Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ việc người vi phạm giao thông bị truy đuổi đến chết. Thế nhưng điều kỳ lạ là, những vụ việc này dường như bị quên lãng.
Sau khi phát hiện một chiếc xe máy chở 4 thanh niên ngông nghênh đi trên đường, hai dân quân địa phương là Lâm Quang Vũ và Phạm Hồng Vũ, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) đã cho xe máy truy đuổi để xử phạt. Trong quá trình truy đuổi, hai dân quân này đã khiến 4 đối tượng trên bị tai nạn giao thông. Khi vụ tai nạn xảy ra, thay vì cứu chữa nạn nhân, gọi cấp cứu, họ lại quay mặt bỏ đi khiến nạn nhân tử vong do bị va đập quá mạnh dẫn đến chấn thương sọ não.
Dân quân truy đuổi gây tai nạn tử vong
Vừa qua, công an huyện Hòa Vang đã nhận được đơn thư kiến nghị của ông Nguyễn Công Thúc (SN 1956, ngụ thôn Hương Lam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng, cha ruột nạn nhân Nguyễn Công Cảnh bị dân quân truy đuổi bị tai nạn tử vong) đề nghị điều tra làm rõ việc con trai ông bị hai dân quân xã Hòa Phong truy đuổi gây tai nạn tử vong vào ngày 22/07.
Theo nội dung hồ sơ vụ việc lưu trữ tại công an huyện Hòa Vang, vụ việc xảy ra vào khoảng 23h30 ngày 22/07 trên tuyến quốc lộ 14B chạy qua địa bàn xã Hòa Khương. Đêm hôm 22/7, theo lịch, hai dân quân địa phương là anh Lâm Quang Vũ (thôn Cẩm Toại, xã Hòa Phong) và anh Phạm Hồng Vũ (thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong, cùng huyện Hòa Vang) được giao nhiệm vụ trực ca. Cứ thông lệ, đến khuya thì lực lượng dân quân thường đi tuần trên địa bàn mình quản lý, trong lúc đang làm nhiệm vụ tuần tra canh gác trên quốc lộ 14B đoạn qua địa bàn xã Hòa Phong thì Quang Vũ và Hồng Vũ tình cờ phát hiện một chiếc xe gắn máy chở 4 đi ngông nghênh trên đường phố. Thấy vậy, hai dân quân đã tổ chức truy đuổi nhằm tóm gọn đối tượng để xử lí. Sau khi truy đuổi được khoảng nửa cây số qua địa phận xã Hòa Khương (nơi nằm ngoài tầm quản lý), hai dân quân này cũng tiếp cận xe chở 4 và áp sát yêu cầu dừng lại. Khi thấy dân phòng truy đuổi sát mình, 4 thanh niên này hốt hoảng phóng nhanh với tốc độ khá cao. Do phóng nhanh, chạy ẩu vì sợ bị bắt nên Nguyễn Công Cảnh (người điều khiển xe) đã không làm chủ được tay lái, đâm thẳng vào cột điện bên vệ đường khiến anh Cảnh bị chấn thương nặng dẫn đến tử vong ngay sau đó, các đối tượng khác cũng bị đa chấn thương nghiêm trọng. Kết luận của bệnh viện cho biết, anh Cảnh tử vong do bị chấn thương sọ não nặng, máu tích tụ trên não nhiều. Các đối tượng khác lần lượt là Nguyễn Công Nam ( 17 tuổi) bị đa chấn thương ngoài da; Phạm Minh Tiến ( 20 tuổi) bị gãy xương đùi, gãy xương chậu; chị Phạm Minh Huệ (19 tuổi, trú thôn Hương Lam, cùng trú xã Hòa Khương) trầy xước khắp người, gãy bàn chân trái. Chị Huệ và anh Nam đã xuất viện, riêng anh Tiến vẫn đang điều trị để tiếp tục theo dõi.
Em Nam nhớ lại, khi Cảnh đang cho xe chạy ngang qua cây xăng 17 theo hướng từ xã Hòa Phong về thì thấy một chiếc xe gắn máy do hai thanh niên mặc áo đồng phục dân phòng đuổi theo sau lưng. Biết là dân phòng nên Cảnh đã rồ ga tăng tốc chạy do xe chở bốn, Tiến với Nam ngồi giữa lại không đội mũ bảo hiểm. Khi về đến địa bàn xã Hòa Khương, cả 3 người Tiến, Nam, Huệ cho rằng đã về “đất nhà mình” nên không cần chạy nhanh, bèn ra hiệu cho Cảnh chạy chậm lại. Khi đó, chiếc xe gắn máy do Vũ điều khiển vọt lên áp sát vòng qua bên phải xe của Cảnh làm cho xe chao đảo. Khi áp sát, một dân phòng đã cầm gậy cao su giơ lên nhưng không đánh, mà dùng chân đạp khiến xe của Cảnh mất lái đâm vào cột điện. Nam lồm cồm bò dậy, thế nhưng hai anh dân phòng điềm nhiên phóng xe bỏ đi mặc cho Cảnh, Tiến và Nam nằm bất tỉnh.
Hiện trường xảy ra vụ tai nạn bất thường vào khuya 22/07 vừa qua.
Tận cùng nỗi đau
Dù sự việc đã xảy ra hơn 10 ngày nhưng mỗi khi nhắc lại em Phạm Minh Huệ (SN 1994) đang là sinh viên năm thứ 2, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng vẫn không khỏi bàng hoàng. Khi được hỏi về cái buổi tối định mệnh ấy, Huệ vẫn còn nhớ như in từng chi tiết nhỏ và xem đó như là cái buổi tối kinh hoàng mà em từng gặp suốt 19 năm qua.
Ngồi kể chuyện, em Huệ không khỏi rưng rưng những giọt nước mắt thương tiếc cho người bạn xấu số của mình: “Hôm đó sau khi đi học về, em được Cảnh điện thoại gọi sang nhà văn hóa thôn Hương Lam tham gia tập văn nghệ. Đến 21h 30’ sau khi nghỉ tập văn nghệ, Cảnh chở em về và có rủ thêm Tiến, Nam và một số người bạn khác đi xuống khu vực Túy Loan để đi hát karaoke. Sau khi hát xong, vì trời khá khuya, tầm hơn 23 giờ, các bạn đi cùng đều về hết, trong khi chỉ có 1 chiếc xe, chúng em đã nhất trí “tống bốn” để Cảnh chở về nhà. Ai ngờ đến khu vực xã Hòa Phong thì bị hai anh dân quân phát hiện và thổi còi yêu cầu dừng lại. Sợ bị bắt nên Cảnh rồ ra phóng nhanh. Khi đó, 2 anh dân quân lấy xe đuổi theo truy bắt. Ai ngờ, do bị truy đuổi và phóng nhanh nên Cảnh không làm chủ tốc độ tông mạnh vào trụ điện bên vệ đường tử vong, còn 3 chúng em bị đa chấn thương, gãy chân, xương đùi, khó mà bình phục lại như trước”.
Cũng tâm trạng như em Huệ, ông Nguyễn Công Thức (cha ruột em Nguyễn Công Cảnh) bày tỏ nỗi niềm đau đớn khi chứng kiến cảnh tượng đau lòng về cái chết của con mình. Hôm chúng tối đến thăm, đúng lúc gia đình đang chuẩn bị cúng cơm cho Cảnh. Trong bộ áo tang màu trắng, vừa thắp hương ông Thức vừa lấy tay gạt đi những giọt nước mắt xót ra trên khuôn mặt hốc hác, tiều tụy tuổi già.
Theo những người hàng xóm cho biết, trước sự ra đi quá đột ngột của con trai mình, bà Thái Thị Hồng (SN 1961) đã nhiều lần ngất lên ngất xuống và đột quỵ. “Ở nơi này, con trai bà Hồng được biết đến bởi tính ngoan hiền.”-một người hàng xóm cho biết thêm.
Gia cảnh nhà Nguyễn Công Cảnh hết sức éo le. Nhà Cảnh có bốn anh chị em, chị lớn đi lấy chồng xa, giờ chỉ còn ba anh em trai sống quây quần bên ba mẹ. Cảnh là một đứa ngoan ngoãn, học hết phổ thông, thấy gia đình quá khó khăn, Cảnh xin ba mẹ cho thôi học ở nhà làm kinh tế phụ bố mẹ. Mấy năm nay trở lại đây, Cảnh xin vào làm công nhân ở nhà máy gạch PRIME (đóng tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo em Huệ, Tiến và Nam, khi xảy ra tai nạn gia thông, Cảnh chỉ mới bất tỉnh. Khi ấy, nếu có xe đưa đi cấp cứu vẫn có thể giữ được tính mạng. Tuy nhiên, do quá khuya và đoạn đường xa khu dân cư nên không biết kêu cứu ai. Mãi sau 1 giờ, Cảnh mới được người thân đưa đến Bệnh viện cấp cứu nhưng do Cảnh bị máu tích tụ ở não nên tử vong trước đó.
Sau khi làm đám tang xong cho con trai, theo lời khuyên của người thân và hàng xóm, ông Thức đã viết đơn kiến nghị cơ quan công an vào cuộc để làm rõ trách nhiệm đôi bên, đặc biệt lại thái độ và hành động của hai dân quân truy đuổi con trai ông dẫn đến tử vong.
Qua tìm hiểu được biết, theo luật, hai dân quân Lâm Quang Vũ và Phạm Hồng Vũ không có quyền truy đuổi người vi phạm giao thông, đặc biêt truy đuổi nằm ngoài phạm vi mình quản lí. Hơn nữa, sau khi truy đuổi gây tai nạn lại thờ ơ, không cứu chữa người bị nạn.
Theo anh Chung, anh trai nạn nhân cho biết, sau khi tai nạn xảy ra, cơ quan công an đã đến khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai của các nhân chứng, gia đình cũng đã gửi đơn kiến nghị nhưng hơn một tuần trôi qua, gia đình vẫn chưa nhận được lời phúc đáp từ cơ quan chức năng.
Qua lí lịch, hồ sơ, Lâm Quang Vũ và Phạm Hồng Vũ là hai trong số 9 đội viên của tổ dân quân thường trực của xã, được thành lập theo quyết định 7661/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng năm 2012. Đội dân quân này có nhiệm vụ phối hợp với công an làm công tác tuần tra, tuần tra độc lập trên địa bàn nhằm đảo bảo trật tự kỷ cương, hạn chế tình trạng trộm cắp, mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Ông Trần Minh Hoá, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Phong: “Ngay sau khi xảy ra vụ việc đáng tiếc trên, lãnh đạo xã đã tổ chức kiểm điểm, phổ biến lại quy định về quyền hạn trách nhiệm của lực lượng dân phòng để các đồng chí có thể thực hiện tốt, đúng trách nhiệm đảm bảo trật tự trên địa bàn mình quản lý. Đồng thời nêu rõ trách nhiệm của đội chỉ là tuần tra phòng chống trộm cắp trên địa bàn chứ không có quyền truy đuổi người vi phạm luật giao thông. Cùng với đó, lãnh đạo xã cũng cử người đến thăm hỏi và hỗ trợ gia đình các nạn nhân.”