Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại kỳ họp thứ 14 được thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nhận được sự quan tâm, hoan nghênh và đồng tình cao của cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Những ngày qua, cán bộ và nhân dân, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến thông tin đầy đủ việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét việc kỷ luật với một Ủy viên Bộ Chính trị đương chức liên quan đến những thiếu sót và vi phạm trong quá khứ và tin tưởng, kỳ vọng vào sự nghiêm minh của Đảng, mà trực tiếp là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII.
Những cán bộ có sai phạm cần được xử lý đúng pháp luật, bất kể người đó là ai; cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải chịu trách nhiệm về những vi phạm và hậu quả đã gây ra.
Thực ra trong công tác kiểm tra kỷ luật của Đảng, đây không phải là lần đầu tiên Đảng ta xử lý kỷ luật cán bộ lãnh đạo cấp cao có sai phạm. Trước đó đã từng có Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Trung ương bị xem xét kỷ luật theo đúng tinh thần và nội dung Điều lệ Đảng.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có đề nghị xem xét kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng và BTV Đảng ủy PVN
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa qua, vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Việt Nam do ông Đinh La Thăng làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn giai đoạn 2009 - 2015 là rất nghiêm trọng, như thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý tổ chức đảng, đảng viên; không kiểm tra, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với nhiều cán bộ lãnh đạo đơn vị thuộc Tập đoàn;
Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật; Trường hợp Trịnh Xuân Thanh là người đứng đầu Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng nhưng vẫn được điều chuyển, bổ nhiệm chức trách mới cho thấy vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước chưa được phát huy, nhất là công tác kiểm tra, giám sát; nếu công tác này tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, sẽ sớm phát hiện, ngăn chặn kịp thời vi phạm, không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như vậy.
Đặc biệt là người đứng đầu doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, thậm chí làm trái quy định của pháp luật, không chấp hành nghiêm một số ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.
Trong thời gian qua, đặc biệt là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về xây dựng Đảng, nhiều vụ việc, vụ án lớn, phức tạp đã bị khởi tố, truy tố, điều tra, xét xử với nhiều mức án, hình thức kỷ luật thỏa đáng một số cán bộ lãnh đạo cấp cao liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh, cán bộ liên quan sự cố về môi trường tại bốn tỉnh miền Trung.
Việc phải xem xét, xử lý kỷ luật một tổ chức, hoặc cá nhân trong hệ thống chính trị là việc làm chẳng đặng đừng, có khi rất đau lòng, nhưng đó là đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định, chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người!