Vợ chồng nhân viên bị giám đốc sa thải vì tố cáo tiêu cực thắng vụ kiện hy hữu

Tuấn Anh| 16/07/2016 07:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau 2 năm đeo đuổi vụ kiện để giành lại quyền được làm việc, người phụ nữ chống tiêu cực ở Cà Mau và chồng sắp được trở lại trung tâm thể thao làm việc.

Hai vợ chồng bất ngờ mất việc vì tố “sếp”

Những ngày qua, chị Trần Thị Ngọc Tuyền và anh Nguyễn Phương Đông (ngụ phường 8, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau) nhận được hàng trăm cuộc điện thoại của bạn bè chúc mừng vụ thắng kiện Trung tâm Thể dục thể thao (TDTT) tỉnh Cà Mau ở 2 cấp tòa.

Nguyên đơn kể, 13 năm trước chị Tuyền xin được việc tại Sở TDTT tỉnh Cà Mau. Sáu năm sau, nữ nhân viên này được điều động về Trung tâm TDTT, ký hợp đồng lao động không thời hạn với đơn vị này và được lãnh đạo giao làm kế toán từ năm 2011.

Vợ chồng nhân viên bị giám đốc sa thải vì tố cáo tiêu cực thắng vụ kiện hy hữu

Vợ chồng chị Tuyền cùng bị mất việc suốt 2 năm.

Từ công việc của mình, năm 2013, nữ kế toán phát hiện Giám đốc Trung tâm TDTT Trần Thế Giang và một lãnh đạo sử dụng tiền ngân sách đi dự khai mạc Sea Games 27 tại Myanmar với tư cách cá nhân. Ngoài nội dung này, chị Tuyền còn tố cáo ông Giang khai man lý lịch.

Sau khi chị Tuyền công khai chống tiêu cực, người phụ nữ này bị lãnh đạo cơ quan điều chuyển xuống Phòng Quản lý khai thác làm nhân viên. Tiếp theo, chị được đưa sang Câu lạc bộ bóng đá để "ngồi chơi xơi nước".

Trong thời gian này, ông Giang với vị lãnh đạo Sở đã dùng tiền cá nhân nộp trả cho Trung tâm thể thao. Tháng 6/2015, cán bộ này bị Đảng bộ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cà Mau kỷ luật Đảng với hình thức khiển trách vì khai lý lịch chưa trung thực về lịch sử chính trị của cha ruột. Về mặt chính quyền, ông Giang bị cho thôi chức Giám đốc.

Trước khi rời Trung tâm thể thao, ông Giang đã ký 2 quyết định sa thải và chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị Tuyền và chồng là anh Nguyễn Phương Đông (làm ở Câu lạc bộ bóng đá). Theo lãnh đạo trung tâm, chị Tuyền "gây rối" cơ quan, không dự họp kỷ luật dù đơn vị có thư mời nên phải kỷ luật nặng. Còn anh Đông, trung tâm cho rằng cán bộ này thuộc trường hợp lao động "dôi dư".

Bị "trả thù cá nhân" nên làm đơn khởi kiện

Vợ chồng chị Tuyền cho rằng, họ bị ông Giang "trả thù cá nhân" nên làm đơn khởi kiện Trung tâm TDTT. Tháng 3/2016, TAND TP Cà Mau xử sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu của vợ chồng chị Tuyền, buộc Trung tâm TDTT phải nhận hai người làm việc trở lại và bồi thường tiền lương mà người lao động bị mất.

Không đồng tình với phán quyết của cấp sơ thẩm, bị đơn kháng cáo nhưng không được cấp phúc thẩm chấp nhận. Ngoài số tiền lương trên 110 triệu đồng (cho cả 2 vợ chồng), Trung tâm TDTT Cà Mau còn bị hai cấp tòa buộc truy đóng các khoản bảo hiểm cho 2 nguyên đơn với số tiền khoảng 40 triệu đồng.

Vợ chồng nhân viên bị giám đốc sa thải vì tố cáo tiêu cực thắng vụ kiện hy hữu

Quyết định sa thải trái luật đối với chị Tuyền do ông Giang ký

"Lúc cả hai mới bị mất việc, cuộc sống vợ chồng tôi gặp nhiều khó khăn vì không có tiền lương. Chính vì chống tiêu cực mà cơ quan đẩy vợ chồng tôi vào đường cùng, phải đi mua giấy vụn để bán lại nhằm kiếm tiền nuôi hai con nhỏ", chị Tuyền nói.

Được bạn bè động viên và luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn Luật sư TP. HCM) trợ giúp pháp lý, vợ chồng chị Tuyền khởi kiện Trung tâm TDTT để giành lại quyền lợi chính đáng. Chính cách hành xử trái luật của bị đơn khi ra các quyết định buộc người lao động thôi việc nên Trung tâm TDTT thua kiện.

"Có công việc kinh doanh tốt nhưng vợ chồng tôi vẫn trở lại Trung tâm TDTT làm việc vì đây là uy tín, danh dự của mình", anh Đông chia sẻ. Hiện, vợ chồng nữ nguyên đơn vẫn đi thu mua giấy vụn hàng ngày. Mới đây, cuộc sống của họ tạm ổn định khi ký được hợp đồng cung cấp giấy vụn dài hạn của một siêu thị ở TP. Cà Mau.

Trao đổi với PV, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, cho biết bản án phúc thẩm của Tòa án đã có hiệu lực thì Trung tâm TDTT phải nhận vợ chồng chị Tuyền vào làm việc trở lại và khôi phục các quyền lợi liên quan của người lao động.

"Nhận chị Tuyền và anh Đông trở lại cơ quan tức là trung tâm đã làm đúng pháp luật", tân Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cà Mau nói.

Diễn biến phiên tòa

Trước đó, sáng 8/7, TAND tỉnh Cà Mau tuyên bác kháng cáo của Trung tâm Thể dục thể thao (TDTT) tỉnh Cà Mau, buộc đơn vị này phải nhận lại người lao động là chị Trần Thị Ngọc Tuyền. Trung tâm TDTT Cà Mau còn bị buộc truy trả tiền lương cho nguyên đơn trên 60 triệu đồng.

Một ngày trước, chồng chị Tuyền là anh Nguyễn Phương Đông cũng thắng kiện Trung tâm TDTT tại phiên xử phúc thẩm. TAND tỉnh Cà Mau buộc Trung tâm nhận lại anh Đông do buộc người lao động nghỉ việc trái luật và bồi thường tiền lương trên 50 triệu đồng.

Theo hồ sơ tố tụng, cuối năm 2013, chị Tuyền phát hiện lãnh đạo Trung tâm TDTT Cà Mau xét tuyển biên chế sai nên nữ kế toán này làm đơn tố cáo. Sau đó, chị Tuyền còn tố ông Trần Thế Giang (nguyên Giám đốc Trung tâm TDTT) sử dụng tiền của đơn vị đi dự khai mạc Sea Games 27 tại Myanmar với tư cách cá nhân. Ông Giang còn bị người lao động phanh phui chuyện khai man lý lịch để được kết nạp Đảng.

Sau khi chị Tuyền tố cáo, ông Giang dùng tiền cá nhân nộp trả cho đơn vị. Cơ quan chức năng cũng phát hiện ông này không trung thực khi khai lý lịch nên Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cà Mau cho thôi chức Giám đốc Trung tâm TDTT.

Trước khi nghỉ việc, ông Giang đã ký quyết định sa thải chị Tuyền vào ngày 16/9/2014, mà không nêu lý do. Chín ngày sau, chồng chị này là anh Đông cũng bị chấm dứt hợp đồng lao động vì Trung tâm TDTT cho rằng anh này là lao động "dôi dư".

Không đồng ý với cách giải quyết của lãnh đạo đơn vị, vợ chồng chị Tuyền cùng khởi kiện Trung tâm TDTT Cà Mau. Tháng 3/2016, TAND TP. Cà Mau tuyên vợ chồng chị Tuyền thắng kiện nhưng bản án bị Trung tâm TDTT kháng cáo.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn Luật sư TP. HCM, bảo vệ quyền lợi cho anh Đông) cho biết, trước đây, anh Đông từng được xét tuyển đặc cách nhưng do quy trình thủ tục không đúng nên mới hoãn lại. Điều này có nghĩa là anh Đông thuộc diện được xét tuyển chứ không phải lao động dôi dư. Điều này đã được HĐXX phúc thẩm chấp nhận.

Đối với chị Tuyền, cấp phúc thẩm nhận định, căn cứ mà Trung tâm TDTT cho rằng nữ nhân viên này bỏ việc 5 ngày là chưa chính xác, vì sổ chấm công chỉ thể hiện chị Tuyền vắng 2 ngày nhưng không nêu rõ lý do. 3 ngày còn lại chị Tuyền được cho là "gây rối" vì khiếu nại thuộc trường hợp chưa nghiêm trọng đến mức bị xử lý vi phạm hành chính.

"Trung tâm cho rằng nơi đây giao thông báo cho bà Tuyền 3 lần nhưng bà không đến dự họp thì không có tài liệu chứng minh… Hành động “gây rối” của bà Tuyền là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đây không thuộc trường hợp bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải", HĐXX phúc thẩm đánh giá.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vợ chồng nhân viên bị giám đốc sa thải vì tố cáo tiêu cực thắng vụ kiện hy hữu