VNA - Chuyện khó hiểu

Bảo Dân| 13/08/2014 11:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hãng tàu bay quốc gia (VNA) đang nhức đầu vì tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến bay, nay lại nổi tiếng vì làm ăn bết bát nhưng vẫn nằng nặc xin cơ chế ưu đãi đến mức không thể chấp nhận.

VNA - Chuyện khó hiểu

 

Hiện nay, Vietnam Airlines là hãng hàng không có thị phần lớn nhất ở Việt Nam - Ảnh: Anh Quân

 

Theo báo cáo  của VNA, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt gần 28.000 tỉ đồng, hụt 1,5% kế hoạch. Tuy doanh thu cao như vậy nhưng lợi nhuận trước thuế của VNA dự kiến chỉ đạt 100 tỉ đồng. Các chuyên gia chỉ ra rằng ở VNA, tỷ suất lợi nhuận trên vốn sở hữu, trên tổng vốn tài sản hiện có và tỷ suất sinh lời trên doanh thu đều quá thấp.

Với rất nhiều ưu đãi được hưởng như độc quyền hàng không, giữ lại toàn bộ nguồn thu sau phát hành cổ phiếu CPH, tiếp tục được bảo lãnh miễn phí để vay... thế nhưng VNA lại có lợi nhuận sụt giảm như vậy thì phải xem lại cách làm ăn cũng như năng lực điều hành quản lý của hãng này.

Một số chuyên gia kinh tế tỏ ý băn khoăn vì chi phí cao của VNA khiến lợi nhuận giảm. Chẳng hạn việc xây dựng một phòng chờ 5 sao dành cho khách VIP ngay tại sân bay Nội Bài được các chuyên gia cho là đầu tư “quái đản”, siêu lãng phí. Các chi phí này cần được kiểm toán cụ thể, nếu gia tăng chi phí để lợi nhuận thấp đi còn xin ưu đãi là không chấp nhận được. Người ta nhớ đến một số DNNN tính cả tiền mua thẻ chơi golf, thuê sân golf, thuê khách sạn, xây biệt thự, sân tenis, bể bơi… vào chi phí.

Dự báo lợi nhuận còn sụt giảm nên VNA đã xin giảm giá  dịch vụ hàng không, xin giảm thuế xuất nhập khẩu xăng dầu... mà thực chất là xin thêm tiền của Nhà nước.

Các chuyên gia cho rằng đây là kiểu kinh doanh độc quyền theo bổn cũ “biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp”. Lời thì đút túi, lỗ thì xin ưu đãi là chuyện của  DNNN độc quyền.

Chuyên gia đề xuất cách xử lý triệt để là phải cổ phần hóa (CPH), bán cổ phần tới mức Nhà nước nắm giữ dưới 50% và thay bộ máy lãnh đạo. Một chiếc tàu bay hiện đại, đắt tiền, được quyền bay ngang bay dọc mà giao cho phi công kém cỏi thì lỗ vẫn còn là may.

 

Nhiều chuyên gia đều chung nhận định một điều, nếu còn độc quyền thì thị trường hàng không sẽ không thể phát triển được. Không thể chấp nhận chất lượng dịch vụ giảm mà giá cả ngày càng đắt. Yêu cầu mở cửa bầu trời đã trở nên cấp bách nhằm  phá thế độc quyền của VNA.

Mới đây có thông tin là hiện còn 84 DNNN lừng khừng không chịu CPH, thậm chí chưa hề có động thái chuẩn bị nào cho nhiệm vụ này. Truy nguyên lý do người ta bỗng dưng muốn khóc vì ở các DN này là các quan chức ở phút 85-89 để nghỉ hưu muốn tại vị cho đến khi hạ cánh. DN sống chết mặc bay đợi thày nghỉ hưu đã rồi muốn làm gì thì làm.

Chuyện khó hiểu kiểu hãng tàu bay quốc gia xin ưu đãi nặng mùi bao cấp muốn níu kéo dài dài thời kỳ xin cho, ghìm bước tiến của cải tổ. Hãy cho một hồi còi và những thẻ đỏ là xong chuyện! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
VNA - Chuyện khó hiểu