Để lý giải những băn khoăn của báo chí và dư luận về việc căn cứ nào để kết án bị cáo Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh, Báo Công lý thông tin đến độc giả những cơ sở để khẳng định việc kết án bị cáo Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh là đúng quy định.
Những chứng cứ buộc tội Trần Văn Vót
Về động cơ phạm tội của Trần Văn Vót: Do mâu thuẫn trong việc phân chia đất ruộng nên nhân dân hai miền Thanh Nga và Nhân Phúc (huyện Lý Nhân, tỉnh Nam Hà) mâu thuẫn trầm trọng. Trần Văn Vót với tư cách là Bí thư Chi bộ 4 (Lý Nội) cùng các đảng viên trong Chi bộ như Trần Văn Xướng, Trần Văn Hưởng, Nguyễn Mạnh Hùng… lôi kéo, kích động các đảng viên khác và nhân dân chống đối lại chủ trương của chính quyền, yêu cầu chuyển 168 mẫu ruộng đã chuyển cho nhân dân miền Thanh Nga lại cho Nhân Phúc.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn nêu quá trình giải quyết khiếu nại của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với vụ án Trần Văn Vót
Ngày 23/1/1992, nhân dân hai miền Thanh Nga và Nhân Phúc đã xô xát nhau, hậu quả làm 7 người phía Nhân Phúc bị thương, trong đó Trần Văn Vót bị gãy tay.
Sau đó, tại cuộc họp Chi bộ, Trần Xuân Xương đề xuất “Phải giữ thóc quỹ lại bán để mua vũ khí bảo vệ làng”. Các đảng viên không ai phản đối, Trần Văn Vót đồng tình và hỏi “Mua vũ khí ở đâu? Ai đi mua?”. Như vậy, Trần Văn Vót là người chỉ đạo trong việc chống lại dân Thanh Nga, đòi lại đất và cũng là người trực tiếp bị dân Thanh Nga đánh bị thương, là người đồng tình cao trong việc chuẩn bị vũ khí bảo vệ làng.
Đồng chí Phạm Văn An, Phó Vụ trưởng Vụ 7 VKSNDTC giải đáp các vấn đề liên quan đến vụ án
Về căn cứ xác định Trần Văn Vót có lựu đạn: Trước khi xảy ra vụ nổ lựu đạn ngày 29/11/1992 thì Vót có 2 quả lựu đạn cầu do Việt Nam sản xuất. Quả thứ nhất, theo lời khai của Vót trong thời gian Vót công tác tại Ban Chỉ huy quân sự huyện Lý Nhân, tháng 11/1989, Vót có được giao nhiệm vụ đi thu hồi 1 quả lựu đạn mỏ vịt, 1 vỏ đạn M79 đã chế làm bật lửa và 1 kíp đã nổ của anh Trương Mỹ Hòa (phù hợp với lời khai của anh Hòa) sau đó về nộp cho anh Nguyễn Thành Nam có sự chứng kiến của anh Trương Quốc Vinh.
Anh Nam khai, không nhận lựu đạn Vót nộp vì anh không có nhiệm vụ nhận vũ khí. Anh Vinh khai, không chứng kiến việc giao nộp lựu đạn, Ban Chỉ huy quân sự huyện Lý Nhân có văn bản xác nhận qua kiểm tra sổ sách không thể hiện việc Vót giao nộp quả lựu đạn. Quả thứ 2, Vót cũng thừa nhận có mượn của anh Mưu 1 quả lựu đạn nhưng là sau ngày 29/11/1992 mang về cất giấu tại nhà ăn.
Thẩm phán Lương Ngọc Trâm (Tổ trưởng, Thẩm phán TANDTC) khẳng định Tòa án các cấp xét xử Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan.
Tuy nhiên, theo lời khai của Nguyễn Thế Mưu thì khoảng đầu tháng 11/1992, Vót có mượn của Mưu 1 quả lựu đạn cầu do Việt Nam sản xuất và chưa trả. Lời khai của anh Mưu phù hợp với lời khai của chị Đỗ Thị Xưởng (là vợ của Vót) là thấy Vót mang quả lựu đạn về cất giấu từ đầu tháng 11/1992 trong thời gian tổ chức bảo vệ lúa để phục bắt dân Thanh Nga.
Sau này, tại trại giam Vót đã viết thư về cho chị Xưởng đem nộp quả lựu đạn này. Như vậy, có cơ sở xác định Vót mượn quả lựu đạn của Mưu từ đầu tháng 11/1992. Theo giám định thì mảnh vỡ của lựu đạn thu tại hiện trường là loại lựu đạn cầu mỏ vịt do Việt Nam sản xuất phù hợp với 2 quả lựu đạn Vót đang tàng trữ.
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, Vót đều thừa nhận có mặt tại hiện trường trước, trong và sau khi lựu đạn nổ, phù hợp với lời khai của các bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Văn Hưởng, Trần Ngọc Thanh. Căn cứ xác định Trần Văn Vót đưa lựu đạn cho Trần Ngọc Thanh dựa trên lời khai của Trần Ngọc Thanh, Trần Xuân Đạt, Đỗ Xuân Hòe.
Đồng chí Vũ Quang Hưng, Cục trưởng C44 Bộ Công an giải đáp câu hỏi của đại biểu xung quanh vụ án
Ngoài ra, sau khi biết Trần Ngọc Thanh tự thú, Vót đã cùng bà Trần Thị Tân (mẹ Thanh) đi gặp Tổ làm đất cùng Thanh (gồm 16 người và đều là người có quan hệ họ hàng, thôn xóm với Thanh) và thống nhất khai mọi người đang nghỉ tắm rửa thì nghe thấy tiếng lựu đạn nổ, để xác định Thanh, Đạt không có mặt tại hiện trường khi lựu đạn nổ. Sau đó, 8 người trong số này đã bị Tòa án các cấp kết án về tội “Khai báo gian dối”.
Như vậy, mặc dù tại giai đoạn điều tra, xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, Trần Văn Vót không thừa nhận đã đưa lựu đạn cho Thanh nhưng qua đánh giá các căn cứ, có cơ sở xác định Trần Văn Vót là người đưa lựu đạn cho Trần Ngọc Thanh ném gây chết 1 người, bị thương 21 người. Do vậy Tòa án các cấp kết án Trần Văn Vót về tội “Giết người” là có căn cứ.
Trần Ngọc Thanh khai nhận lựu đạn do Trần Văn Vót cung cấp
Sau khi xảy ra vụ lựu đạn nổ chiều ngày 29/11/1992, qua cung cấp ban đầu của quần chúng thì người ném lựu đạn là Trần Văn Cự, người miền Thanh Nga. Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với Trần Văn Cự và ra lệnh truy nã. Tuy nhiên, ngày 7/2/1993, Trần Ngọc Thanh nhập ngũ tại Trung đoàn 139 Bộ Tư lệnh thông tin thì ngày 12/2/1993 (sau gần 1 tuần), Trần Ngọc Thanh tự thú hành vi ném lựu đạn của mình và khai lựu đạn là do Trần Văn Vót đưa. Ngày 21/2/1993, Thanh viết Bản tường trình gửi lãnh đạo Trung đoàn 139 Bộ Tư lệnh thông tin với nội dung tương tự.
Ngoài ra, trong lá thư gửi về cho bố mẹ ghi ngày 17/6/1993, Thanh viết rất ân hận vì đã ném lựu đạn làm dân mình bị thương; lá thư gửi cho bố mẹ ghi ngày 29/7/1993, Thanh viết: “…Do anh Vót xúi giục con mà con phải khổ thế này… Bố mẹ ở ngoài đến những người bị thương xin cho con, vì con không chủ bụng ném vào dân mình. Bố mẹ đừng nghe anh Xuân, anh Quân con ông Tòng và một số người khác, vì chính họ nghĩ con không có việc ném lựu đạn vào dân mình”.
GS.TS, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng nêu câu hỏi với liên ngành Tư pháp Trung ương
Từ ngày 22/2/1993 đến ngày 14/9/1993, Cơ quan điều tra đã tiến hành lấy 23 lời khai của Trần Ngọc Thanh, trong đó có 4 lời khai trong các ngày 22, 23 và 24/2/1993 (thời gian Thanh mới từ đơn vị quân đội chuyển về giam tại Nam Hà) Thanh thừa nhận ném lựu đạn nhưng khai nguồn gốc lựu đạn là do mua ở Na Rì, có 4 lời khai chối tội khai không có mặt tại hiện trường, không ném lựu đạn; còn lại 15 lời khai Thanh thừa nhận chính Vót đưa lựu đạn cho Thanh ném, trong đó có lời khai phúc cung của VKSND tỉnh Nam Hà. Lý do Trần Ngọc Thanh đưa ra để giải thích việc giai đoạn ban đầu Thanh không khai nhận là do Thanh sợ bị những người giam giữ cùng mình đánh và sợ khai ra Trần Văn Vót thì gia đình Vót sẽ thù tức gia đình mình.
Trần Ngọc Thanh khai:“Khi tôi ném lựu đạn thì tôi đang đứng ở bãi ruộng màu Thanh Lan, khu ruộng này thuộc quản lý của đội 4 Lý Nội. Ý định của tôi là ném về phía dân miền Thanh Nga đang chạy. Khoảng cách từ chỗ tôi đến vị trí dân miền Thanh Nga đang chạy là khoảng 20m, nhưng khi tôi ném thì lựu đạn chỉ đi được khoảng 10m rồi rơi vào khu vực gần bờ mương giáp với đường Do Đạo là nơi đang tập trung nhiều người dân miền Nhân Phúc đang chạy đuổi dân Thanh Nga”.
Lời khai của Thanh về vị trí, hướng ném, động tác ném, vị trí lựu đạn nổ phù hợp với hiện trường vụ án. Trung tâm hiện trường là con mương cạn có chiều rộng 25,7m, chạy dài từ Nam đến Bắc, phân cách phía Đông thuộc địa phận thôn Thanh Nga và địa phận phía Tây thuộc thôn Lý Nội. Điểm nổ được xác định là khu vực gần bờ mương tiếp giáp với khu đầu bờ ruộng Do Đạo; mặt đất bị các mảnh lựu đạn găm vào theo dạng mắt sàng, phù hợp với sơ đồ hiện trường do Thanh vẽ, phù hợp với vật chứng thu được là 24 mảnh kim loại.
Qua giám định 14 mảnh kim loại thu ở hiện trường và 2 mảnh mổ ở nạn nhân, kết luận là mảnh của lựu đạn cầu mỏ vịt do Việt Nam sản xuất, phù hợp với thương tích của các bị hại là đều do các mảnh lựu đạn nổ gây nên.
Nhà báo Vũ Hữu Sự, Báo Nông nghiệp Việt Nam đặt câu hỏi tại buổi họp báo sáng nay 19/10
Ngoài ra, động cơ phạm tội của Trần Ngọc Thanh là do ngày 23/1/1992, nhân dân 2 miền Nhân Phúc và Thanh Nga đã dùng cuốc, bồ cào, đòn gánh để ẩu đả, đánh nhau làm 7 người bên Nhân Phúc bị thương, trong đó có ông Trần Ngọc Thông (là bố của Trần Ngọc Thanh) phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Lý Nhân. Như vậy, Trần Ngọc Thanh đã có thù tức riêng với dân miền Thanh Nga nên có cơ sở xác định Thanh có động cơ khi ném lựu đạn vào dân miền Thanh Nga.
Mặt khác, trên cơ sở lời khai của một số nhân chứng, người bị hại và bị cáo khác, trong đó có các nhân chứng là Phan Quang Dương (Tiểu đội trưởng), Nguyễn Chiến Bình (Trung đội trưởng), Lại Huy Thao (Phó đại đội trưởng) và Trần Văn Thanh (người cùng tạm giữ cùng phòng với Trần Ngọc Thanh) có lời khai xác nhận đã trực tiếp nghe Thanh trình bày về việc Thanh đã ném lựu đạn làm 1 người chết và một số người bị thương phù hợp với bản tự thú, bản tường trình của Thanh.
Căn cứ lời khai của anh Trần Thế Huệ, Nguyễn Hữu Chinh (nhân chứng) phù hợp với lời khai của Thanh, về việc ngay sau khi lựu đạn nổ thì Thanh cùng với anh Chinh, anh Huệ đã khiêng người bị thương là anh Bình từ điểm nổ về bãi đất cát gần ngã ba đường Bà Sự, có cơ sở xác định Thanh có mặt tại hiện trường. Căn cứ vào lời khai của Trần Xuân Đạt (bị cáo, là em họ của Thanh) là nhìn thấy Thanh đứng cạnh Vót, nhìn thấy Thanh ném vật gì đó (như cục gạch) về phía mả hủi, ngay sau khi Thanh ném thì nghe thấy tiếng nổ ở bên kia bờ mương cạn, phù hợp với lời khai của Thanh về việc Vót đưa lựu đạn cho Thanh, Thanh là người ném lựu đạn.
Căn cứ vào lời khai của bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng là không nhìn thấy lựu đạn từ phía miền Thanh Nga ném lại. Lời khai của các bị hại Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Hưởng, Trần Văn Bình cũng không nhìn thấy lựu đạn phía Thanh Nga ném lại, nếu không họ đã tránh được, có cơ sở xác định lựu đạn không được ném từ phía miền Thanh Nga.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn kết luận vụ án Trần Văn Vót đã được các cơ quan tố tụng điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội
Tại phiên tòa sơ thẩm, Thanh không thừa nhận ném lựu đạn, nhưng tại đơn kháng cáo Thanh lại thừa nhận hành vi phạm tội như Bản án sơ thẩm đã quy kết và khẳng định phạm tội là do Trần Văn Vót chỉ đạo. Sở dĩ tại phiên tòa sơ thẩm Thanh chối tội là vì sợ nếu nhận thì gia đình Thanh sẽ bị gia đình các bị hại trả thù và không thể có khả năng bồi thường thiệt hại, nên đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giảm án. Tại phiên tòa phúc thẩm, Thanh lại không thừa nhận hành vi phạm tội, cho rằng trước đó khai nhận là do bị ép cung.
Mặc dù tại phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trần Ngọc Thanh đều kêu oan, không thừa nhận hành vi giết người, nhưng theo Biên bản phiên tòa sơ thẩm Thanh vẫn thừa nhận lời khai phúc cung của VKSNDT tỉnh Nam Hà là không bị ép cung, dù trước đó có lúc nhận tội, có lúc không nhận tội.
Tòa án các cấp trên cơ sở căn cứ vào bản tự thú tại đơn vị bộ đội nơi Thanh nhập ngũ và các lá thư Thanh viết về cho bố mẹ (mà Thanh thừa nhận Thanh tự viết), lời khai nhận tội tại giai đoạn điều tra của Thanh phù hợp với lời khai của các nhân chứng, người bị hại, bị cáo khác như đã phân tích trên, có cơ sở xác định: lựu đạn được ném từ phía miền Nhân Phúc, không phải ném từ phía Thanh Nga, khi sự việc xảy ra Thanh có mặt tại hiện trường, Vót là người đưa lựu đạn cho Thanh và Thanh là người ném lựu đạn gây chết 1 người, bị thương 21 người. Do đó, Tòa án các cấp kết án Thanh về tội “Giết người” là có căn cứ.