Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân, Tổng thống Ireland Michael D.Higgins và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 5-14/11/2016.
Tổng thống Cộng hòa Ireland Michael D.Higgins. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Việt Nam)
Về chuyến thăm này, Bộ trưởng Ngoại giao-Thương mại Ireland Charles Flanagan nhận định, chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Việt Nam của Tổng thống Michael D.Higgins đã thể hiện chính sách ưu tiên của Ireland trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Việt Nam là đối tác châu Á duy nhất nhận viện trợ của Ireland
Việt Nam và Ireland thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 5/4/1996. Sau 20 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và Ireland đã gặt hái những thành tựu rất đáng ghi nhận. Hai bên thường xuyên trao đổi một số đoàn cấp cao và phối hợp tốt tại các diễn đàn quốc tế. Trao đổi thương mại giữa hai nước tăng lên, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2015 đạt 402 triệu USD (tăng 28% so với 2014), trong 9 tháng năm 2016 đạt 798 triệu USD (gấp 3 lần so với cùng kỳ 2015), trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ireland đạt 82 triệu USD, nhập khẩu từ Ireland đạt 716 triệu USD. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Ireland gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép các loại, dệt may; các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dược phẩm, máy vi tính và linh kiện điện tử…
Hiện nay Ireland có 17 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 20,7 triệu USD, đứng thứ 67/115 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, có mặt sớm nhất tại Việt Nam là công ty EBS International của ngành điện lực Ireland, tham gia tư vấn cho các dự án tuốc-bin khí hỗn hợp tại Bà Rịa -Vũng Tàu; nhà máy Phú Mỹ 2; trường đào tạo tại Công ty Điện lực 2; dự án Nâng cao năng lực thể chế và tổ chức ngành điện Việt Nam . Năm 2015, Ireland có 66 công ty trực tiếp xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam, trong đó 15 công ty có đầu tư tại Việt Nam. Số lượng các công ty của Ireland làm ăn với Việt Nam đã tăng 47% trong 5 năm qua.
Việt Nam hiện là quốc gia châu Á duy nhất trong số 9 nước đối tác ưu tiên nhận viện trợ phát triển của Ireland. Để cụ thể hóa các chương trình hợp tác và tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động hợp tác phát triển của Ireland tại Việt Nam, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển. Trong giai đoạn 2007-2016, Ireland đã cung cấp 150 triệu USD viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và tăng cường năng lực về quản lý kinh tế.
Ngân sách dành cho các chương trình, dự án hợp tác trong giai đoạn 2007 - 2010 là Chương trình 135 giai đoạn II; hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ; phát triển khu vực tư nhân Mekong (MPDF) theo sáng kiến của Công ty Tài chính Quốc tế IFC; hỗ trợ chuyển đổi kinh tế và phát triển khu vực tư nhân (Celtic Tiger); tăng cường năng lực của các cơ quan dân cử; triển khai sáng kiến “Một Liên hợp quốc” tại Việt Nam; hỗ trợ các chương trình, dự án thực hiện tại các địa phương...
Tháng 11/2011, Ireland đã công bố Chiến lược quốc gia về Hợp tác phát triển Việt Nam - Ireland giai đoạn 2011 - 2015. Mục tiêu tổng quát là nhằm hỗ trợ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 của Chính phủ Việt Nam thông qua hai kết quả chính: Giảm nghèo trong các nhóm dễ bị tổn thương; Tăng trưởng kinh tế hòa nhập hơn và có khả năng phục hồi tốt hơn trước các cú sốc. Được biết, Chính phủ Ireland sắp công bố Chiến lược quốc gia về hợp tác phát triển với Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020.
Thúc đẩy 4 lĩnh vực hợp tác với Ireland
Một trong những điểm sáng của quan hệ hai nước là hợp tác về giáo dục - đào tạo. Trong những năm qua, Ireland đã cung cấp khoảng 185 suất học bổng cho Việt Nam thông qua hai chương trình: Chương trình học bổng toàn phần Irish Aid (IDEAS 1) được triển khai từ năm 2009, dành cho các chương trình đào tạo thạc sỹ về quản trị kinh doanh, tài chính, kinh tế, marketing, quản lý dự án, kinh doanh quốc tế, khoảng 22 - 25 người/năm, mở cho cả khu vực công và tư . Chương trình học bổng kỹ thuật Irish Aid (IDEAS 2) triển khai từ năm 2013, chủ yếu dành cho các chương trình đào tạo thạc sỹ về công nghệ thông tin, khoa học máy tính, kỹ thuật, dược, ngôn ngữ ứng dụng, từ năm 2016 thêm khoa học xã hội. Đối tượng là ứng viên công tác trong khu vực công và các cơ sở giáo dục đại học.
Ông Tery McPartland, Giám đốc bộ phận Phát triển Giáo dục Quốc tế của Ireland cho biết, từ năm 2009, mỗi năm Ireland cấp cho Việt Nam khoảng 30 học bổng và Ireland hy vọng trong những năm tới sẽ có nhiều sinh viên Việt Nam sang học tập theo diện trao đổi, học bổng hoặc tự túc tại Ireland.
Bên cạnh đó, một số lĩnh vực hợp tác quốc phòng, nông nghiệp cũng được hai bên chú trọng thúc đẩy. Tháng 4/2009, đoàn cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam đã thăm và làm việc tại Ireland, mở ra hướng hợp tác về khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, hợp tác xử lý hậu quả chất độc da cam, tìm kiếm cứu nạn.
Ireland đặc biệt quan tâm đến hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngày 3/11/2014, hai bên đã ký “Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Biển Ireland về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp”. Ngày 5/9/2016, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã tiếp và làm việc với ngài Andrew Doyle, Bộ trưởng Lương thực, Lâm nghiệp và Cây trồng Ireland về việc thúc đẩy hợp tác phát triển nông nghiệp. Theo đó, Việt Nam đề xuất 4 lĩnh vực thúc đẩy hợp tác với Ireland thời gian tới bao gồm: Đào tạo quản lý nền nông nghiệp hiện đại; chia sẻ kinh nghiệm phát triển nền nông nghiệp hữu cơ; xây dựng hệ thống quản lý thực phẩm nông sản an toàn; truy xuất nguồn gốc và xúc tiến đẩy mạnh đầu tư phát triển hợp tác về chăn nuôi bò. Hiện nay, nhiều công ty công nghệ nông nghiệp của Ireland đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với Việt Nam.