Trong khi người dân liên tục bức xúc, phản ánh tình trạng ô nhiễm nặng quanh khu vực Công ty Sô-đa thì đại diện Công ty chỉ trả lời một câu: “Ghi lại ý kiến rồi sẽ về phản ánh với lãnh đạo Công ty”.
Trước đó, khoảng 6 giờ cùng 8/11, tại hồ nuôi cá với diện tích 1ha mặt nước của ông Châu Văn Năng (thôn Đại Phú, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) rất nhiều cá chết nổi trắng hồ, nhiều con cá có trọng lượng 5-6kg, ước tính đã có hàng chục kg cá chết.
Ông Năng cho biết, đây là lần thứ hai cá nhà ông nuôi bị chết nhiều như vậy. Các cơ quan chức năng huyện Núi Thành đã đến hiện trường lập biên bản, ghi nhận thông tin về sự việc này, gửi mẫu nguồn nước và cá chết cho Phòng Cảnh sát điều tra về môi trường Công an tỉnh Quảng Nam để xác minh, làm rõ nguyên nhân.
Theo quan sát của chúng tôi, ngay bên cạnh các hồ nuôi nói trên là nhà máy sản xuất của Công ty cổ phần Sô-đa (thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành). Ở bên ngoài hồ nuôi cá của gia đình ông Năng là bờ kênh nước thải đục ngầu của nhà máy này chảy ra. Theo ông Năng, ông Tuấn và nhiều hộ dân khác ở thôn Đại Phú thì nguyên nhân cá nuôi chết hàng loạt là do ô nhiễm môi trường.
Rất đông người dân đã có mặt tại buổi đối thoại
Trước tình hình đó, sáng 14/11, đại diện Công ty trên đã tổ chức đối thoại với người dân về vụ cá chết trắng hồ. Buổi đối thoại được tổ chức tại hội trường thôn Đại Phú, xã Tam Hiệp, nơi có nhiều gia đình bị cá chết hàng loạt. Ngoài người dân thôn Đại Phú, dân các thôn Vĩnh Đại, Mỹ Bình (xã Tam Hiệp) và một số hộ ở các xã lân cận cũng đến họp.
Tại cuộc tiếp xúc, người dân liên tục phản ánh tình trạng ô nhiễm nặng quanh khu vực Công ty Sô-đa. Không chỉ có cá, tôm chết, trâu bò uống nước quanh khu vực Công ty cũng bị các bệnh như tiêu chảy, sảy thai, còi cọc. Thậm chí, nhiều chim cò xuống uống nước, ăn cá quanh khu vực này cũng lăn ra chết.
Trong khi người dân bức xúc nêu nhiều vấn đề thì đại diện phía Công ty Sô-đa chỉ trả lời được một câu: “Ghi lại ý kiến rồi về sẽ phản ánh lại với lãnh đạo Công ty”.
Thôn Đại Phú có hơn 380 hộ nằm trong diện quy hoạch của Khu kinh tế mở Chu Lai nhưng 10 năm nay, các hộ này vẫn không được di dời. Toàn bộ thôn bị bao quanh bởi hàng loạt các nhà máy như Sô-đa, ôtô Trường Hải, Nhà máy Kính nổi Chu Lai... Tại cuộc đối thoại, người dân khẳng định họ chấp hành chủ trương đầu tư các nhà máy để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong lúc chờ được di dời như kế hoạch thì họ phải chịu cảnh sống khổ sở do tình trạng ô nhiễm môi trường. Nhiều người thẳng thắn nêu quan điểm, hoặc là di dời toàn bộ dân, hoặc Công ty Sô-đa phải đóng cửa.
Đại diện Công ty ghi nhận các ý kiến và cho biết, sẽ đề xuất Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường, UBND huyện Núi Thành kiểm tra thực tế tại Công ty và đề ra biện pháp xử lý.