Chính trị

Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng cần đảm bảo tính nhân văn

Nguyên Bình 30/05/2023 - 21:18

Nêu rõ nội dung trên, đại biểu Trần Đức Thuận (đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) cho rằng, khi người lấy phiếu có 2/3 phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cũng nên tạo điều kiện cho họ xin từ chức, chứ không cần thiết phải miễn nhiệm nữa.

Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Nghị quyết này dự kiến thay thế Nghị quyết 85 năm 2014, chuẩn bị cho việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ với các chức danh Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn vào cuối năm nay.

Phát biểu thảo luận, các đại biểu cho rằng, việc ban hành Nghị quyết bảo đảm việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND được thực hiện nghiêm túc, khách quan, minh bạch, đúng pháp luật; tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội, HĐND đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

dai-bieu-nguyen-quoc-han.jpg
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) phát biểu thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho rằng, hiện có nhiều cán bộ, công chức viên chức dậm chân tại chỗ, không dám làm gì, không biết làm sao cho đúng. Những ai làm tốt hay không dám làm dân đều biết hết và có thể đánh giá được

Kinh nghiệm cho thấy không có gì qua mắt được dân, có thể họ nói ra hoặc không nói ra, nhưng mọi việc nhân dân đều biết. Ai làm tốt, ai dám làm, ai không… nên không sợ chuyện đánh giá ai không dám làm, dám làm.

Đại biểu cũng kiến nghị, nên quy định 5 năm lấy phiếu tín nhiệm 2 lần. Lần đầu là 2 năm sau khi được bổ nhiệm, phê chuẩn, vì đây là kênh để rà soát năng lực cán bộ ở vị trí được bầu, được bổ nhiệm. Theo đại biểu, cán bộ không phải vị trí nào cũng làm được, họ có thể làm tốt vị trí này, nhưng khi vào vị trí khác thì có thể có nhiều vấn đề nên khả năng hoàn thành nhiệm vụ không cao.

Lần lấy thứ hai là sau 4 năm giữ chức, tiếp tục xem xét lần cuối, chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ mới. Sau 4 năm, cán bộ nào làm tốt thì đã có kết quả, và đây cũng là kênh rà soát lại, bổ sung quy hoạch, loại bỏ quy hoạch các cán bộ không được tín nhiệm.

Về phiếu tín nhiệm, đại biểu cho rằng nên chỉ hai mức là tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp thôi. Tín nhiệm thấp trên 50% là bỏ phiếu tín nhiệm với hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm.

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn ĐBQH tỉnh Bắk Kạn) cho rằng, việc bổ sung quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, vì có việc lãnh đạo mắc bệnh hiểm nghèo thì không thể tham gia điều hành công tác được, thể hiện tính nhân văn.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính chặt chẽ, đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu khi có xác nhận của cơ sở y tế thì phải quy định rõ xác nhận cơ sơ y tế của cấp nào?, xã, huyện, hay bệnh viện trung ương?. Vì phạm vi lấy phiếu tín nhiệm ở cấp Quốc hội thì dễ triển khai, nhưng khi triển khai xuống HĐND các cấp, các cơ quan tại dưới cơ sở sẽ xảy ra tình huống địa phương sẽ hỏi cơ sở y tế cấp nào? huyện, tỉnh, hay bệnh viện trung ương? Do đó cần quy định cho chặt chẽ.

Theo dự thảo Nghị quyết, việc lấy phiếu tín nhiệm hiện nay, hệ quả pháp lý đã rất rõ khi trên 50% phiếu tín nhiệm thấp thì phải từ chức. Nếu không sẽ bị bỏ phiếu tín nhiệm. Còn trên 2/3 tín nhiệm thấp thì tiến hành miễn nhiệm.

Đại biểu Trần Đức Thuận (đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) cho rằng, trong lấy phiếu tín nhiệm cũng nên nhân văn. Theo đó, khi người lấy phiếu có 2/3 phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cũng nên tạo điều kiện cho họ xin từ chức, chứ không cần thiết phải miễn nhiệm nữa.

hop-to-dong-nai-cao-bang-ha-tinh1.jpg
Các đại biểu thảo luận tại tổ chiều nay 30/5.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng cho hay, nhiệm kỳ khoá XIII Quốc hội tổ chức hai lần lấy phiếu tín nhiệm, vào năm thứ 2 đầu nhiệm kỳ và năm thứ 4 cuối nhiệm kỳ. Sau tổng kết, rà soát thì tới khoá XIV thực hiện theo Nghị quyết 85, chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần giữa nhiệm kỳ.

Qua nghiên cứu quy định 96 của Trung ương, Ban soạn thảo đưa ra quy định tại dự thảo Nghị quyết hiện tại, tức là lấy phiếu tín nhiệm một lần vào năm giữa nhiệm kỳ.

Còn về đối tượng không lấy phiếu tín nhiệm, chỉ duy nhất người bị bệnh hiểm nghèo không điều hành từ 6 tháng trở lên thì không lấy phiếu. Đây cũng là đối tượng bổ sung mới so với quy định 96, bà Thanh cho biết.

Theo bà Thanh, việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là hai “nấc” khách nhau. Bỏ phiếu tín nhiệm là hệ quả của lấy phiếu tín nhiệm với trường hợp tín nhiệm thấp từ 50% trở lên hoặc 2/3 tín nhiệm thấp. Nếu họ không tự từ chức thì sẽ bỏ phiếu tín nhiệm. Do đó việc bỏ phiếu tín nhiệm thực chất là miễn nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng cần đảm bảo tính nhân văn