“Trong nhiệm kỳ, việc cho các bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ tiếp tục được Tòa án các cấp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ”… là nội dung đáng chú ý được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh khi trình bày Báo cáo thẩm tra tại phiên họp UBTVQH sáng ngày 12/01.
Phiên họp của UBTVQH cho ý kiến về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của TANDTC.
Việc tuyên án treo được kiểm soát chặt chẽ
Đối với công tác xét xử các vụ án hình sự, Thẩm tra của Ủy ban Tư pháp nêu rõ, trong nhiệm kỳ qua, TAND các cấp đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự và đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua xét xử, TAND các cấp đã ban hành nhiều kiến nghị với các cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục nguyên nhân, điều kiện phạm tội và được các cơ quan nghiêm túc tiếp thu, thực hiện. Hầu hết các vụ án đưa ra xét xử đều trong thời hạn luật định; riêng án kinh tế, tham nhũng, không có vụ án nào để quá thời hạn. Việc Tòa án bảo đảm tranh tụng tại phiên tòa ngày càng được tăng cường, tạo điều kiện cho các bên thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ luật định.
Hình phạt mà Tòa án áp dụng cơ bản nghiêm minh, đúng pháp luật. Việc cho các bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ tiếp tục được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu của Quốc hội (không quá 1,5%) và giảm dần qua các năm. Đã đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời các vụ án tham nhũng (1.145 vụ/2.600 bị cáo), chú trọng áp dụng các biện pháp nhằm tăng tỷ lệ thu hồi tài sản. Tỷ lệ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung được Viện kiểm sát nhân dân chấp nhận đạt cao (9.141 vụ án), trong đó, nhiều trường hợp trả hồ sơ do phát hiện giai đoạn điều tra, truy tố bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Đặc biệt, trong cả nhiệm kỳ, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội.
Có được những kết quả nêu trên là do nhiều giải pháp đột phá, thiết thực đã được đề ra và triển khai quyết liệt trong toàn hệ thống Tòa án nhiệm kỳ qua, Báo cáo của TANDTC nhấn mạnh.
Giải pháp tăng cường xây dựng pháp luật, tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật và phát triển án lệ được TANDTC đặc biệt chú trọng, theo đó, đã thiết lập hộp thư điện tử để tiếp nhận những vướng mắc về chuyên môn nghiệp vụ của các Tòa án; đa dạng hóa các phương thức hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; tổ chức đối thoại trực tuyến giữa Hội đồng Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán các cấp Tòa án để trao đổi, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử; xây dựng Trang tin về án lệ trên internet để tạo diễn đàn bình luận, tiếp nhận và cung cấp thông tin phục vụ hoạt động phát triển án lệ.
Đã triển khai đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp theo hướng thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng; bảo đảm cho các bên đương sự thực hiện đúng và đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ tố tụng của họ; Hội đồng xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; tập huấn chuyên sâu về kỹ năng điều hành tranh tụng tại phiên tòa; xây dựng tiêu chí, yêu cầu cụ thể của phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp.
Triển khai nhiều giải pháp then chốt, có tính đột phá
TANDTC cũng triển khai nhiều biện pháp quyết liệt và thiết thực để nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án. Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải tranh chấp dân sự, đối thoại khiếu kiện hành chính để hạn chế tối đa việc mở phiên tòa xét xử, từ đó tiệt kiệm thời gian, công sức, kinh phí của người dân và Nhà nước. Tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, giao chỉ tiêu mỗi năm, mỗi Thẩm phán phải đăng ký thực hiện ít nhất 01 phiên tòa để tổ chức rút kinh nghiệm chung trong cơ quan, đơn vị; đây chính là giải pháp hữu hiệu để các Thẩm phán tự đào tạo, tự học tập thông qua việc rút kinh nghiệm từ chính thực tiễn xét xử.
Tòa án cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết các loại vụ việc nhằm đảm bảo sự thống nhất nhận thức về áp dụng pháp luật, phát hiện và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn xét xử; khẩn trương thu thập, bổ sung tài liệu, chứng cứ, hoàn thiện hồ sơ để đưa vụ án ra xét xử.
Cùng với đó là tập trung nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, như: tập trung rà soát, phân loại để ưu tiên giải quyết các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị; đề cao trách nhiệm trong việc phát hiện và kiến nghị về các sai lầm nghiêm trọng trong bản án, quyết định; sửa đổi, bổ sung quy trình xử lý đơn đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định; biệt phái các cán bộ có kinh nghiệm của các Tòa án để tăng cường công tác giải quyết đơn; bổ sung đội ngũ Thẩm phán cho các TAND cấp cao; thực hiện nghiêm quy định về chuyển hồ sơ vụ án phục vụ công tác giám đốc thẩm, tái thẩm; tổ chức nhiều Hội nghị chuyên đề, Hội nghị giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ cho các Tòa án. Kết quả là, công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong nhiệm kỳ có nhiều chuyển biến rõ rệt cả về tiến độ và chất lượng giải quyết.
Tỷ lệ đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã giải quyết tăng qua các năm và tăng mạnh so với đầu nhiệm kỳ (tăng 26,2%). Các kháng nghị của Chánh án có thẩm quyền đều được Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm chấp nhận. Đã khắc phục căn bản việc có văn bản trả lời không có căn cứ kháng nghị, sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử. Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp đánh giá rất cao những chuyển biến trong công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án các cấp.
Đã thực hiện việc công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử TAND. Đây chính là cơ chế kiểm soát chặt chẽ, qua đó nâng cao năng lực, trách nhiệm của Thẩm phán, tăng tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, cũng như tạo điều kiện để nhân dân giám sát hoạt động xét xử của Tòa án.
Cùng với đó, TANDTC đã triển khai nhiều giải pháp then chốt, đột phá khác như: tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Tòa án; đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án; tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác và ứng dụng nhiều phần mềm để giúp người dân tiếp cận với Tòa án thông qua mạng internet như phần mềm tiếp nhận và thụ lý đơn qua mạng, phần mềm cấp sao trích lục bản án….