Trước rất nhiều bằng chứng chống lại mình, Graham thừa nhận đã đánh bom chuyến bay 629. Các điều tra viên rất sửng sốt trước lời khai rành rọt của Graham, hắn không những tỏ ra thản nhiên mà còn hỗ trợ FBI mọi chi tiết để điều tra.
Ngày 13/11, Graham bị triệu tới Denver để thẩm vấn lần thứ 2 . Đồng thời, cảnh sát đã lùng sục khắp nhà anh ta, từ gara cho đến ô tô. Họ tìm thấy vài sợi dây giống những sợi dây tìm thấy ở hiện trường máy bay rơi. Trong phòng ngủ của Graham, họ tìm thấy một bản thảo hợp đồng bảo hiểm tính mạng khác của bà Daisie trị giá gần 40.000 USD giấu trong ngăn kéo.
Trong hợp đồng này, Graham là người duy nhất được hưởng số tiền bảo hiểm. Nhưng mẹ anh ta chưa và sẽ không bao giờ có thể ký bản hợp đồng nữa, nên nó là một thứ giấy tờ vô giá trị.
Trước rất nhiều bằng chứng chống lại mình, Graham thừa nhận đã đánh bom chuyến bay 629. Theo lời khai của Graham, hắn đã tạo một quả bom bằng 25 thanh thuốc nổ, 2 ngòi nổ, một máy hẹn giờ được tối đa 90 phút và một quả pin nhỏ.
Hắn đã gói chúng như một món quà Giáng sinh và đặt vào hành lý của mẹ trước khi bà rời nhà ra sân bay. Hắn hẹn giờ bom nổ là 90 phút sau và vội vã đưa mẹ ra sân bay, đảm bảo rằng mẹ đã lên máy bay trước khi quả bom phát nổ. Sau đó, hắn ngồi uống cà phê, ăn bánh trong một cửa hàng ở sân bay cho đến khi nghe tin về vụ nổ.
Phiên tòa xử Graham là phiên tòa đầu tiên truyền hình được phép vào phòng xử án
Lời thú tội của Graham làm nước Mỹ chấn động. Thái độ vô cảm, không ăn năn của Graham tiếp tục khiến cảnh sát choáng váng. Dường như hắn còn tỏ ra hào hứng giải thích từng chi tiết nhỏ trong tội ác của mình. Ngày 14/11/1955, Jack Graham bị bắt và bị cáo buộc sát hại 44 người.
Ngày 9/12, phiên tòa xử Graham diễn ra. Báo chí trong nước xin tòa cho phép truyền hình trực tiếp diễn biến phiên xét xử - điều này chưa từng có tiền lệ từ trước.
Tuy nhiên, đề nghị này bị tòa bác bỏ. Nhưng do có quá nhiều người quan tâm đến vụ án này và muốn xem trực tiếp nên quan tòa nhượng bộ bằng cách, cho phép quay phim và sau đó phát lại. Phóng viên được chụp ảnh không có đèn nháy và không được làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Đây là lần đầu truyền hình được phép vào phòng xử án.
Trong khi đó, Graham bất ngờ rút lại lời thú tội và nói rằng hắn chỉ nhận tội vì bị cảnh sát đe dọa. Lúc này, hắn nói chưa bao giờ đặt bom trong hành lý của mẹ và không biết chuyện gì đã xảy ra với chuyến bay 629. Hắn cũng cho biết, cảnh sát bắt hắn ký tên vào lời thú tội viết tay.
Ngày 21/4/1956, Jack Graham khi đó 24 tuổi, trông xanh xao và hốc hác bước vào phòng xử án chật kín người xem và phóng viên. Công tố viên gọi hàng chục nhân chứng, trong đó có các kỹ thuật viên, nhà phân tích vụ nổ, nhà khoa học và nhân viên cảnh sát để họ trình bày những điều phát hiện được trong quá trình điều tra. Trong gần 2 tiếng biện hộ, các luật sư của Graham không thể làm gì nhiều để bảo vệ thân chủ.
Bồi thẩm đoàn cùng nhau thảo luận 1 tiếng 12 phút. Sau đó, Graham bị tuyên án có tội và sẽ bị tử hình. Hắn ta chấp nhận bản án cùng với thái độ vô cảm như khi theo dõi phiên xét xử. Nhưng sau khi gặp giới báo chí, hắn tuyên bố “Tôi vô tội!”
Luật sư của Graham kháng án và xin hoãn ngày hành hình. Graham bị đưa vào nhà tù bang Colorado ở thành phố Canon chờ diễn biến tiếp. Thế rồi hắn đột nhiên viết một bản khai nói: “Tôi chấp nhận bản án và mong muốn bản án được thực hiện càng nhanh càng tốt. Đây là nguyện vọng của tôi”.
Trong thời gian chờ đợi hành hình, hắn đã định tự tử. Tháng 9/1956, cai ngục phát hiện Graham nằm bất tỉnh trong phòng giam. Hắn đã buộc hai chiếc tất quanh cổ và treo người lên song sắt phòng giam. Sau khi được đưa vào viện, hắn đã hồi phục hoàn toàn.
Graham, một trong những kẻ giết người hàng loạt vô cảm nhất nước Mỹ
Vào lúc 20h ngày 11/1/1957, Graham bị xử tử. Hàng chục phóng viên trực quanh nhà tù bang Colorado cả ngày, chờ đợi đưa tin về phút cuối cuộc đời của Graham - kẻ bị cả nước Mỹ căm ghét.
Trước khi chết, Graham được lệnh mặc quần áo tù nhân ngắn do quần áo dài sẽ ngăn khói độc cyanua phát huy tác dụng. Thời đó, bang Colorado xử tử phạm nhân bằng cách đưa họ vào phòng khí độc thay vì treo cổ.
Trong phòng xử tử, Graham ngồi trên ghế kim loại bị buộc dây quanh tay, chân và ngực, trùm mặt nạ đen kín đầu. Sau khi nhận lời ban phước cuối cùng từ viên cai ngục, trong phòng chỉ còn Graham. Khí độc được bơm vào phòng. Không lâu sau, người ta nghe thấy một tiếng hét xé tai, Graham bất tỉnh. Bác sĩ nhà tù nghe nhịp tim Graham bằng ống nghe và cho biết mạch đã ngừng đập.
Không đau buồn, hối hận vì tội ác đã gây ra, không một lời giải thích về sự oán giận chồng chất với người mẹ đẻ ra mình. Graham - một trong những kẻ giết người hàng loạt vô cảm nhất nước Mỹ vẫn còn là một điều khó hiểu đến tận lúc chết.