Hàng năm, đến ngày 10 tháng 3 Âm lịch, người dân cả nước lại nô nức hướng về Đền Hùng (Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) làm lễ dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng.
Ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch) được công nhận là một trong những ngày Quốc lễ của Việt Nam thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của con dân người Việt.
Dân gian có câu “Dù ai đi ngược về xuôi - Nhớ ngày Giỗ tổ mùng Mười tháng Ba”. Ngày Giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành ngày lễ truyền thống trọng đại của dân tộc. Câu ca ấy đã in đậm trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Vậy nguồn gốc ngày Giỗ tổ Hùng Vương có từ bao giờ? Vì sao ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm làm ngày Giỗ tổ thì không phải ai cũng tỏ tường.
Theo giải thích của Nhà sử học Lê Văn Lan, hai câu “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ tổ mùng Mười tháng Ba” nằm trong một bài ca gồm 4 câu. Hai câu tiếp theo ở cuối bài là “… Khắp miền truyền mãi câu ca. Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”. Đó là một bài ca mà từ cú pháp đến thi pháp đều khá mới mẻ. Đặc biệt, ý tứ của câu cuối cùng khá gần gũi với những sáng tác trong phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX, thường dùng chủ đề Hùng Vương và Đền Hùng để cổ vũ niềm tin vào vận mệnh non sông.
Cũng theo Nhà sử học Lê Văn Lan, tại Kính thiên lĩnh điện (Điện núi thờ Trời) trên núi Hùng, còn gọi là đền Thượng, có hai tấm bia cổ.
Tấm bia thứ nhất có tên là "Hùng miếu điển lệ bia" có ghi: "Xã Hy Cương, phủ Lâm Thao có lăng miếu phụng thờ Hùng Vương ở núi Hùng, trải các năm cả nước đến lễ, thường lấy kỳ mùa thu, chọn vào ngày tốt làm lễ, chưa có việc định rõ ngày mà tục lễ của dân xã đó, lấy ngày 11/3, kết hợp với thờ thần thổ kỳ, làm lễ riêng, thường hứng bất kỳ, hội họp cũng lãng phí theo sở thích, còn lòng thành thì kém đi.
Nay cẩn thận tính lại rằng, từ đây về sau, lấy ngày 10/3, lĩnh tiền chi vào việc công, phụng mệnh kính tế trước một ngày so với ngày hội tế của bản hạt khiến dân sĩ mọi miền đến đây có nơi chiêm bái". (Công văn Bộ lễ triều Nguyễn đề ngày 25/7 năm Khải Định thứ nhất tức 1917).
Tấm bia thứ hai mang tên "Hùng Vương từ khảo" (tức Đền Hùng Vương khảo cứu) do tham chi Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ lập, ghi: "Trước đây, ngày Quốc tế (lễ) lấy vào mùa thu làm định kỳ.
Đến năm Khải Định (Dương lịch là 1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc có công văn xin Bộ lễ ấn định ngày 10/3 hằng năm làm ngày Quốc lễ, tức trước ngày Giỗ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (tức 11/3) thì do dân sở tại làm lễ.
Như vậy, kể từ năm 1917 mới có quy định chính thức của triều Nguyễn (đời vua Khải Định) lấy ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm làm ngày Quốc giỗ. Đặc biệt ngày 2/4/2007, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên ngày Giỗ tổ Hùng Vương.
Trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương, lễ dâng hương chính thức bắt đầu lúc 7h30 sáng ngày 10/3 Âm lịch. Sau khi đại diện tỉnh Phú Thọ đọc diễn văn tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước, lần lượt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, ban ngành Trung ương tiến vào thượng cung dâng hương, tưởng niệm.
Đối với người dân khắp mọi miền đất nước một lòng hướng về với đất tổ, dâng lên những mâm ngũ quả, hương hoa, hay sản vật bánh trưng, bánh dầy để bày tỏ lòng thành kính, sự biết ơn về cội nguồn cội. Họ mang theo niềm tin về sức khỏe bình an và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng được tốt tươi…
Không chỉ người dân khắp mọi miền đất nước mà những Việt kiều hay du khách quốc tế cũng về dự lễ hội Đền Hùng với một tinh thần lạc quan về một đất nước ngàn năm văn hiến.