Với mục tiêu đến 2030, dịch vụ du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Vĩnh Phúc đang phấn đấu trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước; thu hút trên 10 triệu lượt khách/năm, trong đó khách quốc tế đạt trên 100.000 lượt.
Vĩnh Phúc đã và đang xây dựng Chương trình hành động với mục tiêu đầu tư phát triển du lịch mang tính cạnh tranh cao, bền vững, phát huy lợi thế về du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái. Nâng cao chất lượng các dịch vụ, sản phẩm du lịch và hạ tầng du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.
Mục tiêu cụ thể
Triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 41-CTr/TU ngày 31/12/2017 của BCH Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 24/10/2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch hành động số 8275/KH-UBND về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Mục tiêu của Kế hoạch số 8275 là phát triển du lịch Vĩnh Phúc nhanh và bền vững để đến năm 2020 du lịch thực sự trở thành điểm đến của Việt Nam và quốc tế. Khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch trong đó lấy du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch thể thao (golftour) làm mũi nhọn; du lịch văn hóa, lịch sử, cách mạng làm nền tảng.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch nhất là phương tiện vận tải, cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng du lịch chất lượng cao; không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng các sản phẩm du lịch, chú trọng các sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương, có tính hấp dẫn cao để thu hút khách thăm quan du lịch.
Đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật về du lịch bổ sung kịp thời cho các cơ quan quản lý và các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch trên địa bàn.
Phấn đấu đến năm 2020 đón 6.500.000 lượt khách/năm, trong đó 50.000 lượt khách quốc tế/năm. Tốc độ tăng trưởng khách quốc tế là 15%/năm, khách nội địa là 20%/năm. Doanh thu, dự kiến đến năm 2020 đạt 2.600 tỷ đồng/năm tăng bình quân 12,7%/năm. Tạo được việc làm cho 28.500 lao động (tăng 9.000 lao động), trong đó giải quyết việc làm cho 10.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch.Đội ngũ lao động ngành du lịch qua đào tạo đạt trên 75%.
Khu du lịch sinh thái Đảo Ngọc (Hồ Đại Lải) tiềm năng đang được khai phá
Mục tiêu đến 2030, dịch vụ du lịch phát triển đột phá để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Xây dựng Vĩnh Phúc trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước; thu hút trên 10 triệu lượt khách/năm, trong đó khách quốc tế đạt trên 100.000 lượt khách/năm.
Giải pháp sát thực
Để thực hiện tốt Nghị quyết 08, Chương trình hành động số 41, Kế hoạch 8275 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra những giải pháp sát thực tế. Trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao ý trong xây dựng, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa trong phát triển du lịch gắn với việc bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, tỉnh cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, trong đó, xây dựng đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các khu du lịch trọng điểm của tỉnh.
Đồng thời, tập trung phát triển thị trường và sản phẩm du lịch. Khi xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch chủ yếu tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm du lịch văn hóa, lễ hội, tâm linh, các di tích, danh thắng và du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch thể thao Golf, du lịch hội nghị - hội thảo.
Tỉnh tiếp tục bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách, trước mắt, ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào các địa bàn trọng điểm, vùng có tiềm năng du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù; tăng cường hợp tác công - tư để huy động các nguồn lực hỗ trợ phát triển du lịch đặc biệt là cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng....
Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất ngành du lịch. Đặc biệt, đầu tư phát triển kết nối hạ tầng giao thông tại các địa bàn trọng điểm, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và đảm bảo an toàn giao thông cho khách du lịch.
Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch gắn liền với đổi mới cách thức, nội dung, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp và nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.
Với những mục tiêu, giải pháp cụ thể, sát thực, tin tưởng rằng ngành du lịch Vĩnh Phúc sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới.