Vụ án tranh chấp “tín dụng đen” ở Hải Dương: Không có chuyện bịa đặt, cung cấp tin sai sự thật

Trần Đức| 22/10/2014 07:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong thời gian qua, Báo Công lý và nhiều cơ quan báo chí khác đã đăng tin bài phản ánh về vụ tranh chấp thanh toán tiền vay mượn giữa bà Phạm Thị Hương và bà Đinh Bích Hợp cùng trú tại Hải Dương.

Do mang tính chất “tín dụng đen” nên những bài báo này được dư luận quan tâm…

Không có cơ sở nói bà Hợp bịa đặt

Trước sức ép của dư luận, của nhiều tờ báo phản ánh về vụ việc này, bà Phạm Thị Hương (ở 12 Bắc Sơn, phường Quang Trung, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) - nhân vật chính trong các bài báo, đã có  đơn đề ngày 17/3/2014, tố cáo bà Đinh Bích Hợp đến Công an và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương.

Sau nửa năm xác minh, ngày 17/9/2014 Phòng Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội Công an tỉnh Hải Dương đã có Thông báo số 55/TB0PC 45 về kết quả giải quyết đơn của bà Hương. Theo Thông báo này, bà Hương tố cáo bà Đinh Bích Hợp, sinh năm 1965, ở lô 53.49 đường Hoàng Quốc Việt, phường Tứ Minh, Tp Hải Dương, có hành vi vu khống đối với bà Hương và lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của công dân.

“Kết quả điều tra xác minh xác định: Không đủ cơ sở xác định bà Đinh Bích Hợp có hành vi bịa đặt, loan truyền và cung cấp cho báo chí nội dung sai sự thật sau ngày 14/2/2014, gây ảnh hưởng uy tín, danh dự, nhân phẩm cho người khác hoặc xâm hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

Thanh tra Chính phủ quan tâm

Cũng liên quan đến thông tin báo chí phản ánh về đường dây với sự câu kết và có dấu hiệu tiếp tay của một số quan chức của tỉnh Hải Dương với “trùm tín dụng đen” Phạm Thị Hương, ngày 7/10/2014, Thanh tra Chính phủ có Công văn số 2398/TTCP- C IV do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng ký, gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị làm rõ ba nội dung sau đây:

1.Tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh năm 1985, công tác tại Văn phòng HĐND tỉnh Hải Dương (con gái ông Nguyễn Anh Cương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương) sở hữu 7 lô đất biệt thự với giá trị lớn được mua từ năm 2008 đến 2011.

Vụ án tranh chấp “tín dụng đen” ở Hải Dương: Không có chuyện bịa đặt, cung cấp tin sai sự thật

Thông báo của PC 45 Công an tỉnh Hải Dương

2.Tài sản của ông Bùi Đình Hoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, trong đó có 5 lô đất biệt thự do bố đẻ ( là ông Bùi Huy Sùng) gần đến ngày mất đã mua và sau khi mất đã chuyển cho ông Bùi Đình Hoan trong năm 2011.

3. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng 2.397m2 đất thành đất ở (nằm trên tuyến đường đôi Hồng Quang kéo dài thuộc Khu 10, phường Bình Tân, Tp Hải Dương) cho bà Phạm Thị Hương – trùm tín dụng đen thành phố Hải Dương, chưa tuân thủ đầy đủ các điều kiện pháp luật quy định (trong đó có chữ ký tại nhiều văn bản liên quan đến thủ tục nhằm hợp pháp hóa quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất, là chữ ký có dấu hiệu giả mạo của người khác ký thay bà Hương).

Công văn nêu rõ: Sau khi xem xét, căn cứ Luật Phòng chống tham nhũng... Luật Tố cáo ngày 11/11/2011 và Nghị định số 76/2012/NĐ0CP ngày 3/10/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo, Thanh tra Chính phủ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành ba nội dung trên; trả lời công luận... và báo cáo kết quả về Thanh tra Chính phủ.

Hủy án sơ thẩm xét xử lại

Về vụ kiện giữa bà Hương và bà Hợp, như thông tin đã đưa từ năm 2006, bà Hợp đã vay của bà Hương 7,5 tỷ đồng. Ngày 25/1/2013, bà Hương chốt nợ gốc và lãi khoản vay là 33 tỷ 127 triệu đồng. Bà Hợp đã thanh toán và gán nợ bằng căn biệt thự Đỉnh Long, Hải Dương và căn hộ ở Ciputra (Hà Nội). Sau đó, bà Hương đòi trả lại biệt thự và tiếp tục đòi tiền nên xảy ra tranh chấp.

Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND Tp Hải Dương đã tuyên hủy không chấp nhận một phần khởi kiện của bà Hương về việc đòi nợ bà Hợp. Theo nhận định của phiên tòa sơ thẩm, bà Hợp có vay tổng cộng 7 lần từ bà Hương với số tiền là 7,5 tỷ đồng. Trong thời gian này, bà Hương đã tự tính lãi suất do mình đưa ra, đến đầu năm 2013, lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền 7,5 tỷ ban đầu đã lên tới số nợ hơn 33 tỷ đồng. Cho dù là thỏa thuận dân sự song  việc áp đặt lãi suất cao hơn quy định của pháp luật lên tới hơn 70%, nghĩa là sau khi kết thúc tháng thì số tiền lãi vay phát sinh được cộng dồn với nợ gốc để tạo thành một khoản vay mới là không có cơ sở. Do đó phiên tòa sơ thẩm đã tuyên hủy yêu cầu của bà Hương để tính theo lãi suất Ngân hàng Nhà nước.

Hai bên đều kháng cáo nên ngày 15/9/2014 TAND tỉnh Hải Dương đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Kết quả là HĐXX hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm, lý do tòa án cấp sơ thẩm còn xác định có những sai sót về thủ tục trong việc bà Hợp gán nhà cho bà Hương cũng như việc làm giấy ủy quyền và các thủ tục cần thiết, song các thủ tục chưa hoàn tất thì trước đó, bà Hợp đã gán căn biệt thự cao cấp ở Khu đô thị Đỉnh Long; sau đó bà Hương đã bán cho người anh trai là ông Phạm Phùng Long tòa biệt thự ở Khu đô thị Đỉnh Long với giá 17 tỷ đồng. Do vậy để có bìa đỏ trả cho bà Hợp như tòa sơ thẩm đã tuyên thì bà Hương phải trả lại tiền cho ông Long để ông Long trả lại bìa đỏ cho bà Hương, bà Hương trả lại cho bà Hợp.

Một vấn đề nữa là bà Hợp kháng cáo lại đòi căn hộ cao cấp tại Ciputra ở Hà Nội, lẽ ra phải nộp án phí, nhưng bà Hợp chưa nộp. Đây cũng là một sai sót về mặt tố tụng. Ngoài ra Tòa phúc thẩm cũng đã chỉ ra việc Văn phòng công chứng Thành Đông trong việc thực hành công chứng Hợp đồng ủy quyền giữa vợ chồng bà Hợp và bà Hương nhưng lại không được mời tham dự phiên tòa sơ thẩm cũng là một sai sót.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ án tranh chấp “tín dụng đen” ở Hải Dương: Không có chuyện bịa đặt, cung cấp tin sai sự thật