nội địa vỏ PPC.
Ngày 25/6/2015, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm ký Văn bản số 2411/ĐKVN-TB gửi Công ty Việt Séc và các cơ quan tố tụng TP. Hồ Chí Minh khẳng định: Công ty Việt Séc sản xuất tàu thuyền bằng vật liệu mới PPC là đúng theo giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học. Hai ca nô trong vụ án Việt Séc sản xuất, đơn vị sử dụng là cơ quan Cửa khẩu Biên phòng tỉnh BR-VT. Do đó, việc đăng kiểm được thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng. Thực tế phương tiện này đã được Phòng Đăng kiểm Hải quân thực hiện đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận để đưa vào sử dụng. Cục Đăng kiểm đã cấp giấy “Chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường” đầu tiên cho tàu ca nô chở khách do Công ty Việt Séc sản xuất bằng vật liệu PPC.
Việc Cục Đăng kiểm, Bộ Giao thông Vận tải cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật cho ca nô bằng vật liệu PPC là tình tiết làm thay đổi vụ án. Theo ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Tòa Hình sự TANDTC, CQĐT cho rằng ông Đảo đã có hành vi “sản xuất” ra con tàu kém chất lượng, không bảo đảm an toàn do sử dụng vật liệu mới là PPC nên dẫn đến tai nạn. Còn VKS lại xác định ông Đảo là người “điều động” phương tiện chứ không phải là người “sản xuất” phương tiện bằng công nghệ và vật liệu mới PPC không bảo đảm an toàn nhưng vẫn bán cho Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để đưa vào sử dụng nên đã gây ra tai nạn.
Được biết, muốn xác định đây là vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” thì việc đầu tiên phải kết luận tàu BP 12-04-02 bị tai nạn làm 9 người chết là do lỗi kỹ thuật hoặc do chất lượng con tàu không bảo đảm an toàn. Đây là dấu hiệu bắt buộc theo quy định tại Điều 214 BLHS. Cục Đăng kiểm đã cấp giấy cứng nhận an toàn kỹ thuật cho thấy ca nô gặp nạn không bị lỗi về kỹ thuật và đảm bảo an toàn để lưu thông.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin vụ án này khi có tình tiết mới.