Việt Nam sẽ nỗ lực hơn nữa bảo vệ các quyền của trẻ em

Nguyên Bình| 08/12/2015 22:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Cơ chế giám sát thực hiện quyền trẻ em hiệu quả - kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam”.

Hội thảo với sự tài trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Tham dự Hội thảo có nhiều chuyên gia đến từ Việt Nam, UNICEF, Na-uy, Ma-lai-xi-a, Ấn Độ, Mông Cổ…

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là mối quan tâm không chỉ của riêng Việt Nam, mà là mối quan tâm chung của toàn nhân loại. Việt Nam luôn nhất quán chính sách giành sự quan tâm đặc biệt tới công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Nhờ vậy, những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại Việt Nam hiện cũng gặp không ít thách thức, trong đó có sự xâm nhập văn hóa không lành mạnh và sự chênh lệch giữa thành thị với khu vực nông thôn, miền núi…

Hội thảo sẽ là một cơ hội quan trọng để thảo luận tích cực nhằm sửa đổi Luật Trẻ em, mà cụ thể là các điều khoản quy định việc thành lập một cơ chế giám sát quyền trẻ em độc lập tại Việt Nam; giúp trao đổi thông tin nhằm xây dựng một lộ trình rõ ràng để thiết lập cơ chế này.

Dù được ghi nhận là nước đi tiên phong phê chuẩn Công ước Quyền Trẻ em và tích cực thực hiện các quyền trẻ em, song Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một cơ chế giám sát thực hiện quyền trẻ em độc lập, là trách nhiệm của các quốc gia thành viên khi ký Công ước nhằm đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và để thúc đẩy việc thực hiện phổ quát các quyền của trẻ em. Việc Việt Nam chưa có một cơ chế giám sát quyền trẻ em độc lập đã được Ủy ban của Liên Hợp quốc về Quyền Trẻ em liên tục đề cập trong hai phiên họp đánh giá tính hình thực hiện Công ước Quyền trẻ em tại Geneva lần lượt vào năm 2003 và 2012. Một cơ chế độc lập sẽ giúp giám sát hiệu quả hơn các cam kết cũng như việc thực hiện quyền trẻ em của các cơ quan Nhà nước khác nhau. Cơ chế này cũng hỗ trợ trẻ em tham gia vào việc đưa ra các quyết định quan trọng. Do đặc điểm dễ bị tổn thương của trẻ nhỏ hơn so với người lớn và cần bảo vệ các em khỏi bạo lực, bóc lột, phân biệt đối xử… một cơ quan chuyên trách về trẻ em sẽ giúp tăng nhận thức về quyền trẻ em và tăng cường ưu tiên xã hội và chính trị.

Việt Nam sẽ nỗ lực hơn nữa bảo vệ các quyền của trẻ em

 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Hội thảo

Ông Youssouf Abdel-Jelil, Đại diện UNICEF tại Việt Nam phát biểu: UNICEF ủng hộ mạnh mẽ việc xây dựng một cơ quan độc lập được Nhà nước phân bổ nguồn lực và chịu trách nhiệm giải trình về cơ chế giám sát quyền trẻ em độc lập. Dựa vào bối cảnh đặc biệt của mình và thông qua quá trình tham vấn, Việt Nam có thể tự quyết định xây dựng một mô hình phù hợp, đảm bảo tính chất độc lập của cơ quan giám sát. UNICEF cam kết hỗ trợ Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ này trong khuôn khổ Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em.

Việt Nam là quốc gia được thế giới ghi nhận về cam kết bảo vệ và thúc đẩy thực hiện các quyền trẻ em vì là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Trên cơ sở tiến bộ này, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện luật pháp và chính sách để thúc đẩy việc thực hiện Công ước này. Các nguyên tắc về quyền trẻ em đã được thể hiện trong Hiến pháp năm 2013 - văn bản pháp luật cao nhất và các văn bản pháp luật khác; trên cơ sở đó, nhiều chính sách, chương trình đã được xây dựng và triển khai nhằm thực hiện các quyền của trẻ em. Những cải cách luật pháp liên tục, đặc biệt là cải cách luật trẻ em sẽ mang lại cơ hội lớn để Việt Nam tiếp tục đà phát triển này, quan trọng hơn là biến những cam kết của mình thành những hành động thực tiễn nhằm bảo vệ quyền trẻ em.

Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo cũng cho rằng, trẻ em là chủ thể có đầy đủ quyền con người, quyền công dân; cần sự bảo vệ, chăm sóc và giáo dục đặc biệt. Là quốc gia đang phát triển, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để trẻ em Việt Nam có được thêm cơ hội thụ hưởng các quyền chính đáng và vốn có của mình một cách bình đẳng; được chăm sóc, bảo vệ toàn diện về thể chất và tinh thần. Do vậy, cần có cơ chế giám sát để việc thực hiện công tác này đạt hiệu quả cao nhất.

Đánh giá cao sáng kiến của UNICEF trong việc phối hợp với các cơ quan của Quốc hội Việt Nam tổ chức Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng: Đây là cơ hội tốt để Việt Nam có thể nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm về các nội dung liên quan đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, mà cụ thể là về cơ quan giám sát thực hiện quyền trẻ em. Qua Hội thảo này sẽ rút ra được bài học kinh nghiệm hữu ích, góp phần xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến quyền trẻ em, tìm ra cơ chế giám sát hiệu quả việc thực thi, bảo vệ quyền của trẻ em. Đồng thời, các đại biểu Việt Nam cũng chia sẻ kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn lập pháp và thi hành pháp luật của Việt Nam. 

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của các tổ chức nhằm tăng cường năng lực xây dựng chính sách, giám sát của các cơ quan dân cử, nghiên cứu cơ chế đối thoại với Quốc hội các vấn đề về trẻ em, nâng cao nhận thức về quyền trẻ em, hỗ trợ việc xây dựng pháp luật phù hợp với Công ước về quyền trẻ em. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam sẽ nỗ lực hơn nữa bảo vệ các quyền của trẻ em