Trước sự cố vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attapeu, Lào, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đã gửi điện thăm hỏi tới CHDCND Lào. Đồng thời Chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng đã có nhiều hình thức chia sẻ, hỗ trợ nhân dân Lào vượt qua khó khăn trước mắt.
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attapeu, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Cụ thể, Thủ tướng quyết định hỗ trợ 200.000 USD cho Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 để khắc phục khẩn cấp hậu quả sự cố vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attapeu.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất hình thức hỗ trợ phía Lào tại hiện trường sự cố vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attapeu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/7/2018.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung trao cho Đại sứ CHDCND Lào tại Việt Nam Thongsavanh Phomvihane số tiền 200.000 USD của Chính phủ Việt Nam hỗ trợ Chính phủ và nhân dân Lào
Ngay trong chiều ngày 26/7, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, đồng chí Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã trao cho Đại sứ CHDCND Lào tại Việt Nam Thongsavanh Phomvihane số tiền 200.000 USD của Chính phủ Việt Nam hỗ trợ Chính phủ và nhân dân Lào khắc phục sự cố vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attapeu của Lào vừa qua.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh “những ngày qua, lãnh đạo và nhân dân Việt Nam hết sức quan tâm, theo dõi tin tức về sự cố đáng tiếc này với sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc nhất dành cho nhân dân Lào anh em”. Thứ trưởng khẳng định “Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẵn sàng làm những gì có thể để hỗ trợ Lào vượt qua khó khăn, nhanh chóng khắc phục hậu quả của sự cố”.
Thay mặt Chính phủ Lào, Đại sứ Thongsavanh Phomvihane bày tỏ xúc động sâu sắc và chân thành cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời về vật chất và tinh thần của Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Đại sứ hứa sẽ chuyển số tiền hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam tới Chính phủ Lào trong thời gian sớm nhất, góp phần hỗ trợ đồng bào khu vực bị ảnh hưởng nhanh chóng vượt qua khó khăn.
Đoàn công tác tỉnh Kon Tum trao 500 triệu đồng hỗ trợ người dân tỉnh Attapeu khắc phục hậu quả sự cố đập thủy điện
Ngày 26/7, đoàn công tác tỉnh Kon Tum do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lại Xuân Lâm dẫn đầu đã sang thăm, động viên, hỗ trợ người dân dân tỉnh Attapeu (Lào) bị ảnh hưởng sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lại Xuân Lâm trao số tiền 500 triệu đồng cùng 350 suất quà gồm các nhu yếu phẩm cấp thiết (trị giá 300.000 đồng/suất), góp phần hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng.
Cùng ngày, đoàn công tác tỉnh Kon Tum đã tới thăm Hội Việt kiều tỉnh Attapeu và trao tặng 10 triệu đồng để hỗ trợ cho 15 gia đình người Việt Nam đang sinh sống tại đây bị thiệt hại do sự cố vỡ đập thủy điện.
Cũng trong ngày 26/7, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum đã hỗ trợ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Attapeu 50 triệu đồng.
Hiện có 6 chiến sĩ Đội K53 của BCHQS tỉnh Kon Tum tham gia ghép phà, khắc phục vật cản vượt sông, điều tiết giao thông trên địa bàn và hướng dẫn các đoàn cứu trợ, cứu hộ vào vùng ngập sâu để giúp đỡ bà con.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị đã hỗ trợ người dân vùng lũ của tỉnh Attapeu 50 triệu đồng cùng 100 suất quà (500.000 đồng/suất), đồng thời cử đoàn y, bác sĩ sang khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân địa phương.
Cùng chung nỗ lực hỗ trợ nhân dân Lào vùng bị ảnh hưởng, trước đó ngày 25/7, Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu) cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp lúc 18h ngày 24/7 về việc giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 5 và các đơn vị giúp nước bạn Lào khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập thủy điện, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và các đơn vị đứng chân trên địa bàn khẩn trương triển khai lực lượng, phương tiện giúp đỡ bạn tìm kiếm cứu nạn và khắc phục sự cố.
Quân khu 5 đã huy động 750 cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum, Binh đoàn 15, Quân đoàn 3 và 26 ô tô các loại, 1 xe công trình, 410 áo phao, 100 nhà bạt, 2 máy đẩy, 2 máy thông tin vô tuyến điện, 9 tấn lương khô và lực lượng bảo đảm quân y.
Tính đến 16h chiều cùng ngày, 140 cán bộ, chiến sĩ (trong đó có 10 bác sĩ quân y của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 206, Quân khu 5) cùng 9 ô tô, trang bị thuốc đủ cứu chữa cho 500 người cơ động bằng trực thăng của Bộ Quốc phòng Lào đến địa điểm ngập lụt phối hợp với bạn cứu chữa người bị nạn.
Ngày 25/7, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã hỗ trợ 200 triệu đồng giúp người dân Lào khắc phục hậu quả ngập lụt, ổn định cuộc sống. Cùng ngày, Công ty TNHH MTV Hữu nghị Nam Lào (Quân khu 5) cũng đã hỗ trợ bà con tại huyện Sanamxay một số nhu yếu phẩm trị giá 50 triệu đồng.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tại Hà Nội chiều 25/7, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết hiện đã có 22 cán bộ được đào tạo đặc biệt về các phương án ứng phó hiểm hoạ thiên tai tại ASEAN của Việt Nam đã sẵn sàng để hỗ trợ khắc phục sự cố vỡ đập thuỷ điện tại Lào.
Chiều 25/7, tại thủ đô Vienitane, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng cùng đoàn cán bộ Đại sứ quán và các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán đã đến Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào trao số tiền hỗ trợ người dân Lào bị ảnh hưởng do sự cố đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy ở tỉnh Attapeu.
Tại buổi trao tiền hỗ trợ, thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng chia sẻ những mất mát về người và tài sản mà người dân Lào phải gánh chịu trong hai ngày qua do sự cố vỡ đập thủy điện.
Trước những thiệt hại nặng nề này, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Lào và các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán đã tự nguyện quyên góp mỗi người một ngày lương và nhận được số tiền khoảng 2.200 USD để hỗ trợ người dân Lào.
Chiều cùng ngày, đại diện Tổng hội, Hội người Việt Nam thủ đô Vientiane cũng đã trao 50 triệu kíp Lào (khoảng 5.950 USD), ông Cao Anh Sơn, Tổng giám đốc Star Telecom trao số tiền 300 triệu kíp Lào (tương đương 35.700 USD) cho Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào để hỗ trợ người dân Lào.
Về công tác hỗ trợ nhân dân Lào trong sự cố này , ông Đào Văn Hiếu, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Pakse cho biết một số doanh nghiệp Việt Nam như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty 385 đã hỗ trợ thực phẩm, thuốc men. Một số y sĩ, bác sĩ cũng tham gia hỗ trợ việc khám chữa bệnh cho bà con người Lào.
Tổng lãnh sự Việt Nam tại Pakse đã vận động cán bộ trong cơ quan đại diện cũng như Hội người Việt trên địa bàn và các doanh nghiệp đang hợp tác đầu tư trên địa bàn quyên góp ủng hộ nhân dân Lào trong lúc khó khăn này.
Trước đó, ngày 24 và 25/7/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã gửi điện thăm hỏi tới các đồng chí Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội Lào. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã gửi điện thăm hỏi tới Bộ trưởng Ngoại giao Lào.
Ngày 24/7, thông cáo báo chí về vụ việc của Công ty Phát điện Ratchaburi (doanh nghiệp Thái Lan tham gia dự án trên cùng với các đối tác Hàn Quốc và Lào) cho biết tối 23/7, đập D của dự án thủy điện Sepien Senamnoi rộng 8 m, dài 770 m, cao 16 m có chức năng hỗ trợ chuyển nước của hồ Senamnoi, đã bị đổ. Nước tràn xuống khu vực hạ du và sông Sepien cách đập 5 km. Đập bị đổ là do mưa bão liên tục trong nhiều ngày qua, khiến lượng nước trút xuống hồ chứa quá nhiều. Hiện công tác cứu hộ và sơ tán người dân quanh khu vực bị ảnh hưởng đang được tiến hành khẩn trương. Chính phủ Lào đã công bố khu vực chịu sự ảnh hưởng của ngập lụt tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, là vùng thiên tai khẩn cấp, chịu tác động trực tiếp từ sự cố vỡ đập thuỷ điện Sepien Senamnoi. |