Vụ 7 sinh viên ngộ độc rượu: Đã truy ra đầu mối rượu siêu rẻ

Thảo Nguyên| 11/03/2017 16:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 11/3, Sở Y tế Hà Nội đã làm việc với Uỷ ban nhân dân quận Cầu Giấy, nơi có vụ 7 sinh viên nhập viện trong tình trạng nguy kịch, phải lọc máu.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong vụ ngộ độc rượu tập thể này, đến sáng 11/3 có 12 người bị ảnh hưởng, trong đó có 9 người phải ở lại viện để điều trị, 3 người bạn cùng ăn trong bữa nhậu kiểm tra không có bất thường được cho về nhà theo dõi.

Vụ 7 sinh viên ngộ độc rượu: Đã truy ra đầu mối rượu siêu rẻ

Bệnh nhân đang nằm viện tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai gồm 4 nữ và 5 nam

Theo báo cáo của Phòng Y tế quận Cầu Giấy, rượu mà những sinh viên này đã uống được mua tại ngõ 259, phố Yên Hòa. Qua xác minh, ngõ này có 2 cửa hàng tạp hóa bán rượu là số nhà 5B và số nhà 17.

Tại số nhà 5B, đoàn kiểm tra phát hiện khoảng 2 lít rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc nhưng chủ hàng đã cung cấp số điện thoại nơi bán rượu. Theo số điện này, cơ quan điều tra xác minh được đó là rượu Bắc Hùng, tại cụm 8 làng Thủy Hội, xã Tân Hội, Đan Phượng.

Còn tại cửa hàng tạp hoá số 17 ngõ 259 Yên Hoà cũng phát hiện còn 2 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Công an Quận Cầu Giấy đã xác minh nguồn cung rượu cho cửa hang này là bà Nguyễn Thị Hảo (Cự Đà, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) với loại rượu mang nhãn mác “Duy Hảo”.

Theo điều tra của cơ quan công an, đây cũng là đầu mối cung cấp rượu tại một cửa hàng ở chợ Hợp Nhất (phường Trung Kính, quận Cầu Giấy) và nhiều cửa hàng tạp hoá nhỏ có bán rượu trên địa bàn. Đáng nói, rượu bán với giá siêu rẻ, chỉ từ 14 đến 15 nghìn đồng một lít rượu.

Ngay sau sự việc xảy ra, UBND quận Cầu Giấy đã huy động các lực lượng tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh rượu và các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn. Chỉ riêng tại phường Yên Hòa, nơi xảy ra vụ ngộ độc rượu tập thể đến sáng 11/3 đã thu giữ 70 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cơ quan chức năng cũng thu hồi, lấy 3 mẫu rượu lấy tại cửa hàng số 5B, cửa hàng số 17 tại ngõ 259 và khoảng 200ml rượu đựng trong chai nhựa nhỏ tại phòng trọ các sinh viên này ở đã được lấy mẫu và gửi xét nghiệm.

Được biết, hiện nay người cung cấp rượu “Duy Hảo” cho phần lớn các quầy tạp hoá ở Trung Kính cũng đã được cơ quan công an mời làm việc.

Sở Y tế Hà Nội cũng đã đề nghị công an vào cuộc điều tra và cơ quan công an đang có sự phối hợp để điều tra, truy lùng nguồn rượu chết người được bán trên địa bàn Hà Nội thời gian gần đây, với hơn 20 người phải nhập viện từ 26/2/2017 đến nay, trong đó có 2 trường hợp tử vong.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, methanol là một chất cồn, một số thương lái đã dùng chất này hòa tan với nước theo tỉ lệ nhất định để tạo ra rượu bán cho người tiêu dùng (hay còn gọi là rượu giả, rượu bẩn). Việc sử dụng chất này để pha chế rượu vẫn tràn lan và vì thú vui mà nhiều người phải bỏ mạng.

Rượu này uống vẫn có độ cồn, vẫn tạo cảm giác say, nếu uống nhiều sẽ gây hậu quả khôn lường, nhẹ có thể gây tổn thương võng mạc, tổn thương thần kinh thị giác, nặng có thể dẫn đến mù lòa. Trên thực tế, nhiều trường hợp uống rượu có hàm lượng methanol cao đã bị ngộ độc và tử vong.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ 7 sinh viên ngộ độc rượu: Đã truy ra đầu mối rượu siêu rẻ