Vụ án bác sỹ Hoàng Công Lương: Đừng gây sức ép lên Hội đồng xét xử!

Mai Thoa| 28/05/2018 12:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại phiên họp Quốc hội vừa qua, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thể hiện quan điểm của mình về vụ án 9 người chết vì chạy thận ở Hoà Bình, trong đó có bị cáo Hoàng Công Lương.

Vụ án vẫn đang trong quá trình xét xử, và cải cách tư pháp đã trao cho Tòa án thẩm quyền độc lập trong xét xử. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần phải tôn trọng HĐXX và phán quyết của Tòa án.

Vụ án bác sỹ Hoàng Công Lương: Đừng gây sức ép lên Hội đồng xét xử!

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh - Hòa Bình phát biểu ý kiến trước Quốc hội

Bác sỹ Hoàng Công Lương bị khởi tố, truy tố và phải ra Tòa về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Hồ sơ vụ án thể hiện, ngày 29/5/2017, sau khi được điều dưỡng thông báo về việc kết thúc bảo dưỡng, bảo trì đường ống nước chạy thận nhân tạo, bác sĩ Lương đã cho y lệnh lọc máu mà chủ quan không cho kiểm tra lại đường ống nước chạy thận, không báo cáo Trưởng khoa dẫn đến sự cố nghiêm trọng làm 9 người tử vong. Trong phiên xét xử ngày 24/5, Viện kiểm sát đã đưa ra quan điểm luận tội đồng thời đề nghị mức án cho 3 bị cáo, trong đó bác sỹ Hoàng Công Lương bị đề nghị mức án từ 30-36 tháng tù, cho hưởng án treo.

Sau đề xuất này của Viện kiểm sát và mặc dù vụ án vẫn đang trong quá trình xét xử, chưa có phán quyết cuối cùng của HĐXX nhưng dư luận đã phản ứng gay gắt về vấn đề này, cho rằng bác sỹ Hoàng Công Lương vô tội.

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội cho rằng, nếu kết tội bác sỹ Hoàng Công Lương theo cách như vậy rất ảnh hưởng đến ngành Y tế và đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế có ý kiến để rõ thêm về vấn đề này.

Còn Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Tim) nhấn mạnh, đại biểu và cử tri quan tâm đến sự minh bạch, khách quan, công tâm trong xét xử vụ án bác sỹ Hoàng Công Lương. Ông đề cập đến một phần của nội dung vụ án, đó là vấn đề trách nhiệm của bác sỹ Lương được giao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, có phải là người phụ trách đơn nguyên chạy thận nhân tạo trong bệnh viện hay không? “Không thể quy tội cho một người là thiếu trách nhiệm khi họ thực hiện theo một quy trình không có, hay nói đúng hơn mới có từ tháng 4/2018. Không thể quy tội cho một bác sỹ chỉ biết cứu người và kỹ năng họ không được đào tạo, được giao là chuẩn hoá nguồn nước trong quy trình chạy thận nhân tạo” - đại biểu nêu quan điểm.

Một số đại biểu khác cũng có ý kiến xung quanh vụ án này.

Trước đó, sáng 25/5, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, phiên tòa sơ thẩm đang diễn ra và xung quanh có nhiều ý kiến khác nhau nên Bộ vẫn theo dõi sát diễn biến. Với trách nhiệm của mình, Bộ Y tế đã tham gia phối hợp với các cơ quan chức năng suốt quá trình khởi tố vụ án, truy tố đối với bác sỹ Hoàng Công Lương.

Tuy nhiên trên các diễn đàn, không ít ý kiến không đồng tình và cho rằng bác sỹ Hoàng Công Lương thiếu kỹ năng nghề nghiệp cần có của một bác sỹ khiến cho sinh mệnh của 9 bệnh nhân chết một cách oan uổng. Đó là việc mỗi bác sỹ chỉ cần tiêm một mũi kháng sinh thôi cũng phải thử phản ứng thuốc, vậy mà bác sỹ Hoàng Công Lương (dù không phải là người phụ trách đơn nguyên chạy thận của bệnh viện) khi cho vận hành máy chạy thận lọc máu cho hàng chục bệnh nhân lại không quan tâm đến việc đó khi hệ thống máy móc vừa mới được xử lý xong?

Còn nữa, trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa, nhiều người thất vọng khi thấy bị cáo Lương ngoài việc kêu oan và phủ nhận những lời khai đã khai trong bản cung trước đó, chưa một lần nói lời xin lỗi đến các gia đình có bệnh nhân thiệt mạng, điều cần có của bất cứ ai, chứ không riêng gì bác sỹ dù trực tiếp hay gián tiếp gây ra cái chết cho hàng chục bệnh nhân như vậy. Trong khi đây cũng được xem là tình tiết xem xét để giảm nhẹ hình phạt.

Bác sỹ Hoàng Công Lương vô tội hay có tội, vẫn phải chờ Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét trong quá trình tranh tụng tại tòa, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. HĐXX lắng nghe ý kiến của dư luận là điều cần thiết, bởi đôi khi vì nguyên nhân nào đó mà trong hồ sơ chưa phản ánh đầy đủ, toàn diện vụ án, nhưng điều đó không có nghĩa rằng, sức ép của dư luận có thể thay thế được pháp luật. Cải cách tư pháp đã trao cho Tòa án, Thẩm phán thẩm quyền độc lập trong xét xử và đưa ra phán quyết của mình. Vậy nên với bất kỳ ai, kể cả ĐBQH cũng không thể thay Tòa tuyên án, hay chỉ trích cơ quan tố tụng khi vụ án chưa xét xử xong. Bởi điều đó không chỉ gây sức ép cho HĐXX đưa ra phán quyết của mình, mà còn định hướng cho dư luận có thể “hiểu lầm” cơ quan tố tụng một cách không đáng có.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh - Hoà Bình bày tỏ quan điểm: “Sự quan tâm của ĐBQH về những vấn đề của vụ án là rất cần thiết và thể hiện sự trách nhiệm trước Nhà nước và nhân dân. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, nhiều ý kiến có đánh giá và kết luận là vụ án có dấu hiện oan sai hoặc thậm chí dẫn dắt cho dư luận nói là có tội hay không có tội trong khi Tòa án đang xét xử, tôi cho rằng việc như vậy là rất cảm tính và không thực sự thích hợp". Bởi vụ án đang trong quá trình tranh tụng luận tội, Tòa án chưa đưa ra một phán quyết nào, những phát ngôn như vậy không đem lại sự thuận lợi và sự giải quyết đúng đắn về hoạt động xét xử của HĐXX nhân danh Nhà nước. Đại biểu cũng lo ngại khi cho rằng, những ý kiến đó giống như sự định hướng cho dư luận, tạo sức ép không cần thiết lên hoạt động của các cơ quan tố tụng tham gia giải quyết vụ án.

Dẫn ra việc Quốc hội đã ban hành BLHS, BLTTHS và hệ thống các văn bản liên quan chặt chẽ để đảm bảo đủ sức bảo vệ quyền con người và quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho rằng “Nếu ĐBQH thấy có cơ sở và căn cứ giúp cho việc các cơ quan bảo vệ pháp luật làm sáng tỏ vụ việc thì pháp luật có quy định để đại biểu tham gia giải quyết vụ án một cách chính danh”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ án bác sỹ Hoàng Công Lương: Đừng gây sức ép lên Hội đồng xét xử!