Ao, hồ, sông, suối là môi trường để trẻ con nông thôn học bơi. Thế nhưng, hiện nay ao, hồ, sông suối tại một số tỉnh "bị đô thị hóa", ô nhiễm nên môi trường học bơi của trẻ con nông thôn bị thu hẹp.
Mối lo “mù bơi” của trẻ em nông thôn là có thật
Trẻ em ở thành phố độ tuổi cấp 1, thậm chí những gia đình có điều kiện con mới 2 tuổi đã cho đi học bơi để phòng chống tai nạn đuối nước, đồng thời giúp con có một môn thể thao giải trí, nâng cao sức khỏe. Thế nhưng, tại khu vực nông thôn để có một bể bơi đạt chuẩn cho trẻ em học bơi là rất khó.
Dường như không gian bơi dành cho trẻ em nông thông ngày càng bị thu hẹp, bể bơi chuyên dụng rất hiếm hoi. Ảnh HP.
Trước đây, ao, hồ, sông suối chính là nơi để các em học cũng như rèn luyện. Nhưng hiện nay, tình trạng nước các ao hồ bị ô nhiễm, không đảm bảo an toàn, đặc biệt là vùng ven đô, hay các khu công nghiệp. Bởi mức độ đô thị hóa cao đang dần làm biến mất dần những ao, hồ hay làm ô nhiễm nguồn nước dẫn đến các địa điểm học bơi “truyền thống” của trẻ em nông thôn bị thu hẹp dần.
Lo lắng tình trạng con không biết bơi, tai nạn đuối nước rình rập, anh Hà Văn Vĩnh (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) chia sẻ: “Hiện nay tình trạng trẻ em ở nông thôn đuối nước rất nhiều, tình trạng tăng bởi các con không có cơ hội học bơi, ở các trường học thì bê bơi chưa có, đồng thời nghỉ hè ao hồ, sông suối ở nông thôn là nơi để định hình các con học bơi bây giờ bị ô nhiễm. Do nước thải, do quá trình sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật… dẫn đến nguồn nước không đảm bảo. Ở thời tôi, đi tắm ao, đi học bơi về không sao. Nhưng giờ nguồn nước bị ô nhiễm, rửa chân về phải rửa lại không dễ bị ngứa, ghẻ làm sao có thể an tâm cho con học bơi”.
Anh Vĩnh cho biết thêm, điều lo ngại hiện nay là số trẻ em nông thôn không biết bơi ngày càng tăng, bởi các em không có môi trường để học. Trước đây, nói ở thành phố không có ao hồ, sông suối để học bơi. Nhưng giờ hình thành các bể bơi công cộng nên các em có thể đến học bơi vào mùa hè hoặc những ngày cuối tuần dù giá cả có đắt đỏ cũng không sao.
Khác với trẻ em nông thôn, tại các thành phố lớn thường có các bể bơi chuyên dụng, bể bơi 4 mùa để các em có thể có không gian để học. Ảnh minh họa. Ngô Chuyên.
Anh Vĩnh nhấn mạnh: “Những năm gần đây, nguồn nước ao hồ bị ô nhiễm bắt nguồn từ việc các ao hồ được san lấp để xây dựng nhà ở cho nên các ao không được thông nguồn nước. Cùng với đó là nước sinh hoạt của người dân cũng đổ ra các ao nhiều hơn, vì vậy mà nguồn nước càng ngày càng bẩn khiến rửa tay còn sợ chứ không nói đến tắm rửa như trước đây”.
Dù rất muốn con học bơi, nhưng nhiều phụ huynh cũng không muốn con ngâm mình trong nguồn nước không đảm bảo. Chính vì vậy, phụ huynh đành chấp nhận là con mình không biết bơi dù biết rõ nạn đuối nước vẫn luôn rình rập.
Vẫn còn nhiều hạn chế vì điều kiện
Huyện Mỹ Yên là một nơi tập trung rất nhiều khu công nghiệp, chính vì vậy thời gian làm ở các nhà máy, xí nghiệp đã chiếm hết gần như thời gian của nhiều phụ huynh, bởi vậy họ không có thể đưa con đi học bơi hay dạy con bơi.
Chia sẻ với PV, chị Lê Thị Mỹ (quê ở Hải Hậu, Thái Bình), làm công nhân tại khu công nghiệp Phố Nối, Hưng Yên cho biết: “Mình đi làm từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối. Về xong thì cơm nước cho chồng con thì lấy thời gian đâu mà mang con đi bơi được. Có cuối tuần cho con đi bơi ở hồ bơi để đảm bảo thì giá cả đắt đỏ cộng thêm cuối tuần đông quá cháu không có chỗ để học bơi được”.
Cũng có suy nghĩ như chị Mỹ, chị Nguyễn Thị Hà (công nhân tại khu công nghiệp Phố Nối – Hưng Yên) nói: “Thực sự lương công nhân khá thấp, chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Mà học bơi hiện nay giá cũng khá đắt đỏ, đồng thời khi đưa con đi phải có người kèm mà công nhân làm cả ngày, thậm chí có hôm còn tăng ca thì lấy đâu thời gian. Dẫu biết là con mù bơi là không tốt nhưng điều kiện không cho phép cũng đành bấm bụng thôi”.
Dẫu hiện nay, chống tai nạn đuối nước đã được các tổ chức, ngành giáo dục đưa ra những hoạt động thực tiễn nhưng ở nhiều địa nơi vẫn chưa có bể bơi chuyên dụng, nguồn nước đảm bảo thể đáp ứng được nhu cầu hiện nay, đặc biệt là khu vực nông thôn.