Vì sao hơn 30 đơn vị từ chối tháo dỡ công trình 8B Lê Trực?

Trang Nhi| 25/02/2020 16:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 25/2, trong cuộc họp giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội, ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình thông tin việc hơn 30 đơn vị trên cả nước từ chối phá dỡ hai tầng sai phạm tại công trình số 8B Lê Trực.

Dự án 8B Lê Trực được UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tại Quyết định 2452 với các chỉ tiêu quy hoạch: công trình cao 17 tầng (chưa bao gồm 2 tầng kỹ thuật, tầng mái, tum thang), tổng cộng là 20 tầng với chiều cao tối đa 70m. Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cũng đã phê duyệt chấp thuận Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và phương án thiết kế kiến trúc kèm theo Văn bản số 499 với các chỉ tiêu quy hoạch 20 tầng (17 tầng, 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái, tum thang).

Tuy nhiên, sau 4 năm, công trình lại bị hồi tố khi Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh từ toà nhà cao 20 tầng với chiều cao 69,1m thành toà nhà chỉ còn 18 tầng với chiều cao 53m. Chính sự không đồng nhất của khâu quy hoạch chi tiết và Giấy phép xây dựng dẫn đến việc công trình 8B Lê Trực xây vượt tầng và quá chiều cao.

Vì sao hơn 30 đơn vị từ chối tháo dỡ công trình 8B Lê Trực?

Ông Tạ Nam Chiến báo cáo tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức chiều 25/2

Tại buổi họp, có rất nhiều câu hỏi của báo chí tập trung vào các vấn đề: GPXD cấp cho dự án đúng hay sai, phương án tháo dỡ an toàn, kiến nghị trả nhà cho cư dân có được xem xét thấu đáo, trách nhiệm của lãnh đạo địa phương cũng như các ban ngành liên quan có được làm rõ hay không….

Ông Tạ Nam Chiến – Chủ tịch UBND quận Ba Đình khẳng định: Trước hết, khi để xảy ra vi phạm thì trách nhiệm thuộc quản lý trật tự xây dựng tại địa phương trước hết là quận Ba Đình.

Về công tác xử lý vi phạm, vướng mắc lớn nhất là đề kỹ thuật, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ việc tháo dỡ công trình phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về kỹ thuật, công trình và an toàn kể cả trước trong và sau khi tháo dỡ. Vì vậy, mặc dù đã thông báo, chủ động tìm kiếm hơn 30 đơn vị có năng lực trên cả nước để tháo dỡ công trình, nhưng tất cả các đơn vị này đều từ chối, không hợp tác do sợ không đảm bảo an toàn cho công trình theo yêu cầu đề ra. Cho nên đến nay chúng tôi vẫn chưa có phương án thiết kế, tháo dỡ nào hợp lý.

Trước câu hỏi Quyết định xử phạt 2673 cấp ngày 12/10/2015 của UBND quận Ba Đình, sau đó là quyết định 32 ngày 9/1/2016, theo luật hành chính, đến nay đã hiệu lực, vì hiệu lực chỉ có 2 năm. Và thời gian tìm kiếm đơn vị tư vấn, tham gia tháo dỡ công trình có thời hạn nhất định hay không, làm cách nào để giải quyết dứt điểm vấn đề này. Ông Tạ Nam Chiến cho biết: Mặc dù không có quy định về thời hạn, nhưng quận đang rất nỗ lực, và đưa ra quan điểm không thể chờ đợi mãi được.

Thông tin liên quan đến vụ việc, Công ty Cổ phần may Lê Trực – đơn vị chủ đầu tư khẳng định Dự án 8B Lê Trực thuộc đối tượng không phải cấp phép xây dựng theo quy định của Nhà nước tại Điều 19, Khoản C nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ.

Theo đó, QĐ xử phạt do UBND quận Ba Đình ban hành trên cơ sở GPXD số 11/GPXD-SXD của Sở Xây dựng Hà Nội là không đúng với quy định pháp luật. Công ty Cổ phần may Lê Trực đã chủ động lập phương án tháo dỡ kèm theo dự toán chi tiết với giá trị trên 5 tỷ đồng. Khi công tác phá dỡ triển khai đến tầng 20 thì bị đình lại từ tháng 10/2016 đến nay. Công ty Cổ phần may Lê Trực đã nhiều lần đề nghị quận hoàn thiện hồ sơ thanh toán để quyết toán nhưng chưa hoàn thành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao hơn 30 đơn vị từ chối tháo dỡ công trình 8B Lê Trực?