Tại Hội nghị toàn thể Hội đồng hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC) và Đối thoại chính sách cao cấp APEC về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, Việt Nam tiếp tục khẳng định không ngừng đẩy mạnh đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Tương lai của khu vực là tương lai của Việt Nam
Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 24 Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban quốc APEC 2017 nhận định đây là nơi duy nhất chưa từng trải qua bất cứ một xung đột nóng nào kể từ khi “Chiến tranh lạnh” kết thúc. Khi PECC được thành lập năm 1980, khu vực chỉ chiếm hơn 40% GDP toàn cầu, hiện nay con số này đã tăng lên trên 50%. Hơn một tỷ người trong khu vực đã thoát khỏi cảnh nghèo, cùng cực. Trong tương lai, trọng tâm kinh tế thế giới tiếp tục chuyển dịch về châu Á - Thái Bình Dương; các nền kinh tế mới nổi trong khu vực được dự báo sẽ tiếp tục là động lực của tăng trưởng khu vực và toàn cầu nên triển vọng khu vực tươi sáng hơn bao giờ hết.
Bên cạnh những thuận lợi, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng gặp phải nhiều khó khăn, đó là còn phụ thuộc vào hiệu quả xử lý 3 nhóm thách thức mà khu vực hiện đang đối mặt, cả về ngắn hạn và dài hạn. Theo đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện có năng suất trì trệ, bất bình đẳng gia tăng trong từng nền kinh tế và giữa các nền kinh tế; các thách thức dân số, bao gồm cả già hóa dân số, vấn đề đói nghèo, đô thị hóa, các tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu đang là rào cản lớn để tăng trưởng. Mặt khác, mức độ sẵn sàng cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thứ 3 là những rủi ro tiềm ẩn của xung đột địa chính trị trong khu vực và thiếu một cơ chế quản trị khu vực có khả năng thích ứng. Do vậy, các nước trong khu vực cần xây dựng được một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, năng động, tự cường, bao trùm, kết nối và liên kết toàn diện, tạo cơ hội và sự tham gia bình đẳng cho tất cả mọi người. Động lực của kinh tế khu vực phải đến từ tăng trưởng có chất lượng, bền vững, sáng tạo và bao trùm, kết nối và liên kết kinh tế sâu rộng.
Để đẩy mạnh mẽ hơn nữa thương mại và đầu tư tự do, tại hội nghị các đại biểu đã thảo luận và cho rằng cần thúc đẩy các hiệp định thương mại khu vực, các hiệp định tự do thương mại (RTAs/FTAs), hướng tới việc hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), đồng thời phải nắm bắt các cơ hội của những hiệp định khu vực hiện có và đang hình thành. Trong một môi trường toàn cầu ngày càng bất định và mong manh như hiện nay, Chủ tịch Ủy ban quốc APEC 2017 yêu cầu cần một cấu trúc khu vực minh bạch, mở, dựa trên luật pháp, có tính xây dựng và có khả năng thích ứng. Cấu trúc đó cần có khả năng bảo đảm sự bổ trợ giữa các tầng nấc, hợp tác đa tầng nấc và quản trị khu vực hiệu quả; cấu trúc đó cũng cần tính đến và hài hòa lợi ích của tất cả các bên liên quan trong và ngoài khu vực.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại hội nghị
Hiện nay, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nơi hội tụ các công nghệ mới, lực lượng lao động có tay nghề và tầng lớp trung lưu phát triển mạnh mẽ, tỷ trọng của khu vực trong GDP toàn cầu dự báo sẽ tăng lên gần 70% vào năm 2050. 10 trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương luôn là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam nằm ở tâm điểm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tương lai của khu vực là tương lai của Việt Nam nên Việt Nam luôn không ngừng đẩy mạnh đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng và tích cực triển khai chính sách đối ngoại đa phương.
Tăng cường đảm bảo việc làm bền vững, chất lượng cho tất cả mọi người
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM2), đối thoại chính sách cao cấp APEC về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của đại diện các nền kinh tế thành viên APEC. Phát biểu tại buổi đối thoại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nguồn nhân lực là trung tâm của sự phát triển, đặc biệt là trong kỷ nguyên số. Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đã mang tới nhiều yêu cầu, điều kiện mới để phát triển nguồn nhân lực; vấn đề này không chỉ đặt ra với những nhân lực có trình độ làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao mà còn liên quan đến tất cả các tầng lớp lao động.
Khu vực APEC là khu vực phát triển rất năng động, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng ở các nền kinh tế thành viên APEC đều cao hơn mức trung bình không chỉ góp phần tăng năng suất lao động, phát triển công nghệ thông tin mà còn tạo sự thuận lợi trong kết nối phương tiện để mở ra cơ hội mới cho mỗi cá nhân và cộng đồng với mục tiêu để tất cả mọi người được chia sẻ, giao lưu, tiếp cận, đóng góp chung vào thành tựu văn minh nhân loại của toàn cầu.
Đối thoại chính sách cao cấp APEC về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số sẽ góp phần vào sự phát triển của nguồn nhân lực trong khu vực APEC và tạo động lực mới cho các nền kinh tế thành viên cùng chung tay hợp tác vì hòa bình, thịnh vượng trong khu vực và thế giới; phấn đấu để hoàn thành các mục tiêu của Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Việc kết nối, mở rộng mạng lưới và tăng cường hợp tác giữa các trung tâm đào tạo trong khu vực và trên thế giới đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề rất quan trọng; giúp đảm bảo sự hợp tác thực chất hơn giữa các thành viên với cộng đồng doanh nghiệp.
Phần thảo luận, các đại biểu tập trung trao đổi về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, tạo sự năng động mới để tăng trưởng; thúc đẩy cam kết của các bên liên quan trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực; thông qua khuôn khổ hợp tác APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Các đại diện đến từ nhiều nền kinh tế thành viên APEC cũng chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm liên quan tới cơ hội, thách thức khi đối diện với vấn đề phát triển nguồn nhân lực, an sinh xã hội trong kỷ nguyên số; thực tiễn liên quan về phát triển nguồn nhân lực và nền tảng hợp tác giữa các bên tham gia.
Hội nghị toàn thể Hội đồng hợp tác Kinh tế Thái bình dương (PECC)
Trong dịp này, Việt Nam đề ra những ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số và đề xuất những giải pháp ứng phó đối với vấn đề này. Theo đó, việc nắm bắt những thay đổi do cách mạng công nghệ lần thứ 4 tạo ra và chủ động điều chỉnh, thực hiện các chính sách về việc làm, đào tạo nghề sẽ hỗ trợ các nền kinh tế thành viên APEC trong quá trình đối phó với những thách thức trong nền kinh tế và trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực. Các nền kinh tế thành viên APEC cần thúc đẩy nỗ lực để đảm bảo tăng trưởng toàn diện, bền vững; trong đó tập trung mạnh vào việc tăng cao khả năng thích ứng của lực lượng lao động để nhanh chóng đáp ứng sự thay đổi của phát triển công nghệ. Các đại biểu nhất trí cần tăng cường đảm bảo việc làm bền vững, chất lượng cho tất cả mọi người đặc biệt là các nhóm yếu thế bằng cách hỗ trợ tiếp cận hệ thống giáo dục, dạy nghề bao trùm, có chất lượng, khích lệ tinh thần khởi nghiệp; hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, tăng cường hợp tác các khu vực rất cần sự quan tâm, cam kết của các nhà lãnh đạo từ các nền kinh tế thành viên APEC.