Bộ Y tế khẳng định, việc áp dụng mức viện phí mới sẽ được thực hiện theo lộ trình, không đồng loạt tăng trên cả nước.
Tại hội nghị hướng dẫn thực hiện mức thu viện phí mới tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn khẳng định việc áp dụng viện phí mới được thực hiện từng bước, thận trọng, theo lộ trình điều chỉnh giữa các địa phương, tỷ lệ tham gia BHYT.
Việc tăng viện phí không áp dụng cùng lúc vì liên quan đến kinh tế vĩ mô, chỉ số tiêu dùng. “Việc này cũng tương tự như triển khai thông tư 37 điều chỉnh viện phí trong năm 2016, đến tháng 4/2017 mới điều chỉnh tăng viện phí hết 63 tỉnh thành phố", ông Tuấn nói.
Theo đó, đợt viện phí mới áp dụng cho bệnh nhân không có bảo hiểm y tế sẽ được chia theo lộ trình từ. Cụ thể vào tháng 8 khoảng 30 tỉnh thực hiện viện phí mới; 15 tỉnh thành áp dụng vào tháng 10 và 18 tỉnh thành còn lại áp dụng vào tháng 12/2017.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho hay việc áp dụng lộ trình tăng viện phí nhằm kiểm soát lạm phát năm 2017, Bộ Y tế cũng cho rằng thời điểm này người chưa có thẻ nên sớm tham gia bảo hiểm y tế.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội VN, trong số gần 20 triệu người chưa có bảo hiểm y tế, có trên 1 triệu là người cận nghèo, số còn lại là buôn bán nhỏ, người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình…
Được biết sẽ có gần 100 bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh thuộc nhóm tự chủ tài chính hoàn toàn sẽ áp dụng mức viện phí mới này từ tháng 6-7 năm 2017.
Trên 1.900 danh mục dịch vụ sẽ áp dụng viện phí mới, tăng từ 20 - 50% so với hiện hành, cá biệt có những dịch vụ sẽ tăng giá 2-3 lần.