Vụ án Hồ Duy Hải: Không có việc mua dao, thớt để thay thế vật chứng

PV| 12/05/2020 16:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong vụ án Hồ Huy Hải, các tình tiết được nhiều người quan tâm là dấu vân tay tại hiện trường và việc thu giữ hung khí gây án. Những vấn đề này được nêu trong kháng nghị của VKSNDTC và đã được làm rõ tại phiên tòa giám đốc thẩm.

Mua dao, thớt là để nhận dạng  và thực nghiệm điều tra

Về dấu vân tay thu được tại hiện trường, kháng nghị của VKSNDTC cho rằng, dấu vân tay thu được ở hiện trường (cửa kính, vòi nước ở lavabo) không phải của Hồ Duy Hải, dấu vân tay của ai cũng chưa được làm rõ.

Theo trình bày của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An tại phiên tòa giám đốc thẩm và hồ sơ vụ án thể hiện, trong quá trình khám nghiệm hiện trường, Cơ quan điều tra phát hiện và thu giữ một số dấu vết đường vân tay ở mặt trong cửa kính trên cánh cửa sau và trên tay nắm mở vòi nước ở lavabo. Cơ quan điều tra đã thu thập vân tay của khoảng 144 người nghi có liên quan để truy nguyên với các dấu vân tay thu tại hiện trường, nhưng không có kết quả trùng khớp.

Bản kết luận giám định số 158/KL-P21 ngày 11/4/2008 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An kết luận: các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải. Như vậy, Cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra truy nguyên dấu vấn tay thu giữ tại hiện trường.

Vụ án Hồ Duy Hải: Không có việc mua dao, thớt để thay thế vật chứng

Bản ảnh hiện trường vụ án

Việc không trùng khớp với dấu vân tay ở một nơi công cộng có nhiều người đã xuất hiện trước đó không phải là tình tiết chứng minh ngoại phạm. Mặc dù, không phát hiện dấu vân tay thu được tại hiện trường trùng với dấu vân tay của Hải, nhưng căn cứ vào các lời khai nhận tội của bị cáo Hải phù hợp với bản ảnh hiện trường, biên bản khám nghiệm hiện trường, Biên bản giám định pháp y, kết quả thực nghiệm điều tra, lời khai của người làm chứng và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, đủ căn cứ xác định Hồ Duy Hải là người thực hiện hành vi phạm tội.

Kháng nghị của VKSNDTC cho rằng, hai đồ vật là con dao và cái thớt thu giữ được không có giá trị chứng minh về công cụ gây án của người phạm tội.

Kết quả khám nghiệm hiện trường vụ án thể hiện có chiếc thớt dính máu để ở gần nạn nhân Hồng và chiếc ghế xếp do nạn nhân Vân gác chân lên, không phát hiện con dao được nhét vào sau tấm bảng treo đối diện cầu thang. Khi đó, Cơ quan điều tra chưa thể biết được hung thủ dùng thớt, ghế, dao để gây án cho đến khi bắt được Hồ Duy Hải, chính Hải khai đã dùng thớt, ghế, dao làm công cụ gây án. Lời khai của Hải phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường, nơi cất giấu con dao sau khi gây án mà các nhân chứng phát hiện được khi thu dọn hiện trường ngày 14/01/2008.

Vụ án Hồ Duy Hải: Không có việc mua dao, thớt để thay thế vật chứng

Hồ Duy Hải tại buổi thực nghiệm hiện trường vụ án

Mặc dù, Hải có lời khai mô tả đặc điểm chiếc thớt không thống nhất về bề dày, kích thước, nhưng căn cứ lời khai của nhân chứng, là những người phát hiện ra con dao và bản ảnh hiện trường, Cơ quan điều tra đã yêu cầu nhân chứng mua chiếc thớt tương tự như chiếc thớt họ đã nhìn thấy và có ở hiện trường. Đồng thời yêu cầu nhân chứng mua con dao có đặc điểm tương tự như những người làm chứng trên và Hải mô tả.

Tại Biên bản nhận dạng, Hải nhận dạng được chiếc thớt dùng để gây án, phù hợp với mô tả đặc điểm chiếc thớt và bản ảnh hiện trường vụ án. Tại Biên bản nhận dạng, Hải nhận dạng được con dao có đặc điểm, kích thước tương tự con dao mà Hải dùng để gây án, phù hợp với việc mô tả đặc điểm con dao mà các nhân chứng phát hiện được tại hiện trường vụ án. Điều đó có ý nghĩa chứng minh lời khai của Hải đã dùng dao và thớt để gây án là có cơ sở.

HĐTP nhận định, việc mua dao, thớt là có thật để phục vụ cho nhận dạng vật tương tự và để thực nghiệm điều tra, không phải để thay thế vật chứng của vụ án như Kháng nghị của VKSNDTC.

Không cần thiết phải hủy án để điều tra lại

Nhiều nội dung kháng nghị khác cũng đã được HĐTP làm rõ. Ví như việc xác định thời điểm chết của các nạn nhân, kháng nghị cho rằng Cơ quan điều tra không giám định thời điểm chết của các nạn nhân là thiếu sót. Tuy nhiên, theo trình bày của Giám định viên tại phiên tòa giám đốc thẩm thì trong trường hợp trên chỉ giám định xác định được nạn nhân bị chết trong khoảng thời gian bao lâu kể từ bữa ăn cuối mà không giám định được thời điểm chết của nạn nhân. Mặt khác, căn cứ lời khai nhận tội của Hải, Biên bản khám nghiệm hiện trường, Biên bản khám nghiệm tử thi, lời khai của các nhân chứng và các chứng cứ, tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án thì đủ cơ sở khẳng định Hải là người thực hiện hành vi giết chị Hồng và chị Vân. Thiếu sót nêu trên không thay đổi bản chất vụ án nên không cần thiết điều tra lại.

Về thủ tục khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi, kháng nghị cho rằng, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi Hồng đều do một Điều tra viên thực hiện là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Vụ án Hồ Duy Hải: Không có việc mua dao, thớt để thay thế vật chứng

Hồ Duy Hải thực nghiệm lại hành vi gây án 

Về vấn đề này, tại phiên tòa giám đốc thẩm, Cơ quan điều tra đã trình bày, việc khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi là cùng địa điểm tại Bưu điện Cầu Voi; khi khám nghiệm tử thi Hồng và tử thi Vân thì ngoài Điều tra viên Lê Thành Trung còn có Điều tra viên Nguyễn Văn Minh tham gia. Như vậy, việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi đều bảo đảm đúng thành phần theo quy định, không phải vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Về lời khai ngày 20/3/2008 của Hồ Duy Hải và lời khai của người làm chứng Phùng Phụng Hiếu, các đối tượng tình nghi Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol. Theo trình bày của Cơ quan điều tra tại phiên tòa giám đốc thẩm: Cơ quan điều tra không đưa vào hồ sơ xét xử vụ án, nhưng được lưu trong hồ sơ nghiệp vụ của Cơ quan Công an do lời khai không đúng sự thật (lời khai của Hải) và những đối tượng còn lại không liên quan đến vụ án. Việc không lưu các lời khai này trong hồ sơ vụ án là thiếu sót của Cơ quan điều tra.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, Cơ quan điều tra đã công bố những tài liệu này cho Hội đồng giám đốc thẩm. Qua xem xét những tài liệu nêu trên, tuy không được lưu trong hồ sơ vụ án theo quy định của pháp luật nhưng nội dung của những tài liệu này không làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án nên không cần thiết điều tra lại.

Đối với nội dung kháng nghị cho rằng, một số biên bản nhận dạng không có người chứng một số biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung có sửa chữa, nhưng không có chữ ký xác nhận của người kha. Qua kiểm tra hồ sơ vụ án và thẩm tra công khai tại phiên tòa giám đốc thẩm thì thấy đây là các sai sót, vi phạm thủ tục tố tụng của Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, tại các biên bản hỏi cung ngày 07/7/2008 và ngày 11/7/2008 (ngày Hải thay đổi lời khai nhận tội của mình) không có các vi phạm nêu trên. Mặt khác, trong Bản án hình sự sơ thẩm và Bản án hình sự phúc thẩm không viện dẫn, trích các bút lục có vi phạm mà Kháng nghị giám đốc thẩm nêu. Do đó, những sai sót nêu trên không làm thay đổi bản chất vụ án và không cần điều tra lại.

Vụ án Hồ Duy Hải: Không có việc mua dao, thớt để thay thế vật chứng

Hội đồng Thẩm phán cho rằng không cần phải hủy án để điều tra lại vụ án Hồ Duy Hải

HĐTP nhận định, trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, Cơ quan điều tra có một số vi phạm, thiếu sót. Tuy nhiên, những thiếu sót này không làm ảnh hưởng đến việc xác định bản chất vụ án. Một số nội dung kháng nghị là không chính xác và đã được thu thập đầy đủ trong quá trình điều tra nên không cần thiết phải điều tra lại; một số nội dung kháng nghị yêu cầu điều tra lại không có ý nghĩa trong việc chứng minh tội phạm.

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm không có việc bức cung, ép cung, nhục hình, mớm cung đối với Hải, không có cơ sở chứng minh Hải ngoại phạm. Nhiều tình tiết thể hiện chỉ người thực hiện hành vi phạm tội mới có thể đưa ra được lời khai phù hợp với hiện trường vụ án, kết quả giám định và diễn biến sự việc. Những vấn đề kháng nghị nêu ra sau khi được phân tích, lý giải càng làm rõ hơn hành vi phạm tội của Hải.

Do vậy, HĐTP nhận định, không cần thiết phải hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại theo kháng nghị giám đốc thẩm của VKSNDTC.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ án Hồ Duy Hải: Không có việc mua dao, thớt để thay thế vật chứng