Vụ 3 bà cháu chết cháy ở Hà Nội: Hiểm hoạ từ những ngôi nhà “không lối thoát”

Nhật Vũ| 02/12/2019 16:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hiện nay, nhiều khu chung cư cũ, thậm chí cả nhà riêng ở Hà Nội đều làm “chuồng cọp” để tăng diện tích sinh hoạt cho gia đình, hoặc để đảm bảo an ninh. Điều này vô tình lại biến thành "thảm họa" khi không may những ngôi nhà đó xảy ra cháy.

Những cái chết thương tâm trong ngôi nhà “chuồng cọp”

Vụ việc 3 bà cháu thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn xảy ra tại căn nhà ở Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội vào sáng 1/12, khiến nhiều người không khỏi xót xa. Dù lực lượng chức năng nhanh chóng có mặt tại hiện trường để khống chế đám cháy cứu người bị nạn, nhưng khi lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường thì cả 3 bà cháu đã tử vong tại khu vực gác xép.

Nạn nhân được xác định là 3 bà cháu gồm: bà Phùng Thị Kim Tâm (SN 1959) và 2 cháu Trịnh Minh Duy (SN 2011), Hà Anh Vũ (SN 2010). Được biết, khi đám cháy bốc lên, 3 bà cháu trong nhà kêu cứu nhưng hàng xóm không làm gì được do nhà ở sâu trong hẻm quá kín, bị khóa nhiều lớp. Họ đã cố gắng thoát ra ngoài nhưng bất thành. Người dân và hàng xóm chỉ biết gọi cứu hỏa và đến khoảng 6h sáng ngày 1/12, đám cháy mới được khống chế.

Trước đó, vào khoảng 16h ngày 18/9/2019, tại “chuồng cọp” thuộc một căn hộ tại khu tập thể Kim Liên, trên phố Hoàng Tích Trí, Đống Đa, Hà Nội cũng bất ngờ bốc cháy khiến nhiều người hoảng loạn tháo chạy.

Vào thời gian trên ngọn lửa bùng cháy tại khu “chuồng cọp” cơi nới căn hộ tầng 4 trong dãy khu tập thể cũ Kim Liên sau đó lan nhanh và bốc thành đám cháy lớn. Đến gần 17h ngày 18/9, đám cháy cơ bản được dập tắt. Mặc dù không có thiệt hại về người, nhưng bên trong các căn hộ, hầu như các tài sản, vật dụng hàng ngày đã bị thiêu rụi hoàn toàn.

Theo những người dân xung quanh, vào thời điểm xảy ra cháy rất may căn hộ trên không có người, khi người lớn đi làm và trẻ em đi học.Tuy nhiên đám cháy xảy ra khiến nhiều người trong những căn hộ bên cạnh hoảng loạn tháo chạy xuống tầng 1 để thoát thân.

Vụ 3 bà cháu chết cháy ở Hà Nội: Hiểm hoạ từ những ngôi nhà “không lối thoát”

Ảnh minh họa

Đây không phải lần đầu tiên cháy nổ xảy ra tại các khu tập thể cơi nới thêm “chuồng cọp”. Thậm chí trước đó, nhiều vụ cháy nổ còn gây thiệt hại về người. Nhiều người hẳn vẫn chưa quên, trong năm 2017, tại Hà Nội đã xảy ra 2 vụ cháy nhà liên tiếp khiến 6 người thiệt mạng. Họ đã có thể được cứu sống, nếu lối thoát hiểm không bị chính chủ nhân bịt kín.

Vụ cháy thứ nhất xảy ra tại ngôi nhà 3 tầng, ngõ 205 đường Xuân Đỉnh (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) khiến cả một gia đình tử vong. Thời điểm đó, bốn người trong gia đình dù phát hiện cháy nhưng không thể thoát ra ngoài do mặt tiền tầng hai và tầng ba không có lối thoát hiểm. Các cửa sổ được hàn song sắt kiên cố, lối lên tầng tum cũng bị khóa chặt. Dù hàng xóm đã nỗ lực phá cửa chính để cứu các nạn nhân nhưng bất thành. Khi lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đến ứng cứu thì cả bốn người đã tử vong vì ngạt khói.

Vụ cháy thứ hai đã lấy đi sinh mạng của 2 mẹ con trong căn hộ tầng 3 của ngôi nhà 4 tầng ở phố Vọng (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Thời điểm lửa bùng phát ở tầng một, trong nhà này có bốn người nhưng chỉ có duy nhất một người kịp thoát ra ngoài theo lối cửa chính. Ba nạn nhân còn lại mắc kẹt ở tầng ba.

Trong khi đó, các tầng hai, ba, bốn của căn nhà này đều bị bịt kín bởi các thanh sắt được hàn kiên cố. Khi cứu nạn, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy phải tiếp cận tầng ba bằng thang, dùng kìm thủy lực cắt các song sắt. Tuy nhiên, lực lượng chức năng chỉ giải cứu được một nạn nhân, hai người còn lại đã không thể thoát nạn vì ngạt khói.

Những vụ việc kể trên chỉ là số ít trong những tai nạn cháy nổ diễn ra tại khu nhà tập thể cơi nới “chuồng cọp”. Mặc dù đã được cảnh báo nhiều lần, nhưng dường như những người dân vẫn chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng có thể xảy ra. Đáng nói là tại những khu tập thể cũ ở Hà Nội, những căn hộ bị biến thành “lồng chim” hay “chuồng cọp” ngày càng nhiều.

Tâm lý “rào chắc” vô tình tự "khóa mạng sống" của chính mình

Bất chấp tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, những “chuồng cọp” vẫn đang tiếp tục mọc lên tại các khu tập thể cũ. Ngay cả một số căn hộ tại các chung cư mới cũng bị quây kín bởi các thanh sắt. Thậm chí, người dân sống ở các nhà kiểu ống độc lập cũng hay cho xây rào sắt dọc ban công từ tầng 2 trở lên. Toàn bộ khoảng trống dành cho việc thoát hiểm khi xảy ra sự cố là khu vực lan can đều bị bịt kín, nếu có xảy ra sự cố, lực lượng chức năng sẽ khó tiếp cận được các căn hộ để xử lý sự cố và giải cứu nạn nhân.

Theo người dân, với thiết kế kiểu này mục đích không phải để mở rộng đất sinh hoạt mà chủ yếu để chống trộm. Như vậy, với tâm lý “rào chắc” vô tình tự "khóa mạng sống" của chính mình, là mối nguy hiểm khi hỏa hoạn xảy ra.

Bên cạnh đó, có một sự thật là hầu hết người dân đều thờ ơ với an toàn phòng cháy chữa cháy, không tự trang bị bình chữa cháy xách tay cho gia đình. Suy nghĩ chủ quan với phòng cháy chữa cháy là căn bệnh chung của nhiều người dân. Đã có nhiều bài học đau xót về về việc bất cẩn trong sinh hoạt gây cháy khiến cả gia đình tử vong, song những hậu quả đó chưa được người dân xem như bài học để tự nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy.

Trước những tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong phòng chống cháy nổ, lực lượng Phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội cũng đã nhiều lần rà soát lập danh sách, tiến hành kiểm tra cụ thể và có các biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở người dân không nên hàn các khung sắt kiên cố ở khu vực ban công, mặt tiền nhà. Bởi việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong cả trường hợp thoát hiểm cũng như công tác cứu hộ khi xảy ra hỏa hoạn. Đồng thời, các gia đình nên lắp đặt các thiết bị báo cháy trong nhà để phát hiện vụ cháy sớm nhất, hoặc các nhà dân liền kề nên bàn bạc với nhau để tạo ra các lối thoát hiểm thông thoáng ở ban công từ nhà này sang nhà khác, đề phòng trường hợp xảy ra hỏa hoạn, có thể trợ giúp nhau.

Có thể thấy, về mặt an ninh, việc làm “chuồng cọp” là tốt. Tuy nhiên, khi xảy ra hỏa hoạn nạn nhân sẽ không thoát ra được. Cơ quan công an cũng khuyến cáo, người dân nên chủ động mở lối thoát hiểm ở ban công, không nên bịt kín. Nếu đã lắp thì nên làm cửa cho “chuồng cọp”, ô cửa có khóa và để chìa khóa ở nơi dễ lấy. Khi xảy ra cháy, có thể thông qua các ô cửa này thoát ra ngoài bằng dây thừng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ 3 bà cháu chết cháy ở Hà Nội: Hiểm hoạ từ những ngôi nhà “không lối thoát”