Vĩnh Long cần đẩy mạnh các hoạt động đột phá chiến lược về kinh tế

Ngọc Mai| 23/07/2019 10:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, hạn chế hiện nay của Vĩnh Long vẫn là quy mô kinh tế. Để tạo nguồn thu bền vững, tỉnh cần chú ý đẩy mạnh các hoạt động đột phá chiến lược về kinh tế.

Vĩnh Long cần đẩy mạnh các hoạt động đột phá chiến lược về kinh tế

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi làm việc

Chiều 22/7, tại tỉnh Vĩnh Long, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác đã làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Vĩnh Long.

Cùng tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội-Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung...

Vĩnh Long còn gặp một số hạn chế và khó khăn

Báo cáo với Đoàn công tác về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 6.2019, Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Rón cho biết, về kinh tế, tăng trưởng bình quân 3 năm (2016 - 2018) đạt 6,3%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 44,8 triệu đồng, tăng 1,3 lần so với năm 2015. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 6.602 tỷ đồng, đạt 47,84% chỉ tiêu Nghị quyết, tăng 13,7% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 3.492 tỷ đồng, đạt 56,59% chỉ tiêu Nghị quyết và tăng 15,38% so với cùng kỳ.

Về xây dựng nông thôn mới, hiện toàn tỉnh có 45/89 xã đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 50,56%. Trong năm 2019 phấn đấu đạt thêm 6 xã. Về văn hóa, xã hội, Vĩnh Long đã thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Toàn tỉnh có 2.867 mẹ Việt Nam anh hùng, trong có có 174 Mẹ còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời; cơ bản giải quyết xong hồ sơ liệt sỹ tồn đọng.

Các chính sách bảo trợ xã hội được quan tâm thực hiện tốt. Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đạt nhiều kết quả quan trọng. Toàn tỉnh cũng đã giải quyết việc làm cho 79.068 lao động, đạt 83,23% chỉ tiêu Nghị quyêt, trong đó đưa 3.222 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, đạt 80,55% kế hoạch. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm cao hơn Nghị quyết đề ra, bình quân mỗi năm giảm 1,18% (Nghị quyết là giảm 1%/năm).

Về quốc phòng, an ninh, toàn tỉnh đã xây dựng lực lượng vũ trang theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Công tác lãnh đạo thực hiện tốt bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời giải quyết những vấn đề nổi lên về an ninh trật tự tại cơ sở.

Tỉnh ủy Vĩnh Long đã ban hành Công văn số 1468-CV/TU về công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là “tham nhũng vặt” trên địa bàn tỉnh và Công văn số 1515-CV/TƯ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đi đôi với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thực hiện hiệu quả công tác điều tra khám phá án, khởi tố bị can.

Về xây dựng hệ thống chính trị, Vĩnh Long triển khai, quán triệt kịp thời các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương. Thực hiện nghiêm công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. 3 năm 2016-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo, gợi ý kiểm điểm 38 tập thể, 10 cá nhân. 6 tháng đầu năm nay, các cấp ủy thực hiện tốt công tác nhận xét đánh giá, kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Toàn tỉnh đã hoàn thành kiểm điểm 47 tập thể, 36 cá nhân. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời công tác cán bộ; kết nạp 481 đảng viên đạt 40% chỉ tiêu Nghị quyết; xóa tên 43 đảng viên; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện đúng chương trình, kế hoạch đề ra…

Tuy nhiên, Vĩnh Long vẫn còn gặp một số hạn chế và khó khăn. Tại cuộc làm việc, tỉnh Vĩnh Long kiến nghị, Trung ương quan tâm sớm triển khai hoàn thành tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ; quan tâm đến các tuyến giao thông thủy, cảng biển quan trọng như kênh chợ gạo, cảng Cái Cui... để nâng cao chất lượng, đồng bộ về cơ sở hạ tầng, phát triển logistic, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phát triển của các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sớm ban hành Nghị định hướng đẫn thực hiện theo Luật Quy hoạch (mới); đồng thời, quan tâm hỗ trợ các địa phương có thể lựa chọn chính xác đơn vị tư vấn thực hiện (do Luật Quy hoạch mới có rất nhiều thay đổi, mức độ yêu cầu cao hơn trước). Đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đối với lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo…

Đẩy mạnh các hoạt động đột phá chiến lược về kinh tế

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội cho rằng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, nhân dân Vĩnh Long luôn đi đầu, hiện là địa bàn thực hiện tốt chính sách người có công.

Toàn tỉnh có 2.867 mẹ Việt Nam Anh hùng, trong có 174 mẹ còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời. Vĩnh Long cơ bản giải quyết xong hồ sơ liệt sỹ tồn đọng.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long thời gian qua. Kinh tế phát triển ổn định. Sản xuất chuyển biến tích cực, phù hợp với điều kiện tự nhiên.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Vĩnh Long duy trì nằm trong nhóm đầu của cả nước. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được quan tâm. Quốc phòng an ninh được giữ vững.

Vĩnh Long hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của cả nhiệm kỳ. Đời sống xã hội trên địa bàn khởi sắc hơn. Các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội được quan tâm thực hiện tốt. Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt kết quả, xuất khẩu lao động đạt kết quả cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, giữ vững.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, ở giữa hai cây cầu Mỹ Thuận và Cần Thơ, Vĩnh Long có lợi thế phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, nông nghiệp của tỉnh phát triển chưa bền vững, tỉnh chưa hình thành rõ nét chuỗi giá trị cũng như thương hiệu mạnh cho một số mặt hàng nông sản chủ lực. Do đó, tỉnh cần nghiên cứu cải tiến mẫu mã hàng hóa, xây dựng thương hiệu để tham gia thị trường.

Cơ bản nhất trí với giải pháp, nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Vĩnh Long cần quán triệt tốt các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh, tập trung làm tốt nhiệm vụ then chốt là công tác xây dựng Đảng. Trong đó, trước mắt là công tác tư tưởng, tuyên giáo, tổ chức bộ máy và cán bộ, công tác kiểm tra, dân vận.

Tỉnh phải quán triệt thực hiện tốt nhiệm vụ này; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị thực sự trong sạch vững mạnh. Tỉnh coi trọng vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị; đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ có đầy đủ phẩm chất và năng lực chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh đột phá chiến lược phát triển kinh tế gắn với cơ cấu lại kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; phấn đấu là tỉnh có quy mô kinh tế khá khi hết nhiệm kỳ này.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hạn chế hiện nay của Vĩnh Long vẫn là quy mô kinh tế. Để tạo nguồn thu bền vững, tỉnh chú ý đẩy mạnh các hoạt động đột phá chiến lược về kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng Vĩnh Long cần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với tập trung tích tụ đất đai, khoa học kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, chế biến sâu và tạo ra những thương phẩm có giá trị gia tăng lớn.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trong thu hút đầu tư, nhất là khi có dự án lớn, tỉnh cần thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; chú trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, công nghệ hiện đại, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của các doanh nghiệp trẻ.

Trong thực hiện nghị quyết Trung ương, Vĩnh Long chú ý quan tâm để kinh tế tư nhân phát triển, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện cả nước có tới khoảng 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉ có 3% là doanh nghiệp lớn. Do đó, tỉnh cần chăm lo doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như phát triển thành phần kinh tế tư nhân theo đúng chủ trương của Nghị quyết Trung ương.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Vĩnh Long tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; công tác bảo vệ chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân; công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em; tập trung giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là bảo đảm an sinh xã hội, chú ý thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng, không để người có công với cách mạng có đời sống, thu nhập thấp hơn những gia đình ở nơi cư trú.

Cùng với đó, tỉnh chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, tăng cường hoàn thiện các thiết chế văn hóa tại cơ sở, nhân rộng các mô hình tốt, hiệu quả.

Trong hội nhập kinh tế quốc tế, theo Chủ tịch Quốc hội, trong khi Việt Nam tham gia, ký kết tham gia các công ước quốc tế, hiệp định thương mại tự do dễ tác động tới từng địa phương, từng doanh nghiệp.

Hội nhập quốc tế sẽ tác động đến nền kinh tế đất nước, do đó phải tuyên truyền cả mặt thuận lợi và khó khăn, thách thức, từ đó bắt buộc các doanh nghiệp phải đứng trước sự lựa chọn để tiếp tục phát triển và tham gia vào thị trường kinh doanh.

Ủng hộ Chính phủ trong bố trí nguồn lực thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP

Ghi nhận các kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh về tuyến cao tốc Trung Lương-Cần Thơ và hạ tầng kết nối, Quốc hội, Chính phủ đang cố gắng tháo gỡ vướng mắc để cho thông tuyến đến cầu Mỹ Thuận 2.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ; sẽ đôn đốc, thúc đẩy, giám sát và tham gia xử lý những vướng mắc theo thẩm quyền.

Về đề xuất dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 53, Quốc lộ 54 đoạn qua địa bàn tỉnh Vĩnh Long, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội chú ý để đảm bảo phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc Quốc hội giao và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét cho ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng hiện nay Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và Quyết định 593/QĐ-CP ngày 06/4/2016 về quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế-xã hội Vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020.

Về đề xuất của tỉnh liên quan đến triển khai thực hiện Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là những vấn đề có ý nghĩa hết sức cấp bách, quan trọng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Quốc hội ủng hộ Chính phủ trong bố trí nguồn lực thực hiện Nghị quyết này.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng với bề dày truyền thống lịch sử, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Vĩnh Long tiếp tục phát huy truyền thống đạt được, nỗ lực khắc phục những tồn tại hạn chế để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, tạo đà cho sự phát triển tiếp theo.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác đã tặng kinh phí xây cầu cho hai xã khó khăn và 200 suất quà, học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh Long cần đẩy mạnh các hoạt động đột phá chiến lược về kinh tế