Việt Nam phản ứng trước Báo cáo nhân quyền 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

Nhật Minh| 28/04/2022 22:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

“Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người dân. Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định.

le-thi-thu-hang-moi-nhat(1).jpg
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 12/4 đã công bố bản Báo cáo về tình hình nhân quyền của các nước trên thế giới trong năm 2021. Báo cáo do Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phát hành.

Ngày 28/4, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

“Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người dân. Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao”.

Theo người phát ngôn, Việt Nam ghi nhận việc Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nêu các bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người.

“Tuy nhiên, Báo cáo vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác và chưa được kiểm chứng về thực tế tại Việt Nam”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định.

“Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ về những vấn đề còn khác biệt trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau nhằm tăng cường hiểu biết và đóng góp vào sự phát triển của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng tuyên bố.

Trong diễn biến liên quan, ngày 25/4, Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã công bố báo cáo và đề nghị Chính phủ Mỹ xếp Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC).

Trong Báo cáo thường niên năm 2022 của mình, USCIRF đề xuất 15 quốc gia lên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để đưa vào danh sách “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt” về tự do tôn giáo (CPC).

Có 10 quốc gia được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhất trí đưa vào danh sách CPC vào tháng 11 năm 2021 gồm Myanmar, Trung Quốc, Eritrea, Iran, Triều Tiên, Pakistan, Nga, Arab Saudi, Tajikistan và Turkmenistan - cũng như 5 quốc gia khác gồm Afghanistan, Ấn Độ, Nigeria, Syria và Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam phản ứng trước Báo cáo nhân quyền 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ