Tin địa phương

Vĩnh Phúc: Hành trình chuyển đổi số vì người dân, doanh nghiệp

Thái Tôn 18/09/2024 - 17:30

Trong những năm gần đây, quá trình chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh Vĩnh Phúc đã được triển khai một cách quyết liệt và đồng bộ. Với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện nhiều giải pháp, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

anh-8.jpg
Chuyển đổi số góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Những bước đi vững chắc trong chuyển đổi số

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc chuyển đổi số trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của mỗi tỉnh, thành phố trên cả nước. Tỉnh Vĩnh Phúc không nằm ngoài xu thế này, và đã triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực.

Đến nay, Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. 100% đơn vị trường học, cơ sở khám chữa bệnh công lập đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. 10.823/42.547 người hưởng chế độ lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng không còn sử dụng tiền mặt. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai nhiều mô hình CĐS hiệu quả như thông báo lưu trú ASM, thu phí dịch vụ đón trả khách không dùng tiền mặt.

Đặc biệt, tỉnh Vĩnh Phúc đã có 1.865 thủ tục hành chính (TTHC) dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình và một phần, trong đó đã đồng bộ 1.294 DVC trực tuyến tích hợp trên Cổng DVC quốc gia. Nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung của tỉnh được xây dựng hoàn thành, kết nối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Đồng thời, 100% các sở, ngành của tỉnh đã triển khai ứng dụng chữ ký số trong hoạt động chuyên môn.

Trong lĩnh vực y tế, kết quả bước đầu của quá trình chuyển đổi số đã mang lại nhiều tiện ích, thuận lợi cho người dân khi khám, chữa bệnh. 100% cơ sở y tế đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt, phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân được triển khai tại 159 cơ sở y tế với hơn 746 nghìn sổ khám bệnh điện tử.

anh-9.jpg
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước.

Định hướng đẩy mạnh chuyển đổi số

Để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trong năm 2024 với tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào việc xây dựng hạ tầng số, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

Phấn đấu đến cuối năm 2024, 100% hồ sơ TTHC được tiếp nhận, giải quyết trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh và Cổng DVC Quốc gia; tỷ trọng kinh tế số đạt trên 20% GRDP; tỷ trọng doanh nghiệp sử dụng thương mại điện tử đạt 80%.

Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho người dân; đẩy mạnh tương tác trực tuyến giữa cơ quan Nhà nước và người dân, doanh nghiệp; phát triển các mô hình hợp tác công - tư; thu hút nguồn nhân lực chuyên gia công nghệ số; đồng thời chủ động nghiên cứu, hợp tác, học tập kinh nghiệm về chuyển đổi số với các địa phương khác.

Với những nỗ lực không ngừng, Vĩnh Phúc đang từng bước trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước trong quá trình chuyển đổi số, mang lại nhiều giá trị mới, tiện ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh Phúc: Hành trình chuyển đổi số vì người dân, doanh nghiệp