Vị Chánh án tâm huyết với nghề

Tống Toàn| 08/10/2016 09:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong những năm qua TAND huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ đã giải quyết và xét xử bảo đảm đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.

Thẩm phán Ngô Sỹ Quý được bổ nhiệm chức vụ Chánh án TAND huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ vào tháng 4/2016. Với nhiệm vụ được giao vừa phải hoàn thành chỉ tiêu công tác xét xử các loại vụ án vừa phải quản lý, điều hành hoạt động của đơn vị, tham gia công tác chính trị của địa phương nên khối lượng công việc bộn bề. Nhưng không phải vì thế mà ông xao nhãng chất lượng giải quyết, xét xử các loại án ...

Có thể nói, Lâm Thao là một huyện phát sinh nhiều loại án và sự phức tạp có chiều hướng tăng lên. Song, với sự sắp xếp khoa học, tận dụng tối đa thời gian cho việc chỉ đạo giải quyết các loại án của lãnh đạo, trong những năm qua TAND huyện đã giải quyết và xét xử bảo đảm đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm. Các vụ án có kháng cáo, kháng nghị thì hầu hết được cấp phúc thẩm xử giữ nguyên án sơ thẩm. Không có vụ án nào bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán. Qua công tác kiểm tra giám đốc án của cấp trên, Tòa án huyện được đánh giá là đơn vị vững vàng về nghiệp vụ chuyên môn, ít sai sót.

Ông Quý tâm niệm, do đặc thù nhiệm vụ của người Thẩm phán khi giải quyết, xét xử các tranh chấp, mỗi quyết định được đưa ra đều ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Để có được những quyết định đúng đắn nhất trong quá trình giải quyết từng vụ việc, bản thân phải luôn phấn đấu và tạo cho mình một nguyên tắc làm việc, tuân thủ các quy tắc nghề nghiệp. Ngoài ra, Thẩm phán còn phải đảm bảo tính độc lập, chịu trách nhiệm trước pháp luật về những quyết định của mình. Vì vậy, người Thẩm phán, đòi hỏi không những giỏi về chuyên môn, tinh thông về kiến thức pháp luật mà còn phải có lập trường tư tưởng vững vàng, lòng yêu nghề; không ngừng tích lũy, học hỏi nghề nghiệp thông qua trao đổi nghiệp vụ với những đồng nghiệp. Đồng thời, phải nghiên cứu các tài liệu khoa học để vận dụng vào việc giải quyết, xét xử các loại vụ án đúng quy định của pháp luật góp phần vào việc giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội và sự phát triển kinh tế của địa phương.

Vị Chánh án tâm huyết với nghề

Chánh án TAND huyện Lâm Thao Ngô Sỹ Quý

Trong công tác quản lý điều hành công việc của cơ quan, ông Quý luôn chủ động phân công rõ từng loại việc, với từng cá nhân để phát huy thế mạnh của từng cán bộ; luôn tạo điều kiện cho cán bộ trong cơ quan chủ động đề xuất đối với công việc, nhằm phát huy tính sáng tạo, sở trường công tác của mỗi cá nhân. Thực hiện áp dụng công nghệ thông tin vào công việc, từ việc nhận đơn, thụ lý, triệu tập đương sự và triệu tập phiên tòa,... để kịp thời, hiệu quả, chính xác. Hàng tháng ông đều xây dựng kế hoạch giải quyết và lên lịch xét xử các loại vụ án, phân công Thẩm phán, Thư ký phiên tòa và Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử nhanh chóng, kịp thời không có vụ án nào để quá hạn quy định của pháp luật.

Trao đổi với chúng tôi về phương pháp đạt được những thành tích về xét xử nêu trên, Chánh án Ngô Sỹ Quý bộc bạch: Đối với những vụ án hình sự trước hết phải nghiên cứu những chứng cứ gỡ tội cho các bị can, bị cáo, khi không có chứng cứ gỡ tội thì mới nghiên cứu đến chứng cứ buộc tội. Khi có những căn cứ cho thấy bị cáo bị oan sai hoặc chưa đủ chứng cứ để buộc tội thì kiên quyết trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tuyên bố bị cáo không phạm tội.

Khi Thẩm phán nghiên cứu các chứng cứ buộc tội phải nghiên cứu những yếu tố cấu thành tội phạm và kiểm tra việc thu thập chứng cứ của các cơ quan tố tụng xem có đúng trình tự tố tụng không? Việc đánh giá các chứng cứ của các cơ quan tiến hành tố tụng xem có khách quan, toàn diện không? Phải nghiên cứu nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, những nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo. Động cơ, mục đích phạm tội, dư luận xã hội về vụ án để khi ra quyết định bản án tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh và phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trận tự tại địa phương. Ông Quý nhấn mạnh.

Đối với việc giải quyết, xét xử án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, ông Quý đã chủ động trao đổi với các cơ quan chuyên môn, đồng nghiệp cơ quan trong việc giải quyết án, áp dụng kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình giải quyết, coi trọng công tác hòa giải là khâu quan trọng hàng đầu. Tăng cường xuống cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương để điều tra, xác minh theo đúng trình tự tố tụng quy định. Kiên trì, mềm dẻo trong việc hòa giải nên tỷ lệ hòa giải thành các vụ án đạt kết quả cao, không để án tồn đọng, kéo dài, quá hạn luật định.

Đối với kỹ năng điều khiển phiên tòa, ông Quý cho rằng, các vụ án đưa ra xét xử đều phải xây dựng kế hoạch xét hỏi cụ thể, đặc biệt là vụ án hình sự phải xây dựng kế hoạch xét hỏi theo hai hướng: Bị cáo nhận tội và bị cáo chối tội, các câu hỏi tại phiên hòa phải xúc tích, dễ hiểu, đúng trọng tâm. Các vụ án khác phải thẩm vấn tại phiên tòa, Thẩm phán phải đi sâu vào thẩm vấn để làm rõ nội dung của vụ án, hướng cho các bên đương sự tranh tụng tại phiên tòa một cách khách quan, toàn diện.

Vì lẽ đó, những năm qua TAND huyện Lâm Thao luôn đạt thành tích tốt, nhận được nhiều danh hiệu thi đua. Năm 2013, đơn vị đạt "Tập thể Lao động xuất sắc" và được Chánh án TANDTC tặng thưởng "Cờ thi đua xuất sắc” của hệ thống TAND. Năm 2014 và 2015, đơn vị đạt "Tập thể Lao động tiên tiến". Cá nhân ông Ngô Sỹ Quý từ năm 2013 đến nay năm nào cũng đạt danh hiệu thi đua Lao động tiên tiến, Chiến sỹ thi đua cơ sở và nhiều Giấy chứng nhận, Giấy khen  của Tòa án tỉnh, UBND huyện Lâm Thao. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vị Chánh án tâm huyết với nghề