Vì sao có việc biểu quyết hoãn thi hành Bộ luật Hình sự 2015?

Trọng Bằng| 28/06/2016 12:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ luật Hình sự đã được QH khóa 13 thông qua tại kỳ họp thứ 10 và công bố sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 tới đây. Tuy nhiên, do có nhiều nội dung còn sai sót nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin biểu quyết hoãn thời gian thi hành Bộ luật này.

Triệu tập họp bất thường biểu quyết hoãn thi hành

Ngày 27/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp với các trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố khóa XIII. Đây là cuộc họp bất thường, để trao đổi, thống nhất một số vấn đề liên quan đến những sai sót phát hiện được trong Bộ luật Hình sự 2015 khi chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến hạn thi hành (ngày 1/7/2016).

Trước đó, trong công văn mời các vị trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khoá 13 về dự họp, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, cuộc họp được tổ chức trên cơ sở xem xét đề nghị của các cơ quan, tổ chức hữu quan và tình hình thực tế.

Các vị trưởng đoàn cũng được lưu ý rằng, đây là hội nghị rất quan trọng, đề nghị các vị trưởng đoàn sắp xếp công việc để dự hội nghị đầy đủ. Trường hợp không thể tham dự, đề nghị cử phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội dự họp thay.

Được biết, thành phần dự họp còn có Chánh án Toà án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Đại diện Ban Nội chính Trung ương, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng được mời tham dự.

Sau cuộc họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội khóa XIII phiếu biểu quyết về nội dung hoãn thời gian có hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự  2015 đến ngày 1/1/2017. Trong thời gian đó, Bộ luật Hình sự hiện hành vẫn có hiệu lực thi hành.

Phiếu biểu quyết đã được chuyển đến tận tay từng vị đại biểu và các văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội được yêu cầu cử cán bộ trực tiếp mang phiếu bằng phương tiện nhanh nhất và bỏ vào hòm phiếu tại Nhà Quốc hội trước 15h ngày 29/6 tới.

Nếu đa số các đại biểu Quốc hội đồng ý theo phương án được trình, Bộ luật Hình sự 2015 sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017. Trong thời gian từ nay đến thời điểm đó, Quốc hội Khóa XIV sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung hơn 90 nội dung phát hiện có sai sót.

Trao đổi với phóng viên VOV, ông Nguyễn Anh Sơn, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định khóa XIII cho biết, sau cuộc họp, các đoàn đại biểu Quốc hội tiến hành họp khẩn, lấy ý kiến đại biểu Quốc hội và bỏ phiếu kín rồi niêm phong và cử người chuyển lên Hà Nội. Ban kiểm phiếu sẽ được bầu để thực hiện nhiệm vụ kiểm phiếu.

Đại diện nhiều đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh thành cũng cho biết, trong hôm nay, các đoàn đều tiến hành họp khẩn, lấy ý kiến ĐB, bỏ phiếu kín, niêm phong và cử người chuyển lên hòm phiếu tại toà nhà Quốc hội. Ban kiểm phiếu sẽ được bầu để thực hiện nhiệm vụ kiểm phiếu.

Có nhiều sai sót khó áp dụng vào thực tế

Bộ luật Hình sự được Quốc hội khóa 13 thông qua tại kỳ họp thứ 10 vào tháng 11/2015 và đã được công bố và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Tuy nhiên, sau đó bộ luật này được phát hiện có hơn 90 nội dung còn sai sót, trong đó có những quy định về định lượng giống hệt nhau ở các khung hình phạt khác nhau.

Vì sao có việc biểu quyết hoãn thi hành Bộ luật Hình sự 2015?

Đại biểu Quốc hội khóa 13 bấm nút thông qua Dự án luật. Ảnh minh họa

Theo Dân trí, ngày 27/11/2015, Bộ luật Hình sự 2015 được Quốc hội thông qua, cuối tháng 12/2015 được đăng công báo thì đến ngày 11/1/2016, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có công văn gửi Phòng Công báo (Văn phòng Chính phủ) đề nghị thay thế 4 trang tài liệu liên quan đến 6 điều luật ở Phần Chung và 4 điều luật ở Phần Các tội phạm. Lý do được nêu là do sơ suất về mặt kỹ thuật nên Bộ luật gửi đến phòng Công báo trước đó có sai sót.

Sau đó, vẫn còn những những sai sót khác được phát hiện. Những ngày vừa qua, dư luận nêu nhiều lo ngại xung quanh quy định của Điều 292 về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông. Cộng đồng khởi nghiệp (start up) tại Việt Nam, với những doanh nghiệp siêu nhỏ đang hình thành sẽ là đối tượng bị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ điều luật này.

Trên Báo Tuổi Trẻ, theo nguyên Chánh tòa hình sự TANDTC Đinh Văn Quế cho rằng: “Nếu nghiên cứu kỹ Bộ luật Hình sự 2015, có thể thấy một số điều luật nếu không có giải thích hoặc hướng dẫn thì không thể áp dụng được”.

Ví dụ Điều 175 (Điều 140 Bộ luật Hình sự 1999) quy định về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đã bỏ tình tiết “bỏ trốn để chiếm đoạt” trước đây quy định tại điểm a khoản 1 Điều 140 Bộ luật Hình sự. Vậy kể từ ngày 1/7/2016 trở đi cứ vay mượn, thuê tài sản của người khác rồi bỏ trốn để chiếm đoạt thì không phạm tội sao?

Hay như quy định Điều 12, người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội đã được liệt kê trong điều luật, còn các tội phạm khác không được “liệt kê” tại Điều 12 thì không phải chịu trách nhiệm hình sự…

Đáng chú ý là thời gian gần đây, cộng đồng doanh nghiệp đã phát hiện và bày tỏ nhiều lo ngại về tội danh hình sự mới được quy định tại Điều 292 của Bộ luật Hình sự mới sửa đổi. Đó là tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tội “kinh doanh trái phép” đã được bãi bỏ là một tín hiệu mừng cho cộng đồng doanh nghiệp nhưng với sự ra đời của Điều 292 thì tội “kinh doanh trái phép” lại có cơ hội xuất hiện trở lại.

Không những thế, Điều 292 còn là rào cản khiến cho nhiều doanh nghiệp e ngại khi khởi nghiệp. Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo chọn năm 2016 là năm quốc gia khởi nghiệp. Chính phủ đã và đang có nhiều giải pháp loại bỏ các rào cản để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn.

Theo Điều 292 Bộ luật Hình sự 2015, người nào cung cấp một trong các dịch vụ: kinh doanh vàng trên tài khoản; sàn giao dịch thương mại điện tử; kinh doanh đa cấp; trung gian thanh toán; trò chơi điện tử trên mạng; và các loại dịch vụ khác theo quy định của pháp luật trên mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép thì có khả năng bị truy tố hình sự.

Liên quan đến Điều 292, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, hiện VCCI đang tập hợp các ý kiến và dự kiến đề xuất đưa vào một luật sửa nhiều luật về kinh doanh mà Thủ tướng giao cho Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp và VCCI cùng tham gia soạn thảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao có việc biểu quyết hoãn thi hành Bộ luật Hình sự 2015?