Nhằm hiện thực hóa tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, NHNN trong việc đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản suất kinh doanh sau dịch bệnh, VietinBank đã triển khai các giải pháp thiết thực, hiệu quả để cùng doanh nghiệp, người dân vượt khó.
Cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ hơn 65.000 tỷ đồng
Với vai trò NHTM Nhà nước, chủ lực trong nền kinh tế, VietinBank nghiêm túc triển khai kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ/NHNN nhằm duy trì hoạt động kinh doanh ổn định trước các diễn biến bất lợi của thị trường và đồng hành chia sẻ với những khó khăn của khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch.
Đại diện VietinBank cho biết, thời điểm hiện tại, VietinBank đã nhận diện hơn 10.000 khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, với dư nợ chiếm 31% dư nợ cho vay của Ngân hàng. Ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải, BOT, xăng dầu; Nông sản/thủy sản, dệt may, đồ gỗ, da giày, hàng tiêu dùng là những lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn.
VietinBank thực hiện các giải pháp hỗ trợ thiết thực cho khách hàng
Tính từ thời điểm 23/01/2020 tới 10/7/2020, VietinBank đã giải ngân cho 6.456 khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 với doanh số giải ngân là 196.648 tỷ đồng. Đồng thời, VietinBank đã thực hiện cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 1.665 khách hàng với dư nợ khách hàng hơn 65.000 tỷ đồng, số dư nợ gốc lãi đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ gần 9.000 tỷ đồng. Dự kiến trong thời gian tới, VietinBank sẽ tiếp tục xem xét thực hiện cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ cho gần 600 khách hàng với tổng dư nợ khách hàng khoảng 35.000 tỷ đồng.
Thời gian qua, VietinBank liên tục triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất cho vay giảm đến 2%/năm so với các chương trình tín dụng đã triển khai trước thời điểm có dịch. Trong đó, VietinBank đặc biệt ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh cung ứng các mặt hàng thiết yếu (điện, nước, thiết bị y tế, thuốc, bệnh viện, cửa hàng tiện lợi…).
Ngoài ra, VietinBank tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp như: Ưu đãi lãi suất cho vay cố định, Vay ưu đãi lãi tri ân dành cho khách hàng bán lẻ,...với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,2% - 3%/năm so với thông thường. Tính đến 03/7/2020, VietinBank đã thực hiện giảm lãi suất với gần 9 nghìn khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 với tổng dư nợ được xem xét giảm lãi suất khoảng 250 nghìn tỷ đồng.
Là doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực sắt thép, vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất chính hầu như nhập từ Trung Quốc, dịch Covid-19 khiến cho chuỗi cung cứng bị đứt gãy, sản xuất của doanh nghiệp giảm từ 20-30%, doanh thu giảm tới vài trăm tỷ. Nhờ sự hỗ trợ, tư vấn từ VietinBank, Công ty CP Công nghệ mỏ và luyện kim Việt Nam đã từng bước ổn định sản xuất. Ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết: Trong thời gian vừa rồi, với Thông tư 01 của NHNN, VietinBank đã làm việc với chúng tôi để giãn nợ từ 3-5 tháng, tái cơ cấu các khoản nợ để hỗ trợ chúng tôi hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, ngân hàng cũng đã giảm lãi suất cho chúng tôi...
Cam kết đáp ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế
Thời gian qua, VietinBank thực hiện miễn giảm phí cho doanh nghiệp và người dân: Mức phí giảm bình quân khoảng 20% đến 50%, cá biệt có một số loại phí có thể được giảm tới 100% so với trước đây để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Mặt khác, triển khai giải pháp kênh thanh toán không dùng tiền mặt nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm dịch khi tập trung giao dịch tại quầy và sử dụng phương tiện thanh toán bằng tiền mặt. VietinBank cung cấp đa kênh giao tiếp để khách hàng có thể thực hiện các giao dịch với VietinBank tại các kênh Internet Banking, eFAST, Fax, email, We-transfer. Số lượng khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được hưởng chính sách miễn phí giao dịch trên eFAST là hơn 1.000 khách hàng.
VietinBank cam kết tiếp tục đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt dành ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế như điện, nước, lương thực, thực phẩm, doanh nghiệp sản xuất vật tư, thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, các bệnh viện, các doanh nghiệp trong các chuỗi cung ứng hàng tiêu dùng thiết yếu, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi...; rà soát, theo dõi thường xuyên các khách hàng ảnh hưởng bởi dịch để có hướng xử lý tín dụng kịp thời và thực hiện các giải pháp hỗ trợ thiết thực.