Việt Nam - Brazil ra Thông cáo chung

26/09/2023 10:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Brazil của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hai bên đã ra Thông cáo chung. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Thông cáo chung.

Việt Nam - Brazil ra Thông cáo chung - Ảnh 1.

Tổng thống Brazil đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Brazil - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

1. Ngài Luiz Inácio Lula da Silva, Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Brazil, hân hạnh đón tiếp Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Brazil từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 9 năm 2023. Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm này - chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tới Brazil, đồng thời là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam tới Brazil sau 16 năm, trong bối cảnh hai nước hướng tới kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2024.

2. Trong bầu không khí tin cậy, cởi mở và chân thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva đã thảo luận về các lĩnh vực quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Brazil. Hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định rằng Việt Nam và Brazil chia sẻ những giá trị chung như hòa bình, hợp tác và mục tiêu phát triển bền vững của xã hội mỗi nước, coi đây là nền tảng cho vị thế quốc gia trên trường quốc tế của mỗi nước cũng như đối với sự tham gia của mỗi nước trong các vấn đề quốc tế. Hai bên nhất trí rằng Việt Nam và Brazil đã xây dựng mối quan hệ bền chặt dựa trên tình hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau, đồng thời bày tỏ hài lòng trước những tiến bộ đạt được trong 35 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí về tầm quan trọng của việc hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, trong đó bao gồm các vấn đề như an ninh năng lượng cũng như an ninh lương thực và dinh dưỡng.

Việt Nam - Brazil ra Thông cáo chung - Ảnh 2.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

3. Hai nhà Lãnh đạo đã chứng kiến Lễ ký kết bốn văn kiện hợp tác, bao gồm: Hiệp định hợp tác về giáo dục; Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Liên bang Brazil; Kế hoạch hành động giai đoạn 2024-2026 triển khai Biên bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Cộng hòa Liên bang Brazil; cũng như Kế hoạch Hành động giữa Học viện Ngoại giao Việt Nam và Học viện Ngoại giao Rio Branco của Brazil giai đoạn 2024-2025.

4. Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực đối thoại chính trị, kinh tế thương mại, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, môi trường, chuyển đổi năng lượng tái tạo, quốc phòng an ninh, văn hoá, giáo dục, thể thao thành tích cao, đặc biệt là bóng đá, du lịch và các lĩnh vực khác, coi đây là cơ sở để thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao đời sống người dân mỗi nước.

Việt Nam - Brazil ra Thông cáo chung - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

5. Hai nhà Lãnh đạo hoan nghênh các hoạt động trao đổi kinh tế song phương ngày càng tăng giữa Việt Nam và Brazil trong những năm gần đây và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư giữa hai nước. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đề nghị Brazil sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam.

6. Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva hoan nghênh chuyến thăm của phái đoàn các doanh nghiệp Việt Nam. Hai bên nhất trí rằng các phái đoàn doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc tăng cường đối thoại giữa khu vực tư nhân hai nước. Với mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỉ USD vào năm 2025 và 15 tỉ USD vào năm 2030, hai Lãnh đạo cam kết mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; thúc đẩy đa dạng hóa trao đổi thương mại song phương; thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các Bộ, ban, ngành và các cơ quan liên quan giữa hai nước; thúc đẩy mối liên kết chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp hai nước; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tăng cường hợp tác sâu rộng trong các lĩnh vực hai bên có thể bổ trợ cho nhau như dịch vụ hậu cần, phát triển xanh, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu và đổi mới sáng tạo.

Việt Nam - Brazil ra Thông cáo chung - Ảnh 4.

Ngay sau hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với báo chí - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

7. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) sẽ tạo đột phá trong hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Brazil, mang lại kết quả thực chất cho doanh nghiệp và người dân hai nước, đồng thời đề xuất Việt Nam và khối MERCOSUR sớm khởi động đàm phán ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – MERCOSUR. Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva bày tỏ dự định thảo luận về vấn đề này với các đối tác MERCOSUR khác trong giai đoạn Brazil giữ chức Chủ tịch luân phiên MERCOSUR.

8. Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ hài lòng về việc ký kết Biên bản ghi nhớ về Hợp tác quốc phòng, tạo cơ sở cho việc tăng cường hợp tác và thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn giữa lực lượng vũ trang hai nước.

9. Hai nhà Lãnh đạo cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực an ninh, cảnh sát và thực thi pháp luật nhằm phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm mạng, đồng thời xem xét khả năng ký kết các hiệp định hợp tác nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho việc hợp tác tư pháp hình sự giữa hai nước.

Việt Nam - Brazil ra Thông cáo chung - Ảnh 5.

Tổng thống Lula da Silva đã nhận lời mời thăm Việt Nam của lãnh đạo cấp cao Việt Nam nhằm tham gia các hoạt động kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Brazil và tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

10. Hai nhà Lãnh đạo ghi nhận tiềm năng chưa được khai thác trong hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Brazil, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hơn nữa hợp tác song phương trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, coi đây là cơ sở thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao đời sống người dân mỗi nước. Thực hiện theo thỏa thuận song phương về hợp tác khoa học và công nghệ, hai nhà Lãnh đạo bày tỏ sẵn sàng tìm cách đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong lĩnh vực này vì lợi ích chung, bằng cách thúc đẩy các dự án nghiên cứu và phát triển chung trong các lĩnh vực như hiện đại hóa công nghiệp, triển khai công nghệ thông tin và truyền thông tại các khu vự đô thị, năng lượng sạch và bền vững, hiện đại hóa nông nghiệp và mọi lĩnh vực khác mà hai bên có lợi ích chung.

11. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy các cuộc tiếp xúc và chuyến thăm cấp cao song phương và trao đổi đoàn trên tất cả các kênh, qua đó tăng cường và không ngừng củng cố nền tảng quan hệ đối tác giữa hai nước.

12. Hai nhà Lãnh đạo ghi nhận vai trò chủ động của Việt Nam-Brazil trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của một hệ thống quốc tế được thiết lập dựa trên các nguyên tắc pháp quyền và chủ nghĩa đa phương; khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc trong quản trị toàn cầu, duy trì ổn định và thịnh vượng; hoan nghênh sự hợp tác giữa hai bên trong các khuôn khổ đa phương tại khu vực và trên thế giới, đồng thời cam kết tiếp tục tăng cường phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt tại Liên Hợp Quốc.

13. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định sự tôn trọng của mỗi nước đối với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hợp Quốc, cũng như ủng hộ giải quyết các tranh chấp trong quan hệ quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có việc tuân thủ và thực hiện thiện chí các quy định của luật pháp quốc tế về biển và đại dương, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Brazil hoan nghênh Sáng kiến Nhóm bạn bè UNCLOS do Việt Nam và một số nước chủ chốt khác đồng sáng lập.

14. Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ ủng hộ cải tổ Liên Hợp Quốc, trong đó bao gồm Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bằng việc tăng số ghế thường trực và không thường trực cho các nước đang phát triển, nhằm biến tổ chức này thành một cơ quan có tính đại diện, hợp pháp và hiệu quả hơn. Việt Nam tái khẳng định ủng hộ Brazil trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an mở rộng.

15. Hai nhà Lãnh đạo nhận thức rằng biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại ngày nay, cần được giải quyết trong khuôn khổ nỗ lực phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo. Hai nước quyết tâm chung sức giúp củng cố nền quản trị toàn cầu theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh Brazil đã nhận đăng cai Hội nghị lần thứ 30 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP-30) tại thành phố Belém vào năm 2025.

16. Hai nhà Lãnh đạo cho rằng cần thiết phải mở cửa thị trường hơn nữa cho nông sản của mỗi nước, đồng thời hoan nghênh việc ký kết Kế hoạch hành động về hợp tác nông nghiệp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil. Hai Lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh hợp tác song phương trong phát triển bền vững ngành công nghiệp cà phê, trong khuôn khổ Tổ chức Cà phê Thế giới.

17. Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ ASEAN-Brazil và tái khẳng định ủng hộ mở rộng đối thoại và hợp tác nhằm củng cố Quan hệ đối tác đối thoại theo lĩnh vực ASEAN-Brazil. Brazil tái khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác với ASEAN và các nước thành viên trên nhiều lĩnh vực, trong đó có phát triển bền vững; năng lượng tái tạo; biến đổi khí hậu; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nông nghiệp và an ninh lương thực. Brazil đánh giá cao quan hệ với ASEAN và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.

18, Việt Nam và Brazil ủng hộ việc tiếp tục củng cố hệ thống thương mại đa phương không phân biệt đối xử và dựa trên luật pháp, trong đó Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đóng vai trò nòng cốt. Hai bên ủng hộ việc cùng hợp tác để cải thiện hoạt động của WTO, bao gồm các cơ chế đàm phán, giám sát và giải quyết tranh chấp nhằm xử lý các thách thức, đem lại lợi ích cho mọi người dân và doanh nghiệp. Hai nhà lãnh đạo thống nhất việc cải tổ WTO phải được thực hiện vì lợi ích của tất cả các thành viên, có tính đến nhu cầu, quyền lợi chính đáng của các quốc gia đang phát triển. Hai nước nhất trí sẽ thường xuyên phối hợp quan điểm tại WTO về các vấn đề quan tâm.

Việt Nam - Brazil ra Thông cáo chung - Ảnh 6.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Brazil – Việt Nam Márcio Honaiser và các nghị sĩ thành viên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Brazil-Việt Nam, lãnh đạo các chính đảng, cũng như Hiệp hội Hữu nghị Brazil-Việt Nam (ABRAVIET). Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu về chính sách đối ngoại của Việt Nam tại Bộ Ngoại giao Brazil; chủ trì khai mạc triển lãm ảnh "Chân dung Hồ Chí Minh"; và tham dự buổi biểu diễn văn hóa nghệ thuật Việt Nam-Brazil. Tại bang São Paulo, Thủ tướng cũng đã đến thăm Tập đoàn hàng không vũ trụ EMBRAER, Câu lạc bộ bóng đá Corinthians và gặp gỡ cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại São Paulo.

20, Hai nhà Lãnh đạo hoan nghênh thành công của chuyến thăm, giúp tạo động lực củng cố hơn nữa quan hệ Việt Nam – Brazil, đồng thời góp phần quan trọng vào việc nâng cấp quan hệ song phương.

21. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva về sự đón tiếp nồng ấm và thân thiện mà Chính phủ và người dân Brazil đã giành cho đoàn đại biểu Việt Nam trong suốt chuyến thăm, đồng thời trân trọng mời Tổng thống thống Luiz Inácio Lula da Silva tới thăm Việt Nam vào năm 2024, nhân dịp kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva đã vui vẻ nhận lời mời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam - Brazil ra Thông cáo chung