Chính trị

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí trả lời chất vấn

Bình Nguyên 20/03/2023 17:10

Chiều nay (20/3), phiên họp thứ 21 của UBTVQH tiếp tục với phần chất vấn Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí.

200320230342-z4196890437332_bcc0cadf5d9f70372357405bc6227e03.jpg

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) chất vấn, qua báo cáo của Viện Kiểm sát, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm thuộc thẩm quyền chưa đạt tỷ lệ Quốc hội giao. Theo đó, có hàng ngàn đơn chưa được xem xét xử lý, trong đó có thể có quyết định bản án có sai sót, oan sai và quá thời hạn kháng nghị. Đại biểu đề nghị Viện trưởng làm rõ nguyên nhân của tình trạng trên và giải pháp căn cơ về vấn đề này.

Trả lời đại biểu, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho biết, pháp luật quy định hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Tuy nhiên, thực tế ở nước ta có tâm lý sau khi nhận được quyết định bản án có hiệu lực thi hành đương sự có ngay đơn giám đốc thẩm, dẫn đến tình trạng xét xử không có điểm dừng và ngày càng nhiều đơn đề nghị giám đốc thẩm.

Trách nhiệm xem xét đơn kháng nghị là của cả Tòa án và Viện Kiểm sát. Tuy nhiên, hai ngành cùng giải quyết một vụ việc thì ngành nào thuận lợi hơn, ngành kia sẽ không làm, thì lại không đạt tỷ lệ giải quyết. Đối với những vụ việc mà Viện Kiểm sát có hồ sơ thì đều giải quyết đạt trên và vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, nếu tính cứ có đơn là phải giải quyết thì ngành Kiểm sát không đạt, bởi nhiều vụ việc không có hồ sơ.

200320230227-z4196790949907_587c5c593e21febf180777f80a1cfbc4(1).jpg
Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí trả lời chất vấn.

Viện trưởng cũng cho hay, việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là áp lực lớn với cả ngành Tòa án và Viện Kiểm sát. Ngành Kiểm sát cũng nỗ lực, cử Kiểm sát viên phân loại và xử lý, kiểm soát tỷ lệ giải quyết đơn. Tuy nhiên, phải có sự đồng bộ từ quy định của pháp luật, nhận thức của người dân, sự nỗ lực của ngành thì mới có thể kiểm soát được.

Về kiểm sát án hành chính, Viện trưởng  Lê Minh Trí cho biết, hiện nay, phần lớn án hành chính liên quan đến đất đai. Thời gian tới, cần giải quyết những bất cập trong Luật Đất đai, từ đó hạn chế khiếu kiện tranh chấp, giá trị đất đai xác định khách quan.

Mặt khác, trong án hành chính có yếu tố cả nể. Cùng với đó, án hành chính liên quan đến quá trình dài, tính chất phức tạp, hồ sơ tài liệu không phải lúc nào cũng được cơ quan hành chính cung cấp đầy đủ, hay việc tham gia phiên tòa của người đứng đầu cơ quan bị khởi kiện hạn chế, hay khi bản án có hiệu lực thi hành thì không phải lúc nào cũng được nghiêm túc thi hành. Từ những nguyên nhân trên ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết án hành chính. Do đó, cần xem xét căn cơ từ pháp luật đến mối quan hệ giữa các cơ quan trong hệ thống.

Về giải pháp hoàn thiện thể chế kinh tế, Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng đây là vấn đề lớn, vĩ mô liên quan đến nhiều cấp ngành. Dưới góc độ của ngành Kiểm sát, Viện trưởng VKSNDTC kiến nghị tăng cường công khai minh bạch trong quản lý xã hội, nhà nước, tăng cường hiệu lực hiệu quả cải cách hành chính; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, dễ hiểu, dễ áp dụng và không thể làm khác. Đồng thời cần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, kịp thời chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan chức năng giải quyết xử lý, tăng tính răn đe.

Về kết quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự của ngành Kiểm sát, Viện trưởng cho hay, kết quả năm sau cao hơn năm trước, hàng năm đều đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội. Tỷ lệ oan, sai cũng giảm dần theo từng năm, từng nhiệm kỳ Quốc hội và chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng bị can, bị cáo đã truy tố, xét xử.

VKSND các cấp đã chủ động thực hiện nghiêm, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của ngành nên đã hạn chế tối đa việc bỏ lọt tội phạm, trong đó có tội phạm kinh tế, chức vụ như trong quá trình giải quyết các vụ án như AIC Đồng Nai, Việt Á,...

Cùng với đó, các vụ án về kinh tế, chức vụ đều được ngành Kiểm sát xử lý có căn cứ, đúng pháp luật, kịp thời, nghiêm minh, đạt lý, thấu tình, đáp ứng các yêu cầu chính trị của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra một số trường hợp Tòa án trả hồ sơ để yêu cầu khởi tố tội phạm mới và người phạm tội mới; bị can phải đình chỉ do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, có trường hợp Viện Kiểm sát phải rút quyết định truy tố.

Về vấn đề chống chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, tạo cơ chế để không thể, không muốn, không dám tham nhũng, Viện trưởng VKSNDTC cho rằng, cần có cơ chế quản lý, hệ thống pháp luật chặt chẽ, quy định chế tài quản lý nhà nước thật tốt để người có quyền không dám lợi dụng quyền lực, bên cạnh đó cần nghiên cứu để có lộ trình thay đổi cơ chế, chính sách đảm bảo cán bộ an tâm công tác.

Viện trưởng VKSNDTC kiến nghị, hiện nay chế độ chính sách cho cán bộ các cấp mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Chúng ta cần nghiên cứu lộ trình, giải pháp để đảm bảo chế độ để cán bộ yên tâm công tác. Đảm bảo giảm bớt khó khăn cho người cán bộ tâm huyết, muốn giữ gìn sự trong sáng, đạo đức nghề nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí trả lời chất vấn