Để ngăn chặn bạo lực học đường, điều quan trọng nhất là phải có sự chung tay góp sức của cộng đồng, xã hội.
Những ngày qua, dư luận đang rất bức xúc trước sự việc một phụ huynh trẻ mẫu giáo tên là Bùi Mạnh Hùng đã có hành vi mắng chửi và đánh một bé gái 2 tuổi tại trường Mầm non Trump Kids.(Thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai). Đây có thể coi là một vụ “bạo lực học đường” có tính chất phức tạp và nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần các cháu, ảnh hưởng đến môi trường giáo dục và gây lo lắng, hoang mang trong xã hội.
Ảnh cắt từ clip ghi lại hành vi bạo lực của phụ huynh tên Hùng
Sự việc xảy ra vào ngày 30/9, phụ huynh tên Bùi Mạnh Hùng đến lớp D2 đón con và thấy con gái đang khóc, trên cổ tay có vết son màu đỏ mà Hùng tưởng là vết cắn, nên đã liên tục túm tóc, tát và đánh một bé gái cùng lớp. Trước hành vi hung hãn của Hùng, hai nữ giáo viên có mặt cũng không dám bảo vệ bé gái. Sau 2 lần triệu tập không được, ngày 3/10, Công an Thành phố Lào Cai phát thông báo truy tìm, đến ngày 4/10, Hùng mới đến trình diện.
Sau sự việc xảy ra, lãnh đạo Trường Mầm non Trump Kids đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với 2 giáo viên có mặt tại lớp hôm xảy ra vụ việc để phục vụ công tác điều tra của công an.
Phân tích về hành vi của nam phụ huynh nói trên, đa số bạn đọc cho rằng, Bùi Mạnh Hùng là một người đàn ông mặt mũi sáng sủa, cơ thể to khỏe, không bị bệnh tâm thần hay bị mất năng lực điều khiển hành vi, lại là phụ huynh của một trẻ mẫu giáo. Vậy mà trước một sự việc trẻ nhỏ tranh giành đồ chơi rất bình thường, Hùng lại không hề có một chút kiến thức, hiểu biết gì về tâm lý và hành vi của trẻ em độ tuổi mẫu giáo. Do đó Hùng đã ngang nhiên chửi mắng, đánh đập một bé gái mới 2 tuổi đầu ngay tại lớp học, trước mặt các cô giáo; dọa nạt, uy hiếp tinh thần của cháu bé khiến cháu đau đớn, khóc lóc sợ hãi. Đây thật sự là một hành vi rất phản cảm, vô văn hóa. Một hành động có tính chất côn đồ, vô giáo dục ngay giữa môi trường giáo dục, coi thường pháp luật, coi thường sức khỏe và nhân phẩm của trẻ em.
Nhiều bạn đọc lo lắng rằng, với mức độ nhận thức, hiểu biết và cách hành xử như vậy, chắc chắn Bùi Mạnh Hùng là một kẻ rất gia trưởng trong gia đình. Còn trong xã hội Hùng là một người ưa bạo lực, manh động, ích kỷ và luôn hành động theo bản năng. Đồng thời sự nuông chiều, bênh vực con một cách thái quá, cực đoan như cách hành xử của Hùng chắc chắn chỉ tạo nên những đứa trẻ có tính cách ích kỷ, tham lam, hung hãn và manh động. Chúng sẽ lớn lên với ý nghĩ là mình luôn đúng, mình luôn có thế lực “chống lưng” đằng sau nên không còn biết kiêng nể và e sợ bất kỳ ai. Trong cả cuộc đời, chúng sẽ luôn chà đạp lên người khác để giành giật cho thỏa mãn lòng tham và thói ích kỷ của mình..
Dự luận cũng mong muốn cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, điều tra, xác minh làm rõ hành vi của người đàn ông đánh cháu bé trên, xác định hậu quả đã gây ra đối với cháu bé để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật, đồng thời cũng góp phần răn đe đối những hành vi tương tự.
Chúng ta đã từng chứng kiến “muôn mặt” kiểu “bạo lực học đường”, như: phụ huynh đánh thầy cô giáo; thầy, cô giáo đánh nhau; học sinh đánh nhau; thầy cô giáo đánh học sinh; học sinh đánh thầy cô giáo... và nay lại chứng kiến thêm một kiểu “bạo lực học đường” mới: Phụ huynh đánh bé mẫu giáo... có thể nói vấn nạn “bạo lực học đường” đã thực sự “phát triển” đến hồi đáng báo động.
Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã có văn bản số 993/CT-BGDĐT chỉ thị về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục. Yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, đào tạo giáo viên... tăng cường các giải pháp phòng, chống và xử lý kịp thời các vụ bạo lực học đường, bảo đảm an ninh, an toàn trường học. Theo đó thủ trưởng các cơ sở phải chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về an ninh, an toàn trong cơ sở giáo dục; giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, nhân viên, học sinh trong các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm thực hiện quy định về bảo đảm an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, gia đình học sinh và cộng đồng về phòng, chống bạo lực học đường. Bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về đạo đức nhà giáo, tư vấn tâm lý, năng lực kiểm soát cảm xúc cá nhân và kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật...
Tuy nhiên, tất cả các giải pháp trên cũng chỉ là những đối sách tình thế. Để ngăn chặn bạo lực học đường, điều quan trọng nhất là phải có sự chung tay góp sức của toàn cộng đồng, xã hội. Đặc biệt, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, các tổ chức đoàn thể xã hội và phụ huynh, gia đình học sinh. Trong đó việc nâng cao kiến thức, hiểu biết, nâng cao ý thức tôn trọng nhà trường, lớp học, tôn trọng nhân phẩm của các thầy cô giáo và các em học sinh của toàn thể các phụ huynh điều là không thể thiếu, góp phần thiết thực xây dựng một môi trường học tập an toàn, lành mạnh và không có bạo lực học đường trong giai đoạn hiện nay.