Vụ cháu trai khuyết tật bị xâm hại - Chuyên gia nói gì?

Trọng Bằng| 24/09/2014 20:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vụ cháu bé 14 tuổi khuyết tật bị xâm hại những ngày qua đang gây ra nhiều sự căm phẫn trong cộng đồng, nhiều bậc cha mẹ bàng hoảng té ngửa. Chuyên gia khuyến cáo gì với các gia đình trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ khuyết tật?

Vụ việc được phát hiện từ ngày 16/9, bé N.A.T (14 tuổi, TP Vinh, Nghệ An) bị câm điếc bẩm sinh, được nhân viên khách sạn Hoàng Anh 1 phát hiện bị nhốt trong phòng 206 với nhiều vết thương, bầm dập khắp cơ thể.

Sự việc bắt nguồn vào khoảng giữa tháng 8/2014, cháu T được Nguyễn Thanh Sơn (SN 1972, trú tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh) là người thuê trọ gần nhà đưa đi khỏi nhà. Gia đình cháu T gọi điện và thỉnh thoảng nhận được thông tin là cháu vẫn bình thường. Cho đến ngày 16/9, sau khi nhân viên khách sạn phát hiện cháu T trong tình trạng nêu trên đã đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Hữu Nghị đa khoa Nghệ An và báo hung tin cho gia đình.

Vụ cháu trai khuyết tật bị xâm hại - Chuyên gia nói gì?

Cháu T và anh Sỹ (bố cháu T) tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An 

Bác sĩ  khoa phẫu thuật thần kinh cột sống, Bệnh viện đa khoa Nghệ An - nơi cháu T đang được điều trị, cho biết, Cháu T được nhập viện vào ngày 16/9 với nhiều vết thương trên người như loét hậu môn, hoảng loạn, tụ máu ở dương vật, bầm dập toàn thân, chân tay tím tái, mặt mày chi chít vết cào cấu, trầy xướt…

Đã có thể khởi tố vụ án

Hành hung trẻ em là hành động đáng lên án, nhưng trong vụ việc này điều đặc biệt nguy hiểm và đáng căm phẫn là việc lợi dụng xâm phạm, hành hung  kẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn một cách dã man.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, trong trường hợp em N.A.T bị kẻ xấu dụ dỗ, lừa vào khách sạn để đánh đập, bạo hành và có dấu hiệu bị xâm hại tình dục, Cơ quan công an cần xem xét thu thập chứng cứ để khởi tố vụ án hình sự để điều tra. Với những thương tích như báo chí phản ánh, thì có thể khởi tố vụ án về hành vi gây thương tích để điều tra xác định nghi phạm trực tiếp gây án.

Vị luật sư này cũng phân tích thêm, hiện cơ quan điều tra chưa truy tìm được đối tượng Sơn, chưa lấy được lời khai từ em Tú và những chứng cứ xác định ai là người trực tiếp đánh đập, bạo hành, hoặc xâm hại tình dục với em Tú, vì thế, chưa thể kết luận được đối tượng Sơn là người có phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) hay không. Nếu quá trình điều tra xác định chính xác Sơn là người đánh đập, hoặc ép buộc em Tú phải quan hệ tình dục đồng tính thì có thể truy cứu TNHS về "Tội hiếp dâm trẻ em" theo Quy định tại điều 112 BLHS. Nếu không có quan hệ tình dục đồng tính khả năng đối tượng xâm hại, đánh đập gây thương tích cho em Tú sẽ bị khởi tố điều tra, truy tố về "Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" theo quy định tại điều 104 BLHS."

Gia đình có vai trò hết sức quan trọng với trẻ khuyết tật

Sự thật sẽ dần được sáng tỏ và kẻ phạm tội sẽ phải bị trừng phạt một cách thích đáng. Tuy nhiên, vụ việc xảy ra khiến dư luận không khỏi lo lắng về xu hướng bạo hành lạm dụng tình dục trẻ em, đặc biệt là trẻ khuyết tật. Điều này đang trở thành nguy cơ mà những bậc làm cha mẹ phải hết sức lưu ý trong việc chăm sóc, bảo vệ các em.

Nhìn lại vụ việc đau lòng xảy ra với em T, nhiều người không khỏi giật mình khi thấy bố mẹ em đã chủ quan, không nghi ngờ gì đối với tên Sơn để có những hành động quyết liệt đưa em T về nhà, khi em này bị tên Sơn đưa đi gần chục ngày như vậy. Thậm chí, trước đó, chính bố mẹ em cũng thừa nhận em T đã ở cùng Sơn vài lần.   

Theo bác sĩ Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện phát triển Sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng, nguyên nhân quan trọng dẫn đến vụ việc của em T nói riêng và nhiều vụ việc trẻ em khuyết tật bị lạm dụng gần đây là do các em rất thiếu kiến thức và kỹ năng. Mặc dù tại Việt Nam vấn đề giáo dục giới tính cũng đã được triển khai tới gần 20 năm. Nhưng trên thực tế, hiệu quả chưa cao và còn nhiều hạn chế, có những điều còn bị né tránh. Đối với trẻ em khuyết tật việc giáo dục này còn gặp hạn chế hơn nhiều.

Cụ thể bác sĩ Giang cũng chia sẻ trường hợp em gái 19 tuổi, bị khuyết tật vận động nặng, thiểu năng trí tuệ, đi lại hết sức khó khăn, thậm chí, bị co quắp toàn thân, vậy mà đã bị lạm dụng tình dục mang thai đến lần thứ 3. Và đến lần thứ 3 thì người thân mới đưa em đi đến bệnh viện triệt sản, còn 2 lần trước đó vẫn đưa đi phá thai.

Cũng theo bác sĩ Giang, thông thường, đối với các em khuyết tật cha mẹ thường chỉ chú ý đến vấn đề dinh dưỡng, ít chú trọng về vấn đề kỹ năng, càng không để ý đến vấn đề về giới tính, sức khỏe sinh sản và tình dục. Trong khi đó, các em khuyết tật lại có nhu cầu nhiều hơn vì các em thường bị bỏ rơi, nên có nhu cầu về chia sẻ tìm kiếm đối tượng khác. Mặt khác, do ít tiếp xúc, nhận thức của các em kém hơn những trẻ bình thường, nên không ý thức được nguy cơ nhiều hơn.

Đặc biệt đối với trẻ câm điếc, việc giao tiếp với gia đình cũng như gia đình với các em càng hạn chế. Trẻ câm điếc giao tiếp chủ yếu bằng xúc giác, bằng sờ mó động chạm, các em không ý thức được cái đụng chạm nào là đụng chạm được phép, hành vi nào là hành vi bình thường. Khi người lạ đụng chạm vào người các em vẫn cho đấy là bình thường. Hơn nữa, nếu có vấn đề gì trẻ lại không nói ra được

Từ những thực tế đó, nhằm hạn chế việc trẻ vị thành niên, đặc biệt là trẻ khuyết tật bị bạo hành, lạm dụng tình dục, bác sĩ Giang nhấn mạnh, vai trò của gia đình và người thân trong giáo dục và phát hiện, cũng như hành vi ứng xử của mỗi người là vô cùng quan trọng.

Đồng thời, bác sĩ Giang cũng khuyến cáo các gia đình cần lưu ý: Trẻ khuyết tật có nguy cơ cao trong việc bị lợi dụng bạo hành và xâm hại. Vì vậy, cần trang bị cho các em kiến thức và các kỹ năng cần thiết xử trí những vấn đề này. Đặc biệt trẻ thường bị lợi dụng bởi những người quen dó đó phải luôn cảnh giác, luôn chú ý và để ý thái độ của trẻ, khi thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường như: đêm khóc, hay có những vết xây xước nhỏ…cần quan tâm xem con mình đang gặp vấn đề gì để kịp thời giải quyết.
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ cháu trai khuyết tật bị xâm hại - Chuyên gia nói gì?