Vụ án đánh bom kinh hoàng tại Oklahoma - Mỹ (Kỳ 1): Thảm sát

Trâm Anh (Theo TruTV)| 04/07/2014 08:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 19/4/1995, một tiếng nổ lớn bên ngoài tòa nhà Alfred P. Murrah, một góc thành phố Oklahoma bị phá hủy, tất cả chỉ còn lại là đống đổ nát với hàng trăm người bị chết và thương nặng.

Vụ nổ kinh hoàng

 

Ngày 19/4/1995, một chiếc xe tải màu vàng hiệu Ryder Rental chầm chậm tiến vào khu buôn bán của thành phố Oklahoma và đỗ tại khu vực đỗ xe, ngoài tòa nhà Alfred P. Murrah. Vài phút sau, chừng 9 giờ, một tiếng nổ lớn làm nổ tung chiếc xe tải và khiến 1/3 tòa nhà 7 tầng phút chốc thành tro bụi. Nằm lẫn trong đống đổ nát đang cháy âm ỉ là người lớn và trẻ em, người chết, người bị thương. 

 

Các nhân viên cứu hộ lao đến hiện trường gần như ngay tức thì. Các chuyên gia và những tình nguyện viên lao đi tìm kiếm những người bị thương và di chuyển các thi thể xấu số. Không khí im ắng, nặng nề bao trùm hiện trường tới mức các thiết bị dò tìm có thể nhận được tiếng tim đập của những người đang sống sót.

 

Sau 5 giờ đồng hồ tìm kiếm, các thiết bị âm thanh đã định vị được một người phụ nữ bị chôn vùi dưới đống gạch đá. Nạn nhân là Dana Bradley, 20 tuổi. Cô này được phát hiện khi đang khóc cầu cứu với chiếc chân chảy máu bị đè bởi một khối bê tông. Đội cứu hộ không còn cách nào khác để đưa cô ra khỏi đống đổ nát một cách nhanh nhất nhằm giúp cô khỏi bị chảy máu đến chết hoặc bị tòa nhà đổ sập lên người là cắt bỏ chiếc chân đó mặc dù Dana van xin họ tìm một cách khác. Trong khi đó, Giáo sư Gary Massad phải đối mặt với những quyết định khó khăn nhất trong sự nghiệp của mình. Bởi vì thuốc gây mê trong trường hợp này có thể dẫn tới việc mất mạng của nạn nhân. Cuộc phẫu thuật cắt bỏ chân phải được thực hiện khi bệnh nhân phải hoàn toàn tỉnh táo. Đau đớn nhất là Dana Bradley không chỉ mất một chiếc chân trong vụ nổ. Cô còn mất mẹ và hai con nhỏ.

 

Vụ án đánh bom kinh hoàng tại Oklahoma - Mỹ (Kỳ 1): Thảm sát

Tòa nhà Alfred P. Murrah sau vụ đánh bom

 

Hàng trăm câu chuyện thương tâm khác đã xảy ra trong tấm thảm kịch và những người hùng không ngại nguy hiểm lao vào giải cứu những người sống sót đã được báo chí đăng tải trong những ngày sau đó. Vụ nổ đã cướp đi 168 mạng sống và khiến hơn 500 người bị thương.

 

Bắt giữ nghi can

 

Sĩ quan cảnh sát Trooper Charlie Hanger được cử tới thành phố Oklahoma nhận nhiệm vụ kiểm soát tình hình an ninh khu vực xung quanh vụ nổ. Trong lúc đi tuần tra, ông chú ý tới chiếc Mercury Grand Marquis 1977 màu vàng không có biển số đỗ bên đường. Ông nhanh chóng lao ra từ chiếc xe tuần tra của mình yêu cầu người tài xế là Timothy McVeigh ra khỏi chiếc xe cũ màu vàng đó xuất trình giấy tờ. McVeigh giải thích rằng hắn mới mua xe. Khi được hỏi về đăng ký, bảo kiểm hoặc một hóa đơn nào đó chứng minh cho việc mua xe, McVeigh giải thích mọi giấy tờ đang được gửi tới địa chỉ của mình. Sau đó hắn giao nộp bằng lái xe của mình. Viên sĩ quan chú ý tới túi quần phùng to của McVeigh và phát hiện một khẩu súng cùng ổ đạn và một con dao. McVeigh nói rằng anh ta có giấy phép hợp pháp được mang một khẩu súng. Tuy nhiên, viên cảnh sát vẫn còng tay McVeigh, đưa anh ta vào xe cảnh sát và gọi điện về trụ sở và yêu cầu kiểm tra quyền sử dụng súng của đối tượng và về khẩu Glock.

 

Sau khi xác nhận McVeigh không có tiền án, tiền sự, nhân viên cảnh sát tại trụ sở cho biết thêm rằng giấy phép sử dụng súng của McVeigh không hợp pháp ở Oklahoma. Với sự đồng ý của McVeigh, viên cảnh sát tìm kiếm trong chiếc xe nhưng không phát hiện được gì ngoài chiếc mũ chơi bóng chày, một vài dụng cụ và một chiếc phong bì trắng chưa sử dụng. Viên cảnh sát yêu cầu để mọi thứ trong chiếc xe, khóa lại và đưa McVeigh về tạm giam tại quận Noble, Oklahoma.

 

Trên đường về, McVeigh cố gắng giấu một tấm danh thiếp trong xe cảnh sát. Tấm danh thiếp ghi danh là một người cung cấp nhu yếu phẩm cho quân đội có tên Dave Paulson. Trên tấm danh thiếp, McVeigh ghi “TNT /đợt cần thêm” và “Gọi sau ngày 1/5, xem nếu tôi có thể lấy thêm”. Trooper Charlie Hanger nghi ngờ McVeigh là một kẻ buôn bán vũ khí và có thể có liên quan tới vụ đánh bom vừa diễn ra. Và sự nghi ngờ của viên cảnh sát là đúng.

 

Trong trại giam, McVeigh bị cáo buộc phạm 4 tội nhẹ là mang vũ khí trái luật, vận chuyển súng ngắn trong xe, đi xe không biển kiểm soát và không bảo hiểm. Mặc dù các cáo buộc này không nghiêm trọng, McVeigh vẫn phải đợi ngày ra tòa. Thông thường, anh ta sẽ được giải quyết một cách mau lẹ. Nhưng bởi vì thẩm phán Danny G. Allen đang bận với một vụ xử ly hôn nên phiên xử McVeigh bị hoãn lại tới thứ Sáu ngày 21/5. Trong khi McVeigh chờ đợi lặng lẽ trong trại tạm giam, bên ngoài cảnh sát nhanh chóng tiến hành điều tra kỹ về nghi can này. 

 

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ án đánh bom kinh hoàng tại Oklahoma - Mỹ (Kỳ 1): Thảm sát