Việt Nam đánh giá cao hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi

Bạch Dương| 30/09/2020 12:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, hoan nghênh vai trò của Liên minh châu Phi trong thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và đóng góp vào các công việc của Liên hợp quốc.

Việt Nam đánh giá cao hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi

Hội đồng Bảo an và Hội đồng Hòa bình và An ninh của Liên minh châu Phi tiến hành tham vấn chung thường niên qua hình thức trực tuyến.

Theo tin từ Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, ngày 29/9, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và Hội đồng Hòa bình và An ninh của Liên minh châu Phi (AUPSC) đã tiến hành tham vấn chung thường niên qua hình thức trực tuyến.

Phát biểu khai mạc, ông Abdou Abarry, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Niger tại LHQ, nước Chủ tịch HĐBA tháng 9/2020, hoan nghênh hợp tác giữa LHQ và Liên minh châu Phi (AU) nói chung và giữa HĐBA và AUPSC nói riêng trong thời gian qua; đồng thời cho rằng hai bên cần tiếp tục tăng cường hiệu quả trong hợp tác ứng phó với các thách thức mới nổi như đại dịch COVID-19.

Ông Mohamed Idriss Farah, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Djibouti tại AU, Chủ tịch AUPSC trong tháng 9/2020, đánh giá cao đóng góp của HĐBA trong thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Phi; khẳng định AUPSC sẽ tiếp tục tích cực hợp tác với HĐBA.

Cuộp họp đã tập trung thảo luận về hai chủ đề về “Kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ và 57 năm thành lập AU: Tăng cường hợp tác giữa HĐBA và AUPSC trong đó tập trung vào cải thiện phương pháp làm việc” và sáng kiến “Ngưng tiếng súng ở châu Phi: Tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ở châu Phi”.

Các nước thành viên HĐBA và AUPSC đánh giá cao những tiến triển về chính trị, an ninh, kinh tế tại nhiều nước châu Phi thời gian qua, song cho rằng châu lục này vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như xung đột vũ trang, khủng bố, thiên tai, nghèo đói và dịch bệnh.

Các nước cùng chia sẻ tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu quả phối hợp giữa HĐBA và AUPSC phù hợp với Chương VIII Hiến chương LHQ, nhất là việc xem xét tăng cường các cuộc tham vấn, các chuyến thăm thực địa và ra các văn kiện chung; nhấn mạnh việc cần tiếp tục thúc đẩy triển khai sáng kiến “Ngưng tiếng súng ở châu Phi” trong giai đoạn sau năm 2020.

Một số nước cho rằng cần nâng cao vai trò của nhóm A3 (03 nước châu Phi là ủy viên không thường trực HĐBA) trong các vấn đề liên quan đến châu Phi ở HĐBA, trong đó có việc tạo điều kiện để các nước A3 chủ trì soạn thảo các văn kiện về các vấn đề này. 

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, hoan nghênh vai trò của AU trong thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và đóng góp vào các công việc của LHQ; nhấn mạnh những thành tựu trong hợp tác giữa HĐBA và AUPSC như việc thành lập các phái bộ gìn giữ hòa bình chung tại Darfur (Sudan), Somalia, sáng kiến “Ngưng tiếng súng ở châu Phi” và việc thúc đẩy vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh; ghi nhận việc châu Phi đang tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức và mong muốn HĐBA và AUPSC sẽ tiếp tục xem xét các biện pháp mới nhằm tăng cường hợp tác trong xử lý các thách thức.

Đại sứ khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống với các nước châu Phi và cho rằng ASEAN và AU có thể tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với nhau.

Trong ngày 30/9/2020, HĐBA và AUPSC tiếp tục tham vấn về tình hình Mali, Somalia, khu vực Sahel và dự kiến thông qua một Thông cáo chung.

Cơ chế tham vấn chung thường niên giữa HĐBA và AUPSC được thiết lập từ năm 2007 nhằm tăng cường hợp tác giữa hai bên trong xử lý các vấn đề hòa bình, an ninh ở châu Phi. Theo thông lệ, HĐBA và AUPSC sẽ luân phiên chủ trì tham vấn tại New York (Mỹ) và Addis Ababa (Ethiopia). Đây là lần đầu tiên cơ chế tham vấn được tổ chức qua hình thức trực tuyến trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Liên minh châu Phi là một tổ chức liên chính phủ bao gồm 55 quốc gia châu Phi, có trụ sở tại Addis Ababa (Ethiopia). Tổ chức này dược thành lập ngày 9/7/2002 và là được xem là tổ chức kế thừa Tổ chức Liên đoàn châu Phi (OAU). AU có 07 cơ quan chính, trong đó Hội đồng Hòa bình và An ninh (AUPSC) có nhiệm vụ xử lý các vấn đề hòa bình và an ninh ở châu Phi. AUPSC có cơ cấu tổ chức tương đối giống với HĐBA với 15 nước thành viên nhưng các nước thành viên hoạt động theo nhiệm kỳ 2 năm và không có nước thành viên thường trực.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam đánh giá cao hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi