Vị giáo sư trẻ nhất Việt Nam chia sẻ con đường đi đến thành công của mình

NGÔ CHUYÊN - Thực hiện| 17/02/2021 08:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tôi từng mất 3 năm để đi tìm kiếm các nguồn tài trợ cho công cuộc nghiên cứu khoa học của mình. Và theo tôi nhận thấy, khi Hội đồng xét duyệt đánh giá các tiêu chí và đồng ý đầu tư ngân sách cho mình nghiên cứu họ thường dựa trên nền mình đã làm được gì trước đó.

Đó là chia sẻ của GS. Nguyễn Đức Toàn – giảng viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội một trong ba giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2020.

Dưới đây báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn sâu với tân GS về quá trình theo đuổi đam mê của mình!

giao-su-toan-2.jpg
GS. Nguyễn Đức Toàn – giảng viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội một trong ba giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2020.

PV: Cảm xúc của anh như thế nào khi trở thành một trong ba người trẻ nhất Việt Nam được phong hàm giáo sư năm 2020?

GS. Toàn: Tôi rất vinh dự và tự hào khi là một trong ba giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2020. Đây là một trong những học hàm cao quý mà mỗi giảng viên, nhà khoa học làm việc tại các trường Đại học, Viện nghiên cứu luôn không ngừng nỗ lực rèn luyện, nghiên cứu và phấn đấu để đạt được.

Với tôi, cũng không ngoại lệ, khi đạt được các tiêu chí để xét công nhận đạt chuẩn giáo sư là một quảng đường đi rất dài, bền bỉ và cống hiến.

Một cảm xúc nữa mà sau khi tôi được phong học hàm giáo sư đó chính là trọng trách, trách nhiệm của mình ở vị trí khoa học mới. Bản thân tự nhủ phải làm sao lan tỏa được kiến thức, đam mê khoa học đối với thế hệ trẻ, bạn bè đồng nghiệp trẻ cũng như các thế hệ sinh viên của Bách khoa Hà Nội.

PV: Anh có thời gian học tập, nghiên cứu thực tế ở nước ngoài. Vậy anh đánh giá như thế nào về sự kết hợp giữa doanh nghiệp và trường đại học về nghiên cứu khoa học hiện nay?

GS. Toàn: Theo như mình quan sát, nghiên cứu, đi thực tế ở Hàn Quốc và một số nước tiên tiến khác, sự kiết hợp giữa doanh nghiệp - nhà nước - trường đại học như cái kiềng ba chân.

quyet-dinh.jpg
Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội - ông Huỳnh Quyết Thắng trao quyết định GS cho GS Nguyễn Đức Toàn.

Ví dụ: Ở Hàn Quốc, những vấn đề xuất phát từ doanh nghiệp được các trường đại học đưa về phát triển thành các dự án dưới sự quản lý của nhà nước. Để làm sao áp dụng kiến thức của trường đại học – kiến thức hàn lâm vào trong sản xuất, từ đó cải thiện tốt hơn trong quá trình sản xuất.

Còn ở nước ta, hiện nay thực tế điều kiện sản xuất đều hầu hết là công nghệ có sẵn và làm theo mẫu. Tuy nhiên, những năm gần đây một số doanh nghiệp đã xuất hiện các trung tâm nghiên cứu và phát triển của riêng mình với mục đích cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao sản xuất.

Dẫu vậy, thời gian nghiên cứu chuyên sâu như ở các trường đại học vẫn còn hạn chế. Từ những thực tế đó, tôi mong muốn nhà nước, các cơ quan chức năng có thể hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với các trường đại học cùng nghiên cứu, đánh giá và thành lập các nhóm để tài phát triển.

PV: Có khi nào anh nghĩ làm nghiên cứu khoa là để làm kinh tế không?

gs-toan-3.jpg

GS Toàn: Bản thân tôi nghiên cứu khoa học suy nghĩ đơn thuần là sự đam mê, cống hiến và dấn thân. Khi làm nghiên cứu khoa học, không thể suy nghĩ làm giàu một cách nhanh chóng hay là gia tăng về mặt kinh tế ngay tức thời.

Bên cạnh đó, làm nghiên cứu khoa học là làm chủ về tri thức. Và làm sao cái tri thức mình làm chủ đó có thể áp dụng vào thực tế. Đồng thời, khi làm chủ được tri thức đó, việc xin kinh phí nghiên cứu hoàn toàn có thể giải đáp được.

Tôi từng mất 3 năm đầu khi mới giảng dạy ở ĐH Bách khoa Hà Nội để đi tìm kiếm các nguồn tài trợ cho công cuộc các nghiên cứu của mình. Và theo tôi nhận thấy khi họ đánh giá tiêu chí và chịu đầu tư vốn cho mình thì họ cũng dựa trên nền mình đã làm được gì trước đó.

Cũng may tôi đã có thời gian học làm nghiên cứu sinh ở Hàn Quốc, từng được công bố nhiều công trình nghiên cứu khoa học cũng như bài báo quốc tế, nên khi đệ trình các đề tài lên các quỹ tại tài trợ cũng thuận lợi. Đồng thời họ cũng trả thêm lương cho việc nghiên cứu của tôi do đó giúp cho việc nghiên cứu của tôi thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, đối với các bạn trẻ, sinh viên của tôi, tôi vẫn luôn động viên là hãy cứ cháy hết với đam mê nghiên cứu khoa học của mình. Khi thành công các bạn sẽ rất bền vững vào tạo có cơ hội cho phát triển bền vững tương lai của mình.

gs-toan-4.jpg

PV: Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình về nghiên cứu khoa học cũng như cách tìm kiếm nguồn tài trợ cho đề tài nghiên cứu khoa học của những người trẻ?

GS Toàn: Theo kinh nghiệm bản thân tôi, khi còn là sinh viên bạn hãy học cách làm nghiên cứu khoa học. Ví dụ: bạn có thể tham gia vào các nhóm nghiên cứu của những người đã thành công chẳng hạn.

Sau khi chúng ta học được cách nghiên cứu khoa học, khi làm đề tài, của mình làm nếu thiếu thiết bị, hay gặp khó khăn, nhóm nghiên cứu đó có thể hỗ trợ, như tư vấn, cùng tháo gỡ.

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đó đã có sẵn những quỹ để phát triển có thể hỗ trợ bạn từ đó bạn có thể thuận lợi nghiên cứu, phát triển những công trình. Như vậy việc xin kinh phí tiếp tục phát triển dự án sẽ dễ dàng hơn.

Hoặc bạn cũng có thể tham gia các đề tài, nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học hay các tổ chức để chúng ta tích lũy kiến thức làm nghiên cứu và phát triển nghiên cứu của mình theo định hướng.

PV: Anh có thể chia sẻ một vài câu chuyện ấn tượng về nghiên cứu khoa học của mình?

GS. Toàn: Tôi thường chọn những đề tài chưa ai làm để tìm hiểu và nghiên cứu. Còn câu chuyện những nghiên cứu đó sau này biến thành sản phẩm, thương mại hóa đó là câu chuyện của tương lai tôi chưa nghĩ tới khi bắt tay vào nghiên cứu một đề tài nào đó.

Hiện tại, hướng nghiên cứu chính của tôi là gia công vật liệu kim loại tấm phục vụ cho ô tô, cải thiện chất lượng gia công, tạo hình, áp dụng cho các sản phẩm công nghiệp trong tương lai.

Thường đề tài tôi trình lên các cấp là những đề tài mang tính áp dụng thực tế. Những nghiên cứu tập trung đề xuất các ý tưởng mới để dự báo chính xác các hiện tượng phá hủy vật liệu, gia công tạo hình sản phẩm trong công nghiệp, để từ đó đánh giá được ảnh hưởng của các yếu tố công nghệ đến chất lượng sản phẩm tạo ra như thế nào.

Khi đã dự báo và đánh giá chính xác kết quả gia công tạo hình sản phẩm thông qua thực nghiệm và mô phỏng, thì hoàn toàn có thể sử dụng bộ thông số công nghệ đã lựa chọn vào thực tiễn gia công chế tạo, nhằm hạn chế sai sót, tốn kém trong quá trình sản xuất.  

z2321956151248_1d9f8dca5c1a880dcc9da4298fb1b4ac.jpg

Đặc biệt những dự báo, đánh giá các thông số công nghệ đó giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quá trình sản xuất, tạo ra được các sản phẩm đạt chất lượng cao nhất. Giúp quá trình sản xuất được nhẹ nhàng và kiểm soát được chất lượng đầu ra của các sản phẩm công nghiệp, đó cũng là những công trình tôi tâm đắc.

PV: Anh có thể chia sẻ quá trình học tập của mình đâu là bước ngoặt để tạo thành công cho anh như ngày hôm nay?

GS. Toàn: Tôi sinh ra ở  tỉnh Hải dương, từ những năm cấp 1 đến cấp 3 mình không có gì nổi trội. Cho đến cấp 3 bắt đầu vào học Trường THPT Hồng Quang - được vào lớp chọn.

Khi vào đây, tôi thấy các bạn của mình có những kiến thức chưa học nhưng các bạn mình đã biết. Có những bài toán nâng cao rất khó các bạn lại đưa ra được cách giải rất hay. Trong đầu suy nghĩ sao các bạn giỏi vậy, gần như cái gì các bạn cũng biết. Sau một thời gian nhìn các bạn học, tôi tự nhủ bản thân phải cố gắng.

Bên cạnh đó, bố tôi rất yêu và thần tượng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, muốn con trai theo kỹ thuật bản thân bố rất mong muốn được theo học tại ngôi trường kỹ thuật ngày từ hồi còn trai trẻ.

Không biết cái sở thích đó của bố tôi lan đã lan sang các con của ông từ lúc nào. Và  mấy anh em tôi càng quyết tâm để thực hiện ước mơ vào ĐH Bách khoa Hà Nội. Khi đã được theo học tại ngôi trường hàng đầu đất nước về khoa học và công nghệ này, chúng tôi càng nỗ lực học tập mọi lúc, mọi nơi.

Tôi vẫn nhớ thời còn sinh viên, vừa tập tạ, vừa cầm sách đọc ở phòng trọ khi có bạn đến chơi đã bất ngờ khi thấy hình ảnh đó của tôi. Cho đến giờ  mỗi khi có các cuộc họp nhóm, lớp Chế tạo máy 4-K43 các bạn vẫn hay nhắc lại hình ảnh đó.

Hay câu chuyện sốc với học tiếng Anh ở Bách khoa. Anh trai tôi học Bách khoa trước tôi 2 khóa nên luôn nhắc nhở rằng khi vào trường Đại học thì khối lượng tiếng Anh phải học rất nhiều và khó. Nếu không học ngay từ đầu thì sẽ không thể vượt qua được môn tiếng Anh. Mấy buổi đầu mới đi học tại trường ĐH Bách khoa thấy cô hỏi tiếng Anh nhiều quá, không hiểu gì. Cảm giác lo lắng chuyển sang sốc. Rồi dần đần tự định thần lại, quyết tâm dù khó mấy cũng phải học bằng được.

Ban đầu tôi cố gắng học nhồi nhét tuy nhiên tôi nhận thấy học như vậy không nhớ nổi cái gì, cần phải thay đổi cách học ngay. Bởi vậy, ngoài đi học ở giảng đường trên lớp, về nhà các cấu trúc ngữ pháp, từ mới tôi học đi học lại rất nhiều lần, học với tâm thế thoải mái. Lâu dần nó ngấm và quen.  

Từ đó tôi rút ra được bài học, học tiếng Anh phải học từ từ mới ngấm, không thể học nhồi nhét, một sớm một chiều. Rồi thời gian chuẩn bị đi học nước ngoài, tôi giành thời gian nghe tiếng Anh nhiều hơn, dẫu nhiều cái không hiểu nhưng vẫn nghe.  

Ban đầu có những từ tôi phát âm không chuẩn, tôi đã nhờ sự hỗ của các công cụ như: phần mềm từ điển hoặc nghe trực tuyến, qua google....

Hay có thể cải thiện thông qua nói chuyện trao đổi học thuật với người nước ngoài. Khi mình phát âm sai họ cũng sẽ giúp điều chỉnh cách nói để cải thiện cách phát âm cho mình chuẩn hơn. Và như vậy, tôi cứ học tiếng Anh đến bây giờ vẫn học tập, nghiên cứu khoa hoc và làm việc hàng ngày với Tiếng Anh.

PV: Điều gì khiến anh muốn gắn bó cả cuộc đời với Bách khoa?

Tại Bách khoa Hà Nội tôi đã có thể thực hiện những ước mơ, hoài bão đặc biệt là đam mê nghiên cứu khoa học. 20 năm, kể từ khi rời cha mẹ đi học đại học, tôi luôn tự tin với quyết định gắn bó với Bách khoa cả đời của mình.

Trước đó, khi mới ra trường trong thời gian nộp hồ sơ và chờ xét duyệt để được ở lại Trường ĐH Bách Khoa tôi cũng đã đi làm cho một công ty để lấy kiến thức thực tế. Khi nhận được kết quả được giữ lại trường, tôi đã không do dự dẫu lúc đó mức lương ở công ty tôi đang làm cũng khá ổn.

Như đã nói ở trên, Trường Đại học Bách khoa, ngoài tình yêu, cảm xúc và thần tượng hóa ngay từ thơ bé. Thì bây giờ, tại Bách khoa Hà Nội tôi đã có thể thực hiện những ước mơ, hoài bão đặc biệt là đam mê nghiên cứu khoa học của mình. Và tôi luôn tự tin với quyết định gắn bó với Bách khoa cả đời của mình.

Cảm ơn anh đã chia sẻ những trải nghiệm. Chúc anh mạnh khỏe và có nhiều công trình nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vị giáo sư trẻ nhất Việt Nam chia sẻ con đường đi đến thành công của mình