Quý I năm 2019, Việt Nam xuất siêu 536 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,57 tỷ USD.
Thông tin trên đã được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải công bố tại cuộc họp báo của Bộ Công Thương mới đây. Theo Thứ trưởng, trong quý I/2019, sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tuy không bứt phá mạnh mẽ như quý I/2018 nhưng vẫn là điểm sáng, đóng góp chính vào tăng trưởng của khu vực công nghiệp và tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
Cả quý I năm 2019, Việt Nam xuất siêu 536 triệu USD. Ảnh minh họa
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm ngành khai khoáng khai thác vượt mục tiêu (giảm 2,1%), mục tiêu là giảm 4%, chủ yếu do khai thác dầu thô, khí đốt tự nhiên giảm 6,3% do sản lượng các mỏ giảm tự nhiên theo Kế hoạch đã được phê duyệt.
Ngành điện sản xuất, cung ứng và phân phối điện theo kế hoạch, vận hành hệ thống điện an toàn, linh hoạt, kịp thời, về mức tăng trưởng đạt xấp xỉ mục tiêu đề ra tăng trưởng 9,4% (mục tiêu là 9,5%). Ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt thấp hơn mục tiêu đề ra của Bộ Công Thương, tăng 11,1% (mục tiêu là 12%) và thấp hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 15,7%).
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, tháng 3 năm 2019, Việt Nam xuất siêu ước đạt 600 triệu USD, tính chung cả quý I năm 2019, Việt Nam xuất siêu 536 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,7 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,57 tỷ USD.
Về trong nước, Bộ Công Thương đánh giá, tình hình thị trường trong nước tiếp tục được bảo đảm ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả cơ bản ổn định, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Trong tháng 3, giá mặt hàng thịt lợn giảm do tình hình bệnh dịch tả lợn Châu phi có xu hướng lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố gây tâm lý lo ngại cho người dân nên nhu cầu tiêu dùng thịt lợn giảm mạnh; giá xăng dầu được điều hành theo hướng giữ ổn định để giảm áp lực tăng giá lên các hàng hóa khác do yếu tố tâm lý trước việc điều chỉnh tăng giá điện với mức tăng tương đối lớn (8,36%) trong tháng 3; giá các mặt hàng khác tương đối ổn định.
Bộ Công Thương đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường xây dựng kế hoạch và tăng cường kiểm tra dịp trước, trong và sau Tết, tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; đặc biệt là truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm với hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu.
Theo báo cáo nhanh, trong quý I năm 2019, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã tiến hành kiểm tra trên 25.500 vụ; phát hiện và xử lý hơn 14.400 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 90 tỷ đồng; ước trị giá hàng tịch thu chưa bán trên 10 tỷ đồng.