Sở Công Thương Hà Nội công bố một số liệu đáng chú ý là số người tham gia bán hàng đa cấp tại Hà Nội trong 6 tháng giảm gần 50%.
Để cụ thể hơn cơ quan quản lý của thành phố cho biết, cuối năm 2015 Hà Nội có 201.400 người tham gia bán hàng đa cấp nhưng đến hết tháng 6/2016 chỉ còn gần 107.500 người tham gia đường dây bán hàng được coi là siêu lợi nhuận này.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Cảnh sát kinh tế, hàng loạt doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo bằng đa cấp đã bị xử lý và mức cao nhất là thu hồi giấy phép hoạt động. Đến hết tháng 11, Hà Nội đã xóa sổ 21 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp, thành phố chỉ còn 36 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa cấp được cấp phép.
Đáng chú ý trong 21 doanh nghiệp dừng hoạt động, có 11 doanh nghiệp bị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, 8 doanh nghiệp thông báo chấm dứt hoạt động và 2 doanh nghiệp thông báo tạm ngừng hoạt động.
Tính ra từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã tiến hành thanh tra 6 doanh nghiệp; kiểm tra 45 doanh nghiệp, 5 cơ sở kinh doanh - vốn là địa điểm bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy; kiểm tra việc tổ chức hội nghị, hội thảo về bán hàng đa cấp tại địa bàn. Qua đó, các cơ quan có thẩm quyền đã kiến nghị Cục Quản lý cạnh tranh thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 2 doanh nghiệp; xử phạt vi phạm hành chính 22 doanh nghiệp và 5 địa điểm hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy… với tổng số tiền xử phạt hành chính là gần 1,6 tỷ đồng…
Cơ quan quản lý đánh giá, hoạt động bán hàng đa cấp ở Hà Nội có các vi phạm phổ biến như doanh nghiệp bán hàng theo phương thức đa cấp nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; doanh nghiệp sử dụng phương thức đa cấp để kinh doanh dịch vụ hoặc huy động tài chính... Đây là những hoạt động bị cấm có thể coi là tội phạm và phải bị xem xét xử lý hình sự. Trên thực tế, nhiều sai phạm theo hình thức trên đã bị cơ quan chức năng điều tra…
Không khó khăn để nhận biết nguyên nhân phát sinh hàng loạt vụ lừa đảo đa cấp chính là do thiếu thông tin thị trường hoặc thông tin bị bóp méo và những biến tướng từ kinh doanh thuần túy sang kinh doanh đa cấp. Vì vậy, nhiều công ty đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết và lòng tham lợi nhuận cao, lại nhanh chóng của kinh doanh đa cấp khiến nhiều người dân tham gia. Hàng vạn người bị lôi kéo tham gia khiến họ vừa là nạn nhân vừa là đồng phạm của kinh doanh đa cấp.
Trong khi đó, cơ quan quản lý không thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên, chặt chẽ các hoạt động liên quan bán hàng đa cấp nên “mất bò mới lo làm chuồng”. Đáng quan ngại nhất là hoạt động quảng cáo của bán hàng đa cấp từng diễn ra rất rầm rộ. Đã có quan chức cao cấp bị mắc lỡm khi vô tình rơi vào bẫy đa cấp khi có mặt, thậm chí có phát biểu “động viên” hoạt động nặng mùi lừa đảo này.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số quy định liên quan đến hoạt động này còn chưa chặt chẽ, chưa rõ ràng, không phù hợp thực tế nên gây khó khăn cho công tác quản lý đối với hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương… Chế tài xử phạt với hành vi vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe (cao nhất là 200 triệu đồng). Quy định về “độc quyền” xử phạt hành chính đối với lĩnh vực kinh doanh bán hàng đa cấp khiến thủ tục phức tạp và tốn nhiều thời gian đã hạn chế kết quả xử lý.
Bộ Công Thương đang trong quá trình lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 42/2014/NĐ-CP để trình Chính phủ sớm ban hành với các định hướng cơ bản như minh bạch hóa hoạt động bán hàng đa cấp; nâng cao thẩm quyền của cơ quan quản lý ở địa phương đối với hoạt động bán hàng đa cấp...