Nhân ngày Thế giới phòng chống bệnh lao (24-3), ngày 23-3, nhiều hoạt động hưởng ứng sự kiện này đã diễn ra ở các địa phương.
Đến nay, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách 22 nước mà bệnh lao là gánh nặng quốc gia. Mỗi năm ước tính có khoảng 180.000 bệnh nhân mắc bệnh lao mới và 29.000 ca tử vong do bệnh lao. Bên cạnh đó, Việt Nam xếp thứ 14 trong 27 quốc gia có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao trên toàn cầu. Trong những năm gần đây, bệnh lao có xu hướng giảm nhưng tốc độ còn chậm, ước tính không quá 4%/năm, đặc biệt bệnh lao trên người nhiễm HIV đang có chiều hướng gia tăng.
Việt Nam đặt ra mục tiêu, đến năm 2015 sẽ giảm 50% số bệnh nhân mắc lao so với ước tính năm 2000, đồng thời khống chế tỉ lệ bệnh nhân lao đa kháng thuốc bằng mức năm 2010, và đến năm 2030, Việt Nam cơ bản sẽ thanh toán được bệnh lao.
Thiếu hụt cán bộ làm công tác chống lao do nguy cơ lây nhiễm cao
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lo lắng rằng, làm sao thực hiện được mục tiêu trên trong khi trước mắt còn rất nhiều khó khăn thách thức như: thiếu hụt cán bộ làm công tác chống lao do nguy cơ lây nhiễm cao và thu nhập thấp; nhiều cán bộ làm công tác chống lao tuyến huyện chưa được đào tạo, người dân có thói quen tự chữa bệnh không cần thầy thuốc…
Một vấn đề cũng hết sức quan trọng là làm sao hỗ trợ, đảm bảo cho người mắc lao là đối tượng khó khăn về kinh tế, gia cảnh neo đơn được điều trị lao đúng, đủ, đều đặn. Phần lớn bệnh nhân lao bỏ trị thậm chí là người mắc lao đa kháng thuốc từ chối điều trị mặc dù thuốc được cung cấp miễn phí nằm trong hoàn cảnh này.
Hưởng ứng ngày Thế giới chống lao năm 2012, hôm nay, tại Hà Nội, Bệnh viện phổi Hà Nội và Trung tâm Phòng chống lao và bệnh phổi Hà Đông đã tổ chức lễ míttinh, diễu hành hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bệnh lao.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, hiện Việt Nam mới chỉ phát hiện được gần 60% số bệnh nhân lao mới, khoảng 10% bệnh nhân kháng đa thuốc xuất hiện hàng năm. Trong số này, chỉ có 2%-3% được điều trị và quản lý. Tổng số bệnh nhân lao phát hiện mỗi năm gần đây là 5.000 bệnh nhân lao mọi thể, trong đó có 2.500 lao phổi BK dương tính được điều trị bằng DOST, tỷ lệ bệnh nhân khỏi bệnh đạt trên 90%. Đây là cố gắng của những người làm công tác chống lao của thành phố Hà Nội.
Năm 2011, Bệnh viện phổi Hà Nội đã khám cho 77.388 người nghi lao tại các tuyến (đạt 129% chỉ tiêu năm), đạt 1% dân số được khám nghi lao. Chương trình chống lao đã tổ chức nhiều đợt khám phát hiện chủ động tại các Trung tâm Giáo dục lao động của thành phố nhằm nâng cao tỷ lệ người dân thành phố được khám phát hiện bệnh lao và góp phần vào các hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng... Bệnh viện đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, giải pháp kỹ thuật và hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng khám, điều trị cho bệnh nhân lao.
Tại Nam Định, Ban chỉ đạo chương trình chống lao tỉnh Nam Định phối hợp với Sở Y tế tỉnh đã tổ chức phát động Tháng hành động phòng chống bệnh lao với chủ đề “Vì Việt Nam không còn bệnh lao", tập trung vào các hoạt động tuyên truyền nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng về bệnh lao, lao/HIV và lao đa kháng thuốc, với các sự kiện như mít tinh, diễu hành cổ động về bệnh lao; treo băng rôn tại những nơi tập trung đông người; tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV cho người mắc lao và khám sàng lọc cho người HIV (+).
Cùng với đó, kêu gọi tăng cường đầu tư nguồn lực của các cấp chính quyền cho công tác chống lao; nâng cao kiến thức của cộng đồng về bệnh lao, giảm mặc cảm và kỳ thị về bệnh lao của người dân, cũng như bệnh nhân lao; huy động các ngành, các tổ chức xã hội, người bệnh lao và cộng đồng tham gia vào công tác phòng chống lao. Tăng cường phối hợp y tế công, tư trong phòng chống bệnh lao đến các cơ sở y tế công, tư ngoài Chương trình chống lao, cũng như một số xí nghiệp, nhà máy lớn trên địa bàn.
Năm 2011, Nam Định đã phát hiện 1.823 trường hợp bệnh nhân mắc bệnh lao. Trong đó, lao phổi AFB (+) là 1.102 trường hợp; lao phổi AFB (-), LNF là 721 trường hợp; lao trẻ em là 28 trường hợp; lao/HIV là 77 trường hợp và lao kháng thuốc là 21 trường hợp.
Tuyết Mai - Thuỳ Dung