Nhạc sỹ, ca sỹ Trần Lập đã đi về cõi vĩnh hằng, nhưng linh hồn anh sẽ vẫn mãi mãi đi về trong các ca khúc bất tử của anh cũng như trong lòng của những người yêu nhạc Việt Nam.
Lần đầu tiên gặp Trần Lập khi anh hát trong chương trình chung kết cuộc thi Rung Chuông Vàng lần thứ nhất năm 2007, tôi vẫn mãi ngưỡng mộ anh từ dạo đó. Tuy nhiên, mộ ái đến đâu, tôi cũng chỉ dám đứng từ xa để quan sát, giống như đom đóm nhỏ chẳng dám bén mảng đến gần đèn dầu rực sáng. Vì sao vậy? Sự thật là nguồn năng lượng nóng đỏ mà anh tỏa ra làm tôi sợ hãi. Với tôi, với thế hệ của tôi, anh là người truyền lửa.
Tháng 8/2007, một ngày thu trời đẹp nắng lung linh, khu vực sân khấu của công viên Thống Nhất diễn ra cuộc hội tụ của 100 sinh viên đến từ 50 trường đại học trên cả nước để chuẩn bị cho trận chung kết cuộc thi Rung Chuông Vàng lần thứ nhất. Đấy là lần đầu tiên tôi “thấy” Trần Lập bằng da bằng thịt, chứ không phải qua các bài hát. Chúng tôi đã hơi thất vọng! Anh không cao lớn như giọng hát hùng vĩ của anh, anh có vẻ không sâu lắng như những ca khúc đầy triết lý của anh. Râu tóc bờm xờm, quần hộp, áo phông xám, anh giống hơn với hình ảnh của một gã lãng du cưỡi xe phân khối lớn trên miền cao nguyên bụi mù đất đỏ chứ không phải ca sỹ nổi danh.
Bữa hôm ấy, Trần Lập thể hiện bài “Rung Chuông Vàng”, bài hát anh sáng tác riêng cho những sinh viên muốn chinh phục đỉnh cao. Khi cất lên tiếng hát, Trần Lập trở thành một con người khác. Dường như không còn đứng ở thế giới hiện thực này nữa, anh tự dẫn mình – và kéo theo những người có mặt ngày hôm đó – vào một thế giới của nghệ thuật, của sức sống sục sôi. Anh đốt cháy linh hồn trong từng lời ca, và anh trở thành một ngọn lửa. Như bị dụ hoặc, như được gọi mời, 100 sinh viên đều hòa thanh cùng với anh.
Gần 10 năm từ lần ngày đó, tôi ra trường và theo nghề báo. Niềm háo hức săn tìm vé và tham dự những đêm nhạc của anh – dù rất hiếm hoi – vẫn là lạc thú không thể nào phai mờ đối với cá nhân tôi. Một đôi lần, tôi gặp anh trong các sự kiện ở tận phía Nam. Lần khác, chúng tôi lướt qua nhau tại một thị trấn mây mờ trên cung đường phượt Tây Bắc. Ở đâu, lần nào, thời gian dù ngắn dù dài, anh vẫn là trung tâm của mọi sự vật quanh mình. Ai cũng hồ hởi khi gặp anh, cây cỏ hoa lá đá nắng suối đèo cũng đẹp hơn nhờ Trần Lập.
Vậy mà anh đã qua đời! Nhanh quá...
Tin anh mắc bệnh ung thư chỉ xuất hiện 4 tháng trước. Sau đó, thấy anh khỏe lại. Mới đầu tháng này, đi làm tin về hoạt động của anh tại bệnh viện, vẫn thấy anh cười nói phấn khởi trước các bệnh nhân ung thư. Anh vẫn hết lòng động viên họ, truyền lửa cho họ.
Hôm trước Tết, anh còn đi đá bóng tại sân của trung tâm huấn luyện bóng đá của VFF. Bữa ấy, tôi nhớ rằng mình đã bị sốc khi thấy cơ thể anh gầy sọp, bắp chân lều khều trong chiếc quần đùi rộng, nhưng anh vẫn thi đấu hết mình. Như một phản ứng bản năng, sự hâm mộ và thán phục Trần Lập lại trào lên trong tôi. Dựa vào ý chí kiên cường, một vài người có thể làm được những điều thật kỳ diệu.
Với sự quan sát của cá nhân tôi, không quá khi nói rằng, 4 tháng cuối cùng của cuộc đời nhạc sỹ, ca sỹ Trần Lập là thời gian ngọn lửa trong anh cháy nồng nhiệt nhất, dữ dội nhất, và mang lại nhiều sự sục sôi nhất cho những người xung quanh. Khi đương đầu với bệnh hiểm nghèo, khi cận kề chênh vênh bên bờ vực sống chết, Trần Lập đã đốt cháy bản thân một cách quyết liệt và dữ dằn nhất để những tháng ngày ít ỏi còn lại không trôi qua uổng phí. Anh nói rằng: “Nếu phải lựa chọn sống – chết, đen – trắng, cao – thấp, phải – trái, thì tôi vẫn tin rằng, lằn ranh giữa những cái đó là thách thức đòi hỏi chúng ta luôn phải nỗ lực hơn, nhưng nó cũng giúp ta thấy giá trị cuộc sống lớn hơn”. Anh nói đúng!
Hãy yên nghỉ, người đàn ông hát “Rốc xuyên màn đêm”!