Việt Nam lần đầu có đại học vào top 100 châu Á

Minh Khang| 02/06/2022 16:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đại học Tôn Đức Thắng và Duy Tân vào top 100 trường tốt nhất châu Á năm 2022 của THE.

Theo bảng xếp hạng đại học khu vực châu Á năm 2022 do Times Higher Education (THE) công bố ngày 1/6, Đại học Tôn Đức Thắng được xếp hạng 73, đứng đầu Việt Nam. Đại học Duy Tân đứng thứ 91. Đây là lần đầu tiên hai trường này xuất hiện trong bảng xếp hạng đại học châu Á của THE và cũng là lần đầu tiên Việt Nam có trường vào top 100 châu Á.

Ngoài ra, Việt Nam còn ba đại diện khác góp mặt và đều là những cái tên đã xuất hiện từ năm trước. Trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội tụt từ nhóm 251-300 xuống 301-350; Đại học Quốc gia TP HCM giữ vững vị trí trong nhóm 401-500; còn Bách khoa Hà Nội tụt từ nhóm 351-400 xuống 500+. Một trường khác của Việt Nam là Đại học Đà Nẵng có tham gia nhưng chưa được xếp hạng.

Thứ hạng của các trường trên bảng xếp hạng đại học châu Á được quyết định sau khi THE xét bộ tiêu chí với 13 chỉ số thuộc 5 nhóm: giảng dạy (25%), nghiên cứu (30%), trích dẫn (30%), thu nhập từ chuyển giao tri thức và công nghệ (7,5%) và triển vọng quốc tế (7,5%). Với cách đánh giá này, những trường có thế mạnh về nghiên cứu sẽ có lợi thế. Đại học Tôn Đức Thắng có điểm số về tiêu chí trích dẫn đạt 99,3/100. Đại học Duy Tân thậm chí đạt tuyệt đối ở tiêu chí này.

Đại học Quốc gia Hà Nội đứng đầu Việt Nam ở nhóm tiêu chí giảng dạy với 22,3 điểm. Trong khi đó, Đại học Quốc gia TP HCM vẫn duy trì thế mạnh về thu nhập từ chuyển giao tri thức và công nghệ với 40,8 điểm.

Thứ hạng và điểm đánh giá các đại học Việt Nam như sau:

Lần đầu tiên Việt Nam có đại học lọt top 100 châu Á
Lần đầu tiên Việt Nam có đại học lọt top 100 châu Á - 1

Năm 2022, có 616 cơ sở giáo dục thuộc 30 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Á được THE xếp hạng, tăng 65 trường so với năm 2022. Năm vị trí dẫn đầu vẫn giữ nguyên như năm 2021, gồm các trường Đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh (Trung Quốc), Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Hong Kong (Hong Kong) và Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore).

Tính trong Đông Nam Á, ngoài hai trường của Singapore trong top đầu và năm đại diện của Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines cũng có đại diện góp mặt. So với năm 2021, Malaysia vượt Thái Lan để trở thành quốc gia có nhiều trường được xếp hạng nhất - 18 trường, trong đó Đại học Malaya có thứ hạng cao nhất - 55. Thái Lan có 17, Indonesia 14 và Philippines 2. Thứ hạng các trường đứng đầu mỗi quốc gia này đều có xu hướng giảm một chút.

THE là một trong ba tổ chức xếp hạng đại học có uy tín và ảnh hưởng lớn nhất thế giới, bên cạnh bảng xếp hạng của QS và Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc). Tổ chức này bắt đầu xếp hạng các đại học thế giới vào năm 2004.

Hồi tháng 4, THE công bố bảng xếp hạng đại học có tầm ảnh hưởng (Impact Ranking) nhằm đánh giá sự thành công của các tổ chức giáo dục đại học trong việc thực hiện17 mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDGs) của Liên Hợp Quốc, qua đó kêu gọi hành động toàn cầu với mục tiêu xây dựng xã hội hòa bình, công bằng và thịnh vượng. Việt Nam có bảy đại học góp mặt, gồm Đại học Quốc gia Hà Nội (vị trí 601-800), Tôn Đức Thắng (601-800), Bách khoa Hà Nội (601-800), Phenikaa (801-1000), Duy Tân (601-800), Kinh tế quốc dân (601- 800) và FPT (801-1000).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam lần đầu có đại học vào top 100 châu Á