Người trẻ như Tường cũng sẽ thấy yêu hơn nghệ thuật nước nhà và các nghệ sĩ, họa sĩ dành nhiều tâm huyết cho hát bội cũng sẽ có thêm niềm khích lệ để sáng tạo và cống hiến…".
Từ ý tưởng đầu tiên là một buổi triển lãm nho nhỏ, ấm cúng giữa các hoạ sĩ trẻ, chỉ sau một thời gian ngắn, “Vẽ về Hát Bội” đã trở thành một dự án với sự đầu tư nghiêm túc và nhiệt huyết của những người trẻ tuổi với mong muốn lan toả tiếng chuông ngân về hát bội (hay còn được gọi là tuồng) – một loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc Việt Nam chúng ta.
Các họa sĩ trẻ của dự án Vẽ về hát bội
Dự án “Vẽ về Hát Bội” khởi điểm với 40 hoạ sĩ người Việt trẻ bắt đầu bởi sự rung cảm sau những chia sẻ đầy trăn trở của Nghệ sĩ Nhân dân Đinh Bằng Phi – Nhà hát bội học tài hoa, về việc hát bội đang chứng kiến sự đào thải nghiệt ngã của thời đại, dù đây là một loại hình nghệ thuật văn hoá đặc sắc. Sự rung cảm ấy đã trở thành kim chỉ nam, dẫn dắt các bạn hoạ sĩ thế hệ trẻ tìm đến nguồn tư liệu vốn dĩ khan hiếm của bộ môn nghệ thuật này để phục dựng, sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật trên nhiều chất liệu và hình thức khác nhau; dù mang đậm hơi thở thời đại nhưng vẫn giữ nguyên linh hồn và cốt cách của Hát Bội truyền thống.
Không gian triển lãm "Vẽ về hát bội"
Ngay trong buổi ra mắt dự án tối qua, buổi triển lãm đã được khai mạc với những tác phẩm trưng bày đa dạng, độc đáo và bằng nhiều chất liệu. Đó là sự cảm nhận, góc nhìn của những người trẻ về Hát bội – loại hình nghệ thuật vô cùng đặc sắc của nước nhà.
Có mặt tại buổi triển lãm, nữ diễn viên Hồng Ánh bày tỏ sự bất ngờ và xúc động khi dõi theo những tâm huyết mà các nghệ sĩ trẻ dành cho Hát bội. Hồng Ánh chia sẻ: “Đúng là trong thời đại hiện nay, hát bội cũng như một số loại âm nhạc cổ truyền khác của Việt Nam đang rơi vào tình trạng mai một vì không còn nhiều người theo, truyền bá và gìn giữ.
Tuy nhiên, với dự án này của các bạn trẻ, Hồng Ánh có niềm tin rằng hát bội vẫn sẽ “sống” – theo một cách khác, vẫn giữ được những giá trị truyền thống nhưng được khoác lên lớp áo mới hơn, trẻ hơn, và có thể dễ dàng tiếp cận hơn với các bạn trẻ.” Nữ diễn viên tỏ ra thích thú khi ngắm nhìn các tác phẩm được thực hiện bằng những kỹ thuật hiện đại của ngày nay như tranh 3D, kỹ thuật tạo hình khối độc đáo nhằm tôn vinh hát bội.
Đạo diễn, diễn viên Hồng Ánh thích thú với những tác phẩm của các họa sĩ trẻ
Nữ ca sĩ Vũ Cát Tường cũng nằm trong số những người trẻ tham gia sự kiện. Vũ Cát Tường cũng tỏ vẻ bất ngờ khi “lọt” vào không gian trưng bày tại The Garden Mall với những tác phẩm đầy sự sáng tạo và nhiều tâm huyết. Vũ Cát Tường bộc bạch cô tìm đến đây vì nhận được lời mời từ một người bạn và cũng vì sự tò mò. Để rồi khi tìm đến với chương trình, tham quan triển lãm, thưởng thức biểu diễn một số trích đoạn tuồng cổ, nữ nghệ sĩ cảm thấy nhiều thú vị và trân trọng hát bội nhiều hơn.
“Là người trẻ, nhu cầu và cơ hội được tiếp cận các loại hình nghệ thuật truyền thống lâu đời của dân tộc thật sự không nhiều. Tường nghĩ với tâm huyết này của các bạn, hát bội sẽ có sự nhìn nhận đúng hơn. Người trẻ như Tường cũng sẽ thấy yêu hơn nghệ thuật nước nhà và các nghệ sĩ, họa sĩ dành nhiều tâm huyết cho hát bội cũng sẽ có thêm niềm khích lệ để sáng tạo và cống hiến…”- Vũ Cát Tường chia sẻ.
Vũ Cát Tường diện bộ trang phục áo dài kiểu truyền thống, chìm đắm trong không gian của hát bội
Với mong muốn ban đầu “là tiếng nói nhỏ trong câu chuyện lớn về văn hoá”, dự án “Vẽ về Hát Bội” theo thời gian, đã may mắn nhận được sự ủng hộ và đồng hành về chuyên môn của những nghệ sĩ gạo cội như Nghệ sĩ Nhân dân Đinh Bằng Phi, Nghệ sĩ Ưu tú, Tác giả, Đạo diễn Hữu Danh để đưa ra sự thẩm định về các tác phẩm, cũng như sẽ trình diễn những vở tuồng kinh điển của hát bội Việt Nam, là một trong những hoạt động chính của dự án lần này.
Hiện nay, sau hai tháng khởi động thu hút sự tham gia của gần 100 nhân sự trẻ đến từ nhiều ngành nghề khác nhau để chung tay thực hiện, dự án “Vẽ về Hát Bội” đã nhận được phản ứng rất tích cực trên fanpage chính thức của chương trình. Có rất nhiều chia sẻ, rất nhiều nỗi niềm được bày tỏ từ phía nhóm thực hiện dự án nói riêng, và đa số các bạn trẻ nói chung, về sự mai một tàn khốc theo thời gian đối với môn nghệ thuật Hát Bội thông qua những tác phẩm được chia sẻ. Chính sự đồng cảm này đã tiếp thêm rất nhiều động lực cho những người khởi xướng dự án, và thay lời khẳng định rằng: “Người trẻ không hề vô cảm với những nét văn hoá truyền thống, nếu họ hiểu và tìm được sự đồng điệu.”
Các nghệ sĩ trình diễn một vở tuồng cổ
Dự án “Vẽ về Hát Bội” sẽ được chính thức diễn ra từ ngày 01/02/2018 đến ngày 10/02/2018 tại sảnh Gallery và nhà hát Chợ Lớn thuộc khu văn hóa Chợ Lớn của Trung tâm thương mặt The Garden Mall - số 190 Hồng Bàng P12 Q5 TPHCM, với nhiều hoạt động đặc sắc như triển lãm tranh, talkshow cùng Nghệ sĩ Ưu tú, tác giả, đạo diễn Hữu Danh – Giám đốc Nhà hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh, trình diễn các tác phẩm hát bội kinh điển…
Nghệ thuật sân khấu hát bội gọi tắt là hát bội (hay còn gọi là tuồng), là một trong “bộ ba” loại hình sân khấu truyền thống tiêu biểu của Việt Nam. ... Sân khấu như để cho “thầy tuồng” tùy nghi bố trí theo ý mình qua điệu bộ và ca diễn của đào kép. |
Một số hình ảnh tại buổi triển lãm:
Trang phục của các nghệ sĩ hát bội được thiết kế cầu kỳ, đặc sắc không giống với bất kỳ loại hình nghệ thuật nào khác
Mặt nạ khác nhau, thể hiện những nhân vật khác nhau trong các vở diễn